Sắc màu Cuộc Sống

Chiêu bán bánh trung thu mua 1 tặng 2 ở Sài Gòn

Chia sẻ

Mua 1 tặng 2, mua 1 cái thành 3 cái... là chiêu thức bán bánh trung thu đang được áp dụng tại các điểm bán vỉa hè TP HCM.

Gần đến Trung thu, các cửa hàng trên địa bàn TP HCM liên tục giảm giá bánh nhằm thu hút khách tới mua hàng. Kéo theo đợt giảm giá này, nhiều điểm bán tung ra đủ chiêu trò khác nhau, kể cả nói xấu các cửa hàng khác về mức độ giảm giá.

Chương trình mua 1 tặng 1, mua 1 tặng 2 của nhiều điểm kinh doanh vỉa hè bắt đầu diễn ra từ ngày 17/9. Theo ghi nhận, giá trung bình bánh trung thu bán ở TP HCM từ 50.000 đồng, tùy vào từng loại và 1 - 2 trứng cùng nhân bên trong. 

Mức giá sản phẩm cùng loại tại các điểm bán này khá chênh lệch. Tại các cửa hàng trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, TP HCM, bánh trung thu nhân thập cẩm có giá phổ biến 80.000 đồng một chiếc, đậu xanh 90.000 đồng, nhân sữa dừa 140.000 đồng… Tuy nhiên, ở một số điểm bán khác cũng trên tuyến đường này, giá bánh chênh cao hơn 5.000-10.000 đồng, có nơi cao hơn 20.000-30.000 đồng một chiếc.

Khuyến mại mua 1 tặng 2 của không ít điểm bán bánh trung thu ở TP HCM thực chất là chiêu trò. Ảnh: Ly Nguyễn.

Khuyến mại mua 1 tặng 2 của không ít điểm bán bánh trung thu ở TP HCM thực chất là chiêu trò. Ảnh: Ly Nguyễn.

 

Khi người mua thắc mắc về mức giá không đồng nhất, chủ cửa hàng lý giải giá đắt vì bánh mới, lại là hàng công ty. Tuy nhiên, khi người mua ngỏ ý muốn mua một chiếc bánh thì chủ hàng hạ giá từ 80.000 đồng xuống còn 40.000 đồng. Khách mua từ 10 chiếc, giá sẽ còn 30.000 đồng một chiếc. Loại nhỏ hơn được điều chỉnh từ 30.000 đồng xuống 20.000 đồng, không được ưu đãi thêm.

Tại tiệm bánh treo bảng “mua 1 tặng 2” trên đường Hoàng Minh Giám, phường 3, quận Gò Vấp, TP HCM, trung bình, giá mỗi chiếc không dưới 120.000 đồng. Nhân viên ở đây quảng cáo: “Chỉ cần bỏ tiền mua 1 cái thành 3 cái là người mua quá lời”.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của một nhân viên, thủ thuật bán hàng của những điểm khuyến mại “khủng” kiểu mua 1 tặng 2, mua 1 được 3 như vậy là kê giá lên cao để đánh vào tâm lý ham rẻ của khách. Đây được cho là chiêu phổ biến của các cửa hàng bán bánh trung thu tung ra để “móc túi” người tiêu dùng hiện nay.

Với một số loại bánh giá siêu rẻ, chiêu trò câu khách của người bán biến thể hơn. Ở cửa hàng bánh trung thu trên đường Phan Văn Hớn, quận 12, TP HCM, chủ cửa hàng treo biển niêm yết 15.000 đồng một chiếc. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, loại bánh này rất nhỏ, trọng lượng chưa đến 100gr, không nhãn mác, xuất sứ và ngày sản xuất… Khi khách mua thắc mắc, chủ hàng cho hay: “Có 15.000 thêm bao bì tốn kém”?!

Chủ cửa hàng còn luôn miệng thuyết phục khách, tất cả các quầy ở đường Phan Văn Hớn đều cho người này làm chủ. Tuy nhiên, anh này khá lúng túng khi được hỏi về chính sách khác nhau tại từng quầy, có quầy bán rất đắt, nhưng điểm khác lại áp dụng “mua 1 tặng 1”. 

“Đó là để cạnh tranh. Rất nhiều người phải quay lại đây mua vì họ giảm là họ đã đẩy giá gốc cao hơn rồi. Người mua lầm chứ người bán không bao giờ lầm”, anh này nói và cho hay, chiêu trò phổ biến là nâng giá sau đó áp dụng khuyến mại tặng khách. 

Sau khi đăng bài viết “Bán 1 tặng 2 vẫn ế, hàng bánh trung thu tính đóng cửa sớm”, rất nhiều độc giả đã bày tỏ ý kiến về cách kinh doanh mặt hàng này.

Bạn đọc Sang Sang (TP HCM) đặt nghi vấn: “Thật ra là chiêu trò tăng giá lên rồi khuyến mại hạ xuống nhưng giá mới không xuống mà cao hơn giá gốc”. Bạn đọc này cho hay từng làm kiểu này khi khách không mua hàng: “Lúc đó bán 80.000 đồng, không ai mua, đôn lên 100.000 đồng, khuyến mại 15-20% tùy loại vẫn lời thêm một ít”.

Độc giả khác cho hay đã bị một lần và “chừa đến bây giờ”: “Mới mở ra thì bán giá bánh nhân đậu xanh là 65.000 đồng (năm 2011). Thời đó là sinh viên nên chẳng dám mua. Ráng đợi đến hết trung thu giảm giá hoặc mua 1 tặng 2 rồi cả bọn háo hức ra mua về ăn. Cũng ra đúng chỗ đó, nhân viên bán hàng cũng kêu là đang mua 1 tặng 2 cái. Nhưng đến khi lại chọn bánh xem giá thì hỡi ôi cái bánh nhân đậu xanh được đôn giá lên 165.000 đồng rồi tặng thêm 2 cái cùng loại. Mình hỏi sao lúc trước giá thấp hơn bây giờ giá cao vậy thì nhân viên kêu làm gì có bánh giá 65.000 đồng”.

Một số bạn đọc khác đặt nghi vấn vấn nguồn gốc, chất lượng của những loại bánh bán kiểu khuyến mại “khủng” như vậy cũng như giá trị thực của sản phẩm. Phần lớn đều cho rằng việc tung khuyến mại chỉ là chiêu trò hút khách của các điểm kinh doanh mặt hàng thời vụ này. 

Chia sẻ

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất