Sắc màu Cuộc Sống

Chuyện đời của cậu bé khuyết tật, mồ côi cha, biết tính tiền vé số trước cả đánh vần tên

Phương Lê
Chia sẻ

Mỗi ngày đều đặn từ 7h sáng cho đến khi đường phố lên đèn, 3 mẹ con mang dị tật ở chân cố bám víu nhau chào mời từng tấm vé số.

Những tâm sự của cậu bé 10 tuổi nhỏ người, chân mang khuyết tật khiến nhiều người như không cầm được nước mắt. Cũng như bao đứa trẻ khác, Lê Thành Đạt có bố có mẹ nhưng tuổi thơ của em không phải là một chuỗi màu hồng khi ngay cả một việc bình thường như đi lại với em cũng là một thử thách.

10 tuổi, Đạt chưa thể đứng vững trên chính đôi bàn chân của mình, biết chào mời thối tiền vé số cho khách trước khi có thể đánh vần trọn vẹn cái tên.

“Con không có ba để ẳm đi chơi, người ta có ba ganh tị ghê. Ước gì ba còn sống để chơi cùng con…”

Việc di chuyển của Đạt phải trông cậy vào các thiết bị hỗ trợ.

“Ngày mang thai Đạt, chị vẫn thăm khám, siêu âm định kì theo như lời bác sĩ. Thế nhưng, sau khi sinh ra, đến hơn 10 tháng vẫn con không thể chập chững tập đi như những đứa trẻ bình thường, chị đến bệnh viện thì nhận được câu trả lời: Con chậm biết đi. Rồi hi vọng con chạy nhảy như chúng bạn cũng tắt ngúm đi. Đến nay con 11 tuổi rồi mà cũng chỉ có thể gắn mình trên xe lăn.

Thương con khuyết tật, rồi lại thương hơn cảnh sớm mồ côi cha. Phải chi còn cha, mấy mẹ con đâu phải dắt díu nhau từ Nha Trang vào Sài Gòn tạm bợ phòng trọ bán vé số mưu sinh. Đạt cũng có điều kiện đến trường, được chữa trị đến nơi đến chốn, biết đâu giờ cũng đã đi lại được rồi” - chị Lê Thị Bích Nguyệt 1978 - mẹ Đạt cho hay.

Sau cả ngày chật vật mưu sinh, 3 mẹ con quây quần bên căn phòng trọ nhỏ.

Khó khăn của gia đình đâu chỉ là bấy nhiêu, bản thân chị Nguyệt cũng bị tật ở chân đi lại không vững vàng; anh trai của Đạt - Ngọc Quý từ nhỏ đã bị cơn sốt bại liệt nên dẫu đã 12 tuổi nhưng chẳng thể tự chăm sóc lấy bản thân mình. Rồi kinh tế gia đình gần như trông cậy hoàn toàn vào chiếc bàn vé số trong con hẻm nhỏ ở huyện Bình Chánh. Những hôm bán đắt từ sáng đến chiều Đạt bán được trên dưới 100 tờ vé số, những hôm mưa ế ẩm chỉ vào khoảng 50 tờ. “Với mỗi tờ, gia đình con thu về 1.000 đồng. Tả cho anh hai cũng hơn 100.000 nghìn rồi, khăn giấy ướt 15.000 đồng một gói nhỏ, tiền cơm, tiền nhà trọ… Nhiều thứ tiền lắm” - Đạt bộc bạch.

“Con trai lớn đã thế rồi, tôi gần như đặt hết hy vọng vào Đạt, để khi mình già yếu đi, con cũng đủ bản lĩnh sống và chăm sóc cho anh hai của nó. Ai chỉ thầy thuốc nào tôi cũng cố gói ghém tìm đến nhưng điều kiện có hạn đâu thể điều trị thời gian dài. Vật lí trị liệu cũng có tập rồi, giày nẹp cũng cho con thử qua… nhưng đâu lại hoàn đấy. Nó bảo: “Ước gì con biết đi hén mẹ, con sẽ đi khắp nơi, làm mọi việc phụ mẹ, giúp anh hai” - nghe mà tôi chỉ biết im lặng nuốt nước mắt vào trong” - chị Nguyệt bộc bạch.

Thiếu điều kiện đến trường lại sớm bươn chải cuộc sống nên dẫu đã 10 tuổi, Đạt chưa thể ghép vần được tên mình, chẳng biết làm toán nhưng buôn bán chào mời hay tính tiền thì thuần thục chẳng kém ai.

“Con ước một lần được ăn bánh sinh nhật, có quà sinh nhật là khủng long và 5 anh em siêu nhân. Bánh sinh nhật to ơi là to viết tên 2 anh em con trên đó, sau đó 3 mẹ con sẽ cùng thổi nến…” - cậu bé hồ hởi kể về một buổi tiệc sinh nhật trong tưởng tượng.

Hiểu được điều này, ekip chương trình “Điều ước thứ 7” đã tạo nên một cầu nối kéo gần ước mơ của cậu bé thiếu thốn nhưng đầy nghị lực.

Theo đúng như kế hoạch, ekip đã bí mật tổ chức một buổi tiệc sinh nhật thật đặc biệt tại công viên khủng long (Hà Nội) - một trong những địa điểm mà Đạt ao ước được đặt chân đến. Trong không khí vui tươi của màn trình diễn 5 anh em siêu nhân cùng nhóm hóa trang muôn thú, thì bất ngờ tiếng nhạc Happy Birthday vang lên, hai chiếc bánh kem đề tên Đạt và Quý tạo cho hai em nỗi bất ngờ khôn tả.

“Đây là lần đầu tiên con được đến Hà Nội, rồi lại được tổ chức sinh nhật hoành tráng thế này. Trước nay vào sinh nhật cũng chẳng có bạn bè, chỉ có mẹ con quanh quẩn với nhau. Tất cả cứ như một giấc mơ vậy đó”.

Đạt phấn khởi bên món quà sinh nhật đầu tiên trong đời.

Hiếm hoi trong nhiều năm qua, cậu bé khuyết tật mới có được một ngày thực sự nghỉ ngơi chẳng phải bận tâm đến những sấp vé số. Hành trình con chữ của em dang dở vì gánh nặng mưu sinh nay lại một lần nữa được chắp cánh với một suất học bổng ngoại ngữ - điều mà em ao ước.

Những gian nan phía trước của 3 mẹ con có thể vẫn chưa dừng lại, khuyết tật ở chân chẳng thể chữa lành và bữa ăn hằng ngày luôn là một bài toán khó. Nhưng mong rằng cậu bé sẽ được tiếp thêm nghị lực để tiếp tục trở thành chỗ dựa cho mẹ, cho anh trai trong những tháng ngày sắp tới.

Chia sẻ

Bài viết

Phương Lê

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất