Sắc màu Cuộc Sống

Chợ phiên 'người yêu cũ' đầu tiên tại Sài Gòn: Kỷ vật xưa xin trao lại cho người dưng mới

Huy Hậu
Chia sẻ

Những món đồ đơn sơ như chiếc áo thun, tấm thiệp giấy, khăn tay, dây chuyền, hay chỉ là chiếc lọ handmade,… đều mang những câu chuyện tình yêu mà giờ đây chủ tiệm muốn trao lại cho một người dưng mới.

Chợ phiên đầu tiên dành riêng cho người yêu cũ và người dưng mới

Ở Hà Nội, chắc hẳn mọi người đã không còn xa lạ gì với những phiên chợ “người yêu cũ”. Thế nhưng, tại Sài Gòn có lẽ đây là lần đầu tiên các chủ tiệm “bất đắc dĩ” tiến hành rao bán món đồ kỷ vật tình yêu. Chính vì vậy, nó nhanh chóng thu hút sự tò mò của người Sài Gòn.

Nói là bán, chứ thực ra người ta tìm đến đây chỉ vì mong muốn duy nhất: Tìm cho món đồ cũ một người chủ tốt mới.

Phiên chợ dành riêng cho “người yêu cũ” và người dưng mới lần đầu được tổ chức tại Sài Gòn.

Chợ phiên đặc biệt này được tổ chức trong tiệm café Phan Kế Bình (P. Đa Kao, Q.1) vào ngày thứ Bảy vừa rồi (31/3). Vỏn vẻn 10 gian hàng, chợ đã thu hút hàng trăm lượt bạn trẻ lui tới tham quan, mua sắm… và san sẻ vui buồn trong chuyện tình yêu cũ của chủ tiệm.

Vô số món đồ như: áo thun, tấm thiệp, khăn tay, dây chuyền, hay một chiếc lọ handmade,… đều là chứng nhân cho mỗi một câu chuyện tình yêu, một lứa đôi nào đó. Mà giờ chỉ còn là hoài niệm.

Kéo dài từ 9h sáng đến 9h tối, phiên chợ đặc biệt này thu hút hàng trăm bạn trẻ tới tham quan.

Anh Hoàng Hà (23 tuổi, đến từ Hà Nội), người thành lập phiên chợ đặc biệt này, tâm sự: “Ở đây, mỗi món đồ là một chuyện có vui, có buồn, êm đềm và nước mắt riêng. Người bán cốt là tìm dịp để dọn dẹp thứ cũ, ôn lại lần cuối và trao chúng đi xa. Còn người mua thì muốn tìm món đồ xinh xắn, còn sử dụng tốt. Vậy nên tiện cho cả hai”.

Theo đó, toàn bộ gian hàng của phiên chợ được trang trí bằng cách tái chế. Các chủ tiệm sau khi bán xong có thể tự nguyện quyên góp lại tiền để trả thuế mặt bằng, đồng thời cũng làm quỹ tuyên truyền việc tái sử dụng đồ cũ, cho đi đồ thừa.

“Người bán cốt là tìm dịp để dọn dẹp thứ cũ, ôn lại lần cuối và trao chúng đi xa. Còn người mua thì muốn tìm món đồ xinh xắn, còn sử dụng tốt. Vậy nên tiện cho cả hai.” - chủ sự kiện này cho biết thêm.

Kỷ vật kể chuyện về những người từng thương

Không chỉ là nơi mua bán kỷ vật với mức giá rẻ, người tìm đến phiên chợ còn muốn kể lại câu chuyện tình yêu tuổi trẻ. Cũng vì thế mà đôi khi người mua mê tít một món hàng không chỉ bởi nó đẹp mà còn bởi sự đồng cảm trước câu chuyện ấy.

Những tấm thiệp tay chứa bao kỷ niệm tình yêu một thời giờ cũng trao cho một người mới nâng niu hơn.

Những chiếc bông vải, bông giấy,… handmade vô cùng bắt mắt.

Chị Phương cầm trên tay tấm vải chàm kỷ vật, nâng niu. Khi hỏi, chị tủm tỉm kể: “Tấm vải ấy có tên là Tẩm Chàm. Ngày đó, chị quen người ấy ở Sa Pa và cũng đã có tình yêu đẹp ở đó. Tấm vải này là kỷ vật của hai đứa, được mua và nhuộm màu ngay tại Sa Pa luôn. Giờ thì chỉ còn là kỷ niệm thôi, cũng không nên vương vấn mãi nên quyết định bán đi cho một người khác thì hơn.”

Còn chị Hà Vy (23 tuổi) lại chia sẻ: “Ngày xưa, mỗi lần đi chơi cùng người đó, mình hay mặc chiếc váy này. Chia tay rồi, chiếc váy từng nằm ở ngăn tủ rất lâu vì mình nghĩ sẽ không cho bất kỳ ai. Thế nhưng, giờ thấy giữ hoài cũng chẳng vui nên thôi bán nó đi vậy…”.

Theo Vy, với người yêu cũ thì mãi là kỷ niệm đẹp, là khoảng thời gian để trải nghiệm và trưởng thành hơn. “Và khi đã dám đối mặt, sẵn sàng kể lại chuyện về người ấy mà không bận lòng nữa thì đồng nghĩa với việc đã đến lúc có thể tiến thêm bước mới trong tình yêu”.

Người ta tìm đến đây không chỉ để tham quan, mua sắm,… mà còn để lắng nghe những câu chuyện xưa cũ.

Những tấm biển ghi lại lời nhắn tình yêu vô cùng vui nhộn…

Còn với người mua, phiên chợ đặc biệt này lại là dịp để trải nghiệm, lắng nghe những chuyện tình yêu xưa cũ của một người lạ nào đó. Có mặt từ sớm, bạn Linh Chi (20 tuổi, sinh viên ĐH Kinh tế TP.HCM) loay hoay lựa chiếc lọ thủy tinh đủ màu. Chi chia sẻ: “Với người bán, món đồ cũ có thể là kỷ niệm không vui. Nhưng vẫn còn mới thì mình vẫn nên tận dụng tiếp thôi. Vả lạ, đôi lúc nghe kể về trăm sự tích về kỷ vật làm mình càng trân quý chúng hơn. Không quan trọng kỷ vật xấu, đẹp, chỉ quan trọng là nó đã lưu giữ rất nhiều kỷ niệm cho người xưa cũ”.

Theo đó, anh Hoàng Hà cũng cho biết thêm rằng: Sau phiên chợ đầu tiên này, anh cùng mọi người sẽ tiếp tục tổ chức thêm nhiều chợ “người yêu cũ” nữa cho các bạn trẻ Sài Gòn.

Chiếc khăn mà chị Phương nhớ mãi là kỷ vật với một chàng trai Sa Pa nào đó của ngày xưa.

Người mua mê tít một món hàng đôi khi không phải vì nó đẹp mà vì câu chuyện về nó.

Kỷ vật đẹp bởi nó ẩn chứa những chuyện tình làm người ta nhớ mãi.

Chủ tiệm mong muốn số tiền kiếm được có thể góp thêm phần quỹ tuyên truyền việc tái sử dụng đồ cũ, cho đi đồ thừa.

Chia sẻ

Bài viết

Huy Hậu

Tin mới nhất