Sắc màu Cuộc Sống

Chuyện thằng Hoàng và giỏ hàng rong 20 năm theo chân mẹ đi khắp Sài Gòn

Huy Hậu
Chia sẻ

Tôi gọi Hoàng là conan, nhưng conan trong những câu truyện tranh thì nhỏ bé thể xác còn Hoàng mãi nhỏ bé về tâm hồn. 20 tuổi, cũng là 20 năm rong ruổi khắp Sài Gòn, may mắn thay, nó vẫn chưa từng một ngày phải rời xa vòng tay mẹ.

- Hoàng cho má là số mấy nè?

- Số một. Số một í…

Thằng bé giơ đúng ngón trỏ ngắn cũn cỡn ra hiệu, rồi phá lên cười hì hì. Cô Phượng (62 tuổi) ngồi cạnh cũng tủm tỉm, ánh mắt đỏ hoe. Căn phòng trọ bé xíu trên đường Võ Văn Kiệt (Q.1, TP.HCM) của hai mẹ con hôm đó ngập tràn niềm vui và hạnh phúc.

20 năm, thằng Hoàng vẫn chưa một ngày rời xa vòng tay của mẹ.

20 năm chưa một ngày rời xa vòng tay mẹ

Tôi đã nhiều lần bắt gặp cái bóng lưng rộng của thằng Hoàng ngồi lọt thỏm trên những con đường trung tâm thành phố. Hoàng đi bán hàng rong phụ mẹ, bên cạnh lúc nào cũng có cái giỏ xinh xinh đựng đầy kẹo, nước lọc, khăn giấy,… Ai lấy gì thì Hoàng giơ một ngón tay, nghĩa là nhận một tờ tiền thôi, bỏ vào chiếc thùng giấy in hình những bông hoa màu tím nhạt.

“Hoàng nó ngoan lắm con. Người ta cho gì là chỉ để dành đem về cho má thôi.” - cô Phượng khoe.

Hoàng gần 20 tuổi, đang mang trong mình căn bệnh down, nhiễm trùng máu, nhiễm trùng đường ruột… bẩm sinh.

Quê cô Phượng ở tận Bạc Liêu. Cách đây 20 năm, cô từng có một gia đình hạnh phúc: người chồng yêu thương, 4 mụn con đầu xinh xẻo và cả nhà lại đang háo hức chờ thêm thằng út. Ngày chào đời, đứa bé cũng lành lặn và bụ bẫm lắm, cô đặt tên là Hoàng.

Thế mà, biến cố ập đến vào cái tháng thứ 3, tự nhiên thằng Hoàng lên cơn co giựt, sùi bọt mép rồi chân tay yếu xìu. “Bác sĩ bảo: Không chữa được, cô nghe xong cũng khóc hết nước mắt. Có người còn dặn là bỏ đi cho rồi. Nhưng con mình mà, có chết cô vẫn cứ nuôi.”

Hoàng nắn nót viết từng chữ trong những cuốn tập cũ.

Từ cái hôm định mệnh ấy, hai vợ chồng cô Phượng đành để lại mấy đứa con thơ ở quê nhà, lặn lội lên Sài Gòn tìm cách chạy chữa cho thằng út. Hằng ngày, cô bán hàng rong, tối dọn phụ nhà hàng, còn chồng thì chạy xe ôm kiếm thêm ít tiền phụ giúp. Suốt 12 tháng ròng là hết thảy 12 tháng sống trong viện, thế mà Hoàng vẫn yếu dần đi.

“Chú nhà bất lực quá nên bỏ mẹ con đi, cô cũng chấp nhận, cắn răng chịu đựng một mình. Bệnh viên hổng cứu được nữa thì cô ẵm con ra đường. Sáng sáng, thả con dưới cỏ cho quen mùi sương. Mỗi đêm, đi bán là ôm trên vai, vòng vèo khắp phố cho ánh đèn rọi vào mặt làm Hoàng không bao giờ đóng tịt mắt được”.

9 tuổi, Hoàng vẫn chỉ biết trên vai mẹ, không nói không cười,… như thế. Cô Phượng đã nghĩ là kết thúc thật. Tự nhiên cái hôm ẵm con đi chụp một tấm ảnh kỉ niệm, Hoàng chống tay đứng dậy được. “Cô ôm con khóc nức nở giữa đường luôn, vì biết là còn cơ hội rồi. Sau đó mới từng bước chậm rãi dạy con tập đứng, rồi đi, nói chuyện và tự ăn…” - cô nhớ lại.

Bằng tất cả tình yêu thương, thằng Hoàng bắt đầu lớn lên từng chút từng chút một trên vai mẹ như thế.

Bức ảnh có ngôi nhà xanh xanh, có má nắm tay con là ước mơ cả đời của cô Phượng.

Những tranh vẽ nghệch ngoạc đều là món quà quý giá đối với má.

“Có kiếp sau Hoàng nhớ thành hoàng tử để má làm mẫu hậu, được sống sung sướng nghen…”

“Má… má… mua đồ cho con đi bán.”

“Tính phụ má thiệt hông?”

“Thiệt… thiệt… đi bán kiếm tiền mum mum…”.

Cô Phượng nhớ lại cái ngày đầu tiên năm 19 tuổi thằng Hoàng mở lời muốn đỡ đần cho má như thế. Hôm đó, cô đã bật khóc vì hạnh phúc.

Từ dạo ấy, cứ mỗi buổi chiều nắng chưa kịp dứt, hai mẹ con lại dắt tay nhau đi rong ruổi khắp Sài Gòn. 20 năm, bóng lưng thằng Hoàng giờ đã lớn tướng, nhưng nó vẫn chưa một ngày rời xa mẹ. “Có hôm má con ngồi bán trước cổng trường, mưa đổ dầm dề. Có mỗi cái dù nên cô ráng che cho Hoàng còn mình chịu ướt. Đêm đó, cô cứ nghĩ buồn cho phận mình quá mà ngồi mãi đến tận 12 giờ đêm, mưa rả rích…”

Giỏ hàng xinh xinh của thằng Hoàng và mẹ nó. 20 năm, bóng lưng thằng Hoàng giờ đã lớn tướng nhưng nó vẫn chưa một ngày rời xa bàn tay mẹ.

Tôi gọi Hoàng là conan, nhưng conan trong những câu truyện tranh thì nhỏ bé thể xác còn Hoàng mãi nhỏ bé về tâm hồn. Nó chẳng xinh xắn, lanh lẹ như bao đứa con nít khác. Thế mà, với cô Phượng, chỉ còn một ngày được sống cùng con đã là món quà vô giá.

“Con biết không? Bỏ xứ mấy chục năm, người ta bảo cô chết rồi không à. Mà hồi xưa đau khổ quá, cô cũng uống thuốc mong chết thật. Nhưng rồi trời thương bắt sống dậy để phải ráng nuôi con. Giờ thì cô sợ đi bệnh viên lắm. Nhỡ đâu ra bệnh, thằng Hoàng sống thiếu má hổng biết có được được hông?” - cô Phượng lặng đi.

Hoàng 20 tuổi. Nó chỉ biết viết mỗi chữ ba, chữ má nghệch ngoạc trong những cuốn vở ô ly vuông vức đã chia sẵn hàng. Chỉ biết thức dậy sẽ nhìn má đầu tiên và hôn má một cái thật sâu ngay trán khi chào tạm biệt. Và chỉ biết vẽ tặng một ngôi nhà ngói xanh xanh có má nắm tay hạnh phúc. Nhưng, tất cả đó là ước mơ một đời của má nó.

Hai mẹ con lọt thỏm giữa những con đường trung tâm thành phố.

Thằng Hoàng hay cười lắm, vì má nó dạy mỗi khi cười sẽ lại cảm thấy yêu cuộc sống này hơn một xíu.

Mà nếu có kiếp sau, Hoàng có làm con của má thì nhớ thành hoàng tử để má làm mẫu hậu, được sống sung sướng nghen… 

- Dạ…dạ… Thằng bé gật gù cái đầu, nhoẻn miệng cười ngon ơ.

Chia sẻ

Bài viết

Huy Hậu

Tin mới nhất