Sắc màu Cuộc Sống

Chuyện chú xe ôm lớn tuổi và lòng tốt lan tỏa của người Sài Gòn

Xôi
Chia sẻ

Người lái xe ôm già với cuộc sống vô cùng khó khăn sau khi trải qua một cơn tai biến, gia đình ly tán đã khiến cộng đồng mạng lại một lần nữa chung tay góp sức giúp đỡ, góp thêm màu sắc vào câu chuyện về tình người giữa lòng Sài Gòn.

Những chia sẻ về chú Nguyễn Ngọc Minh, người đàn ông lớn tuổi chạy xe ôm ở trước cổng bệnh viện Nhi đồng 1 trên mạng xã hội hai ngày qua đã nhận được sự quan tâm của nhiều người dân thành phố.

Gặp chú Minh vào buổi chiều ở cổng bệnh viện, xung quanh chú có rất nhiều người ghé thăm hỏi sau khi đọc được những dòng chia sẻ về hoàn cảnh khó khăn của chú. Theo chú chia sẻ, có một mạnh thường quân đã ngỏ ý giúp đỡ để chú nhập viện trở lại và tiếp tục điều trị bệnh.

Gương mặt tiều tuỵ của người lái xe ôm lớn tuổi khiến nhiều người không khỏi xót xa.

Đã ngoài 60, sau trận tai biến nặng, sức khoẻ chú trở nên rất yếu nhưng ngày ngày vẫn phải chạy xe ôm kiếm sống. Sức khoẻ mất, vợ con cũng vì thế mà bỏ đi, một mình người xe ôm già phải đối diện với cuộc sống khó khăn trong căn nhà trọ ở xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh. Gương mặt tái nhợt và hơi thở đứt quãng của chú khi đứng giữa cái nắng Sài Gòn làm ai cũng chạnh lòng thương chú.

“Thì tại mưu sinh mà, không làm lấy gì mà ăn.”

Mất sức khoẻ đã đành, sau cơn tai biến, khả năng nghe và nói của chú cũng sụt giảm đáng kể.

Chú Minh không nghe rõ, giọng nói cũng yếu ớt và thều thào vì di chứng sau cơn bệnh, thế nên những người “hàng xóm” quanh khu vực bệnh viện luôn thay nhau coi sóc cho chú từ khi chú chạy xe lại.

Chị Anh và chị Hương, hai trong số rất nhiều người đã biết chú Minh xe ôm hơn chục năm nay chia sẻ: “Tụi tui biết chú Minh lâu lắm rồi, từ hồi tui còn trẻ giờ có chồng có con luôn rồi. Ổng hiền khô hà, tội nghiệp sau khi đổ bệnh thì vợ con bỏ ổng một mình. Bà con ở đây ai cũng thương ổng, tui bán nước cho ổng cũng không lấy tiền. Ổng khổ quá vậy mà”.

Những người “hàng xóm” luôn bên cạnh và quan tâm chú Minh.

Thỉnh thoảng lại chạy lên nghe ngóng coi chú Minh có khỏe không hay mệt ra sao để còn chăm sóc kịp thời.

Bà con buôn bán gần đó cứ chốc lát lại chạy lên coi chú Minh có mệt không, người thì cứ rảnh ra là ghé sang chơi với chú, người thì thỉnh thoảng lại “dúi” cho chú chai nước. Mọi người ở đây đến từ tứ xứ, bươn chải gần nhau bao nhiêu năm trời rồi cứ thế mà “thương nhau” như một gia đình nhỏ.

“Cũng chỉ là người bán nước trước cổng bệnh viện, không có gì cho chú Minh thì tui cho nước để chú uống thôi”.

Mà nghĩ cũng lạ, người ta hay nói xe ôm chèo kéo tranh giành khách đến cãi nhau, đánh nhau. Vậy mà ở đây, ngay cái đất Sài Gòn này có mấy người “ngộ” lắm. Mấy chú xe ôm cứ nhường khách cho chú Minh, thấy ai đứng nhìn nhìn vì chú Minh trông yếu quá, thì họ sẽ nhanh nhảu nói: “Đi giùm ổng đi cô, tội nghiệp ổng lắm” hay “Cô kiếm chú Minh hả, ổng nè, vô nói chuyện với ổng đi, giúp đỡ ổng đi ổng khổ lắm”. 

Người với người sống để thương nhau.

Từ lúc thông tin về chú Minh được chia sẻ trên mạng xã hội, hằng ngày có rất nhiều người gọi đến để hỏi thăm và giúp chú, nhưng chú Minh đau yếu không nghe máy được nên mấy chú xe ôm quanh đó kiêm luôn công việc “tổng đài viên” trả lời cuộc gọi cho những người muốn đến gặp chú Minh. Bởi mới nói, người Sài Gòn sao mà “bao đồng” quá, chạy xe không lo chạy, lo giúp người, hèn chi ai ở Sài Gòn lâu năm cũng thấy nhớ, thấy thương mà thương luôn cái tính “bao đồng” đó.

Bạn Lữ từ Trường Sa vừa về cũng đi tìm và mang gửi chú Minh ít tiền để chú có thể trang trải cuộc sống bớt vất vả hơn.

Buổi chiều có rất nhiều người đến thăm chú Minh, có người đứng hỏi thăm lâu, có người ghé qua biếu chú chút quà rồi chúc chú sức khỏe, sau đó phóng vội đi không kịp nghe lời cảm ơn. Mà chú Minh yếu có nói nổi lời cảm ơn đâu, nhưng sao ai cũng ấm lòng vậy. Có một bạn nam tên Khánh Lữ mới đi nghĩa vụ ở Trường Sa về cũng kịp ghé qua gửi tặng chú ít quà.

Lữ chia sẻ: “Mình đọc được thông tin trên mạng về chú, nay ngày rằm nữa nên mình muốn ghé biếu chú ít quà để chú có cái trang trải. Ba mẹ mình cũng hay giúp đỡ người khác nên mình cũng muốn góp một phần giúp đỡ chú”.

Chị Minh, đại diện trường Đại học Ngoại ngữ tin học cũng đến biếu chú Minh ít quà để mong chú có thêm tiền chữa bệnh.

Ngoài số tiền của cá nhân chị Minh còn quyên góp thêm của các đồng nghiệp để ủng hộ chú.

Những món quà mà người Sài Gòn ở khắp nơi gửi tặng chú Minh để mong chú mau khỏe.

Rất nhiều kẻ đến người đi trong buổi chiều hôm ấy, nhưng tất cả những gì người ta nhớ là có chú xe ôm lớn tuổi bị bệnh rồi những người xa lạ cứ ghé qua, mong góp chút tấm lòng cho chú mau khỏe. Họ cho đi mà chẳng mong nhặt lại được gì.

Bạn biết rồi đó, người Sài Gòn họ “bao đồng” lắm, chắc tại họ biết người với người sống để thương nhau.

Cuộc đời buồn của bác xe ôm

Một xe ôm đồng nghiệp bắt khách giúp ông nhưng khách từ chối đi vì vẻ ngoài của một bệnh nhân vừa trải qua tai biến không giấu được.
Chiều nào ông cũng kiên nhẫn đợi khách, rất nhiều ngày ông trở về không xu dính túi.
Chiều muộn, tôi rời BV Nhi đồng 1 (quận 10, TP.HCM), một bác xe ôm bước tới vẫy tay rồi chỉ về phía đồng nghiệp: “Cô về đâu, đi giúp ổng đi”. Người xe ôm được bắt khách giùm nở một nụ cười méo xệch chào khách, mồ hôi bết vào trán, gương mặt càng lộ rõ vẻ khắc khổ. Ông gỡ chiếc nón bảo hiểm trên chiếc xe cũ, nhìn bước đi hơi lập cập của ông, tôi hỏi: “Chú khỏe không? Chú bị ốm phải không?”. Ông trả lời, giọng nói đớt khó nhọc đặc trưng của người bị tai biến: “Tôi không sao”.

Khi biết tôi không đi, đôi mắt ông lộ rõ vẻ thất vọng buồn bã không nói hết thành lời. Ông tên là Nguyễn Ngọc Minh (ở trọ tại xã Vĩnh Lộc B, Bình Chánh). Ông thường bắt khách ở cổng BV Nhi đồng.

Vừa ngặt vừa nghèo

Tôi tự đi xe đến bệnh viện nên không thể ủng hộ ông một cuốc xe ôm. Tôi hẹn ông buổi sáng hôm sau, người nhà tôi nhất định đi xe ôm của ông. Ông cười như mếu: “Buổi sáng tôi không đón khách ở đây. Chỗ này tổ xe ôm của nghiệp đoàn. Tôi không có tiền đóng cho nghiệp đoàn. Chỉ có buổi chiều ra đây đứng ké”.

