Chuyện cụ Nuôi: 60 năm ở đợ nuôi người dưng và cuối đời sống trong sự đùm bọc của tình nghĩa xóm giềng

Hơn 60 năm, gần như cả cuộc đời, bà Nuôi (88 tuổi) phải chịu cảnh ở đợ không công cho người dưng. Để rồi, cuối đời, không gia đình, không người thân, không chồng con, không tiền bạc, cụ đành lủi thủi một mình trong căn phòng 4m2. May mắn thay, có những người ‘bao đồng’ yêu thương mà đùm bọc.

Bài viết Huy Hậu
Chia sẻ

Tôi bảo: Lúc mẹ cụ chết thì còn có bác sĩ, có chị gái, có cụ lo. Lúc chị gái chết thì còn cụ để chiếc khăn tang. Nhưng đến cụ thì sao? Người chết cuối cùng trong căn phòng nhỏ này lấy ai lo?

Cụ Nuôi vẫn cười, nụ cười chực sẵn trên khuôn mặt nhăn nheo, kéo lớp da mỏng như giấy xô nhau lại, vặn vẹo:

- Thôi cậu ơi, đừng nghĩ xa quá! Tôi già rồi, chuyện còn lại thì đành nhờ cô Cúc, không cổ thì chắc ai đó đi qua thấy cũng giúp. Không nữa thì đến lúc không tỉnh dậy, đã chết rồi thì biết gì nữa mà buồn, mà khổ.

Giữa trưa, nắng vàng giòn. Nắng hé qua liếp cửa gỗ cũ rọi vào căn phòng từng đợt nhỏ. Xung quanh, trừ chiếc tivi đang phát ra tiếng xì xèo nhỏ to, mọi thứ còn lại yên lặng, bỗng chốc quay về những năm tháng đượm đầy ký ức buồn-buồn-và đau khổ.

Chuyện cụ Nuôi: 60 năm ở đợ nuôi người dưng và cuối đời sống trong sự đùm bọc của tình nghĩa xóm giềng

Chỉ cần tới chung cư Trúc Giang (Q.4, TP.HCM), hỏi thăm người dân về bà cụ độ 90 tuổi, cả đời đi ở đợ không công thì ai ai cũng biết. Cánh cửa phòng nhà cụ Nuôi từ 3 năm nay đã khép kín, lâu lâu chỉ còn vài người hàng xóm thân thương ghé qua, đặt lại vài món bánh cho cụ ăn qua ngày. Ấy vậy, tình làng nghĩa xóm đã giúp bà cụ nghèo sống những ngày tháng cuối đời.

Ngồi trên chiếc ghế xếp, cụ Nuôi thuề thào kể lại chuyện đời bằng lớp ký ức mờ nhạt. Năm đó, cụ sinh ra trong một gia đình nghèo. Người mẹ đẻ rớt đứa con ở làng nào thì lấy tên làng đó đặt cho con. Chị cả ở Hà Đông, tên Nguyễn Thị Đông (1928), cụ đẻ ở làng Đơ thì tên Nguyễn Thị Đơ (1931).

Vì cái ăn cái mặc thiếu thốn lắm, chưa đặng 12 tuổi, người mẹ đành dắt tay chị Đông đi buôn trái cây dạo, còn Đơ thì bán cho một nhà tri thức thân quen. Từ đó, cô gái nhỏ đang ở tuổi trong veo như nước đã bước vào nhà người ta, làm chị cả nuôi 4 đứa em thơ.

“Họ bảo đặt lại tên cụ là Nuôi là để dễ nuôi ăn. Từ đó quen tên, người ta quên dần cái tên Đơ nên vẫn gọi là Nuôi đến giờ thôi…” - cụ nhớ lại.

Cô bé 12 tuổi, sáng nào 6h cũng thức dậy với bó củi trên vai, rồi gánh nước, nấu cơm, giữ em, giặt đồ,… và những buổi trưa vội vàng bới tô cơm riêng, ngồi ở xó bếp. “Đi làm lâu mà đâu có tiền đâu, chỉ đủ 3 bữa ăn. Mà lúc đó mình còn nhỏ cũng hổng biết gì để nghĩ ngợi. Buồn lắm là mỗi lần ngước nhìn thấy gia đình họ yêu thương âu yếm nhau, mình thì hổng cha hổng mẹ. Nhưng thôi, cái số nó vậy”.

Thế rồi, thời cuộc, chiến tranh và định mệnh lại lần nữa đập tan ước mơ đoàn tụ của cô bé nhỏ. Năm đó, giặc tràn vào Hà Nội, người mẹ cùng chị cả bỏ lên Lạng Sơn để trốn, rồi biệt tích. Riêng cụ Đơ thì theo gia đình nhà tri thức lên rừng lánh nạn. Đến năm 1954, hoà bình lặp lại thì họ chuyển hẳn vào miền Nam sinh sống, cụ Nuôi cũng theo đó mà mất dấu gia đình.

“Qua hoà bình thì nhà ai cũng nghèo cả. Ổng bả mới bảo: đi kiếm chỗ nào có ăn thì đi đi. Thế là mình lại đi ở tiếp, hết nhà này nhà khác. Tối về mới trở lại căn nhà của ông bà chủ để nằm ngủ…”

Năm tuổi 16, có chàng trai vì thương cái tánh hiền lành, chịu thương chịu khó của Nuôi nên tới nhà dặm hỏi. Lần đó, chàng hẹn nàng đi uống nước, làm quen. Thế rồi vì thẹn mình con gái xấu xí, lại ám ảnh cái nghèo, cái đói của ngày tháng ngồi xó bếp mà cụ từ chối. “Phận mình nghèo còn xấu xí, lấy người ta rồi có lo đủ ăn không hay lại rước khổ cho người ta. Thôi cụ từ chối: “Em còn nhỏ nên anh đi tìm người khác!”. Sống một mình mãi cũng quen với cô đơn!”

Tuổi xuân cứ thế lặng lẽ trôi qua, chẳng còn mối lương duyên nào leo đậu lại cô gái ngày ấy. Niềm vui mỗi ngày của Nuôi chỉ là được chăm sóc 4 đứa em nhỏ cho nhà người. Cụ tự hào: “Ổng chủ nhà tôi giỏi lắm, đỗ cả tiến sĩ. Ổng vừa đi làm, lại vừa dạy học cho nhiều người lớn nữa nên tui nể phục. Dù có xích mích, thấy buồn tuổi lắm nhưng ông chủ ổng người học cao hiểu rộng, biết chuyện nên không giận được. Đi ở chỗ khác rồi cũng về nhà ông thôi…”

Chuyện cụ Nuôi: 60 năm ở đợ nuôi người dưng và cuối đời sống trong sự đùm bọc của tình nghĩa xóm giềng

Mấy chục năm cách biệt kẻ Bắc người Nam, thế rồi gia đình cụ Nuôi cũng có cơ hội đoàn tụ. Sau này, mẹ và chị gái cụ Nuôi theo dòng người tha hương cũng vào Sài Gòn lập nghiệp. Nghe tin, cụ Nuôi tay bắt mặt mừng gặp lại.

Thế mà, chẳng bao lâu thì người mẹ đột ngột qua đời. Chị Đông vẫn ngày ngày đi bán chuối kiếm sống, còn cụ Nuôi thì tiếp tục phận ở đợ dù tuổi đã già, sức yếu.

Cụ kể: Hồi chị Đông chạy giặc lên Lạng Sơn, đi bán buôn rồi gặp được một người đàn ông lấy làm chồng. Hai người có với nhau cậu con trai. Những tưởng hạnh phúc viên mãn, vậy mà, một đêm nó cảm lạnh rồi chết yểu. Người ta đồn đại Đông là đàn bà sát phu sát phụ, phá hoại gia đình, nên người chồng một mực đuổi đi.

Đến cuối đời, vì nhớ thương đứa con trai chết yểu đó mà bà Đông hóa điên. Bà cứ lẩm nhẩm chuyện cũ, rồi lê lết đi khắp nơi, người ta quen mặt mới ẵm về nhà giao trả. “Ông tổ trưởng tổ dân phố khuyên là không nuôi được thì cho hai chị em vào viện dưỡng lão. Lúc đó, bà mới thôi, lui về nuôi chị tiếp vậy!”

Tưởng chừng ở tuổi 80, người ta đã có con có cháu phụng dưỡng, săn sóc, sum vầy,… vậy mà cụ Nuôi vẫn ngày ngày còng lưng chăm người chị già yếu hơn. Cụ Đông nằm một chỗ thì cụ Nuôi lại đút ăn, thay tã, tắm rửa… Rồi đêm đêm, chị ngủ trên, em lót chiếu nằm dưới đất.

Ba năm trước, người chị cuối cùng cũng bay về trời, bỏ cụ Nuôi lại một mình giữa cõi đời. Căn phòng giờ đây càng trống trải mênh mông. “Lắm lúc nghĩ người ta có nhà, có con cháu,… mình sống một mình buồn tủi. Nhưng giờ sắp chết tới nơi rồi, thôi không nên nghĩ nữa, còn được lúc nào hay lúc ấy!” - cụ thỏ thẻ.

Chuyện cụ Nuôi: 60 năm ở đợ nuôi người dưng và cuối đời sống trong sự đùm bọc của tình nghĩa xóm giềng

Giờ đây, cụ Đơ thôi lui ra ngoài, cụ tự nhốt mình trong căn phòng. Chẳng ước mơ, chẳng hy vọng hay đủ sức để than trách cái phận đời mệnh bạc của mình nữa.

May mắn thay, mấy năm nay, thấy cụ lủi thủi một mình, có người phụ nữ ‘bao đồng’ tên Cúc (69 tuổi) thương tình mà ra tay giúp đỡ. Phận đời cô Cúc thì cũng chẳng mấy hơn. 20 năm trước, ông xã đột ngột qua đời, từ đó cô phải đầu tắt mặt tối đi ở đợ để chắt chiu tiền nuôi 4 đứa con ăn học.

Giờ đây, khi tất cả các con đã yên bề gia thất, cô đành trở về sống một mình trong căn phòng rộng ở chung cư Trúc Giang. Cứ thế, tuổi già mà cô đơn. “Mình đi qua thấy hai chị em, cụ nhỏ thì đã 86, cụ lớn 89 mà cứ dìu dắt nhau sống. Nghĩ mình còn có con cháu, họ không thì làm sao cầm lòng được. Cứ thế, cô phụ giúp thôi.”

Thế rồi từ khi cụ Đông ra đi, cô nhận luôn trách nhiệm nuôi cụ Nuôi. Mỗi sáng, cô Cúc lại thức dậy sớm, nấu xíu đồ ăn mang cho cụ, rồi tất tả đi chợ mua đồ cho buổi cơm trưa. Chiều về, dọn nhà người ta xong, cô lại trở về nhà, hai người bạn già ngồi bên chiếc tivi nhỏ, người lớn kể chuyện người nhỏ rồi cả hai cùng cười rỉ rã cho hết tháng ngày cô đơn.

“Được cái cụ không bệnh tật gì nhiều nên cô cũng đỡ nhọc. Cứ đi đâu về, cô đều mua hai phần đồ ăn. Mình ăn gì thì cụ ăn nấy, uống gì thì cụ uống nấy” - cô Cúc cười.

Giờ đây, căn chung cư Trúc Giang đã xuống cấp, chủ đầu tư cũng sớm di dời hộ dân sang nơi ở mới để sang sửa lại. Nhiều hộ dân đã lo toan cho những chuyến đi của mình, riêng hai người đàn bà ‘cô đơn’ thì vẫn loay hoay.

Cô Cúc bảo: “Cô tính là chuyển đi đâu thì sẽ dắt bà theo tới đó. Nếu cái duyên cho cô gặp được cụ thì thôi cô nhận, chăm sóc đến lúc mất…”. Nghe xong, cụ Nuôi kèm nhèm nước mắt: “Cô Cúc đi đâu thì tôi theo đấy, ăn gì sống sao cũng được cả”.

Rồi cả hai nhìn nhau, ánh mắt đầy những hy vọng lấp lánh.

Bài viết

Huy Hậu

Thiết kế

Tú Nguyễn - Yến Võ

Chia sẻ