Ông từng là thành viên tích cực, gương mẫu của nghiệp đoàn xe ôm phường 10. Nhưng cách đây gần một năm, ông bất ngờ bị tai biến, nằm liệt một thời gian. Sau đó, ông rời nghiệp đoàn, chỉ “ké” sân vào mỗi buổi chiều. Dù các đồng nghiệp cũ vẫn luôn vui vẻ giúp đỡ nhưng ông ngại không dám “lấn sân”.

Ông sống một mình tại nhà trọ ở ấp Vĩnh Lộc, Bình Chánh. Mỗi chiều ông chạy một quãng đường rất dài đến đây để đợi khách. Ông chạy xe ôm ở cổng bệnh viện này đã hơn 16 năm rồi. Sau cơn bạo bệnh, ông ráng gượng dậy, tự mua thuốc uống. Ông nói ông đã hết phép nghỉ ốm vì hết tiền rồi. Chiếc xe cũ cũng không có tiền sửa.

Tôi ngồi đợi khách cùng ông đến tận 9 giờ tối. Nhiều khách tới gọi nhưng sau đó họ lại từ chối vì cảm thấy không yên tâm. Ông móc túi ra 30.000 đồng, nói: “Dù sao hôm nay cũng được nhiêu đây, có một khách không chê tôi. Hôm qua không có khách nào”.

Tôi hỏi ông tại sao không bắt khách ở Bình Chánh gần nhà trọ cho đỡ cực. Ông giải thích bằng giọng nói ngắt quãng: “Chỗ tôi ở trọ khó có khách lắm. Ở đây dễ kiếm khách hơn, anh em xe ôm ở đây lại luôn giúp đỡ tôi”. Khuya hôm đó, ông về nhà trọ với 30.000 đồng trong túi.

Cuộc sống đơn thân buộc ông phải kiếm tiền. Cách đây vài năm, ông vẫn có gia đình nhưng kể từ ngày bị tai biến, ông chỉ còn một mình, không có ai dựa cậy. Ông suýt rơi nước mắt khi có người hỏi tới gia đình nhưng từ chối trả lời, chỉ nói: “Ai cũng khổ, cũng phải cày cục. Mình là đàn ông, cho người khác dựa, đâu được dựa người khác”.

Đã từng giúp công an phá án

Trí nhớ của ông đã giảm rất nhiều sau cơn tai biến. Nhưng ông vẫn nhớ mãi lần ông giúp công an phường phá một vụ án bắt cóc.

Đó là một ngày cuối năm 2013, ông thấy một phụ nữ ôm đứa trẻ rời khỏi bệnh viện rất khả nghi. Ông đã bí mật đi theo họ đến tận bến xe. Sau đó, công an phường và quận tới bệnh viện điều tra vụ bắt cóc, ông đã mô tả nhận dạng và cung cấp nhiều thông tin cho công an.

Hai ngày sau, kẻ bắt cóc bị bắt. Em bé được trao lại cho gia đình ở Đắk Lắk. Ông cười với khuôn miệng của người tai biến méo xẹo: “Chắc con bé giờ cứng cáp rồi, gần bốn năm rồi mà”.

Đối với ông, cuộc đời buồn nhưng vẫn có những ngày nắng ấm. Ông được phường 10 tuyên dương, được lên bản tin của quận 10 trong chuyên mục “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Tối hôm sau tôi quay lại, vẫn thấy ông kiên nhẫn đợi khách trước cổng bệnh viện. Một đồng nghiệp tên Tào Phi Hiệp cố gắng bắt khách giùm ông. Lúc đó là 8 giờ tối. Ông Hiệp nói: “Tội quá, ổng đứng đây chiều giờ mà chưa có khách nào”… Tôi hỏi ông Minh rằng có thể đăng ký chạy Grab được không. Ông lập cập móc chiếc điện thoại đồ cổ ra, hỏi tôi: “Có cách nào đăng ký mà người ta gọi cho mình không? Chứ Internet là tôi thua”.

Ông Thanh Thủy, cũng là đồng nghiệp xe ôm, cho biết: “Giờ nhìn ổng vậy chứ hồi chưa bệnh ổng đẹp trai lắm à. Ổng nghèo nghèo chứ hay giúp người khác. Giờ ổng khó khăn nhất ở đây, anh em cũng ráng bắt khách giúp ổng nhưng nhiều khách không chịu đi. Mà giờ nghề chạy xe ôm mạt lắm, xe Grab ra nhiều quá, tụi tôi còn khổ nói chi ổng”.

Nguồn: Hồng Minh

Chia sẻ

Bài viết

Xôi

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất