Sắc màu Cuộc Sống

Chiếc xe cứu thương 'mini' tự chế và chuyện ông lão nhặt rác thích làm chuyện bao đồng ở Sài Gòn

Huy Hậu
Chia sẻ

Với những vật nhặt lại từ rác thải, chú Tống Văn Thơm (68 tuổi) đã chế tạo ra chiếc bình chữa cháy, đôi hộp thuốc, bộ đồ sửa xe và cả cái còi báo hiệu kêu te te… Cứ vậy, hơn 10 năm nay, vừa hành nghề nhặt rác, chú Thơm còn cứu nguy cho nhiều người gặp nạn trên đường.

Bữa nọ, đang chạy xe trên ngã đường Lê Hồng Phong, tự nhiên quýnh quáng ông lão lụi luôn vô lề, bong cái mắt cá chân. May thay, có một chú đi phía sau, thấy chuyện bèn ra tay nghĩa hiệp ngay.

- Anh có sao hông?
- Chắc tui trật cái chân rồi, ông lão tủi ngủi.
- Thôi, tui nắn cho, rồi đưa vô viện cho bác sĩ xem sao…

Nói vậy, rồi ông chú liền mở hộp đồ nghề ra, nắn cái chân đau và băng bó. Xong xuôi lão lật đật chở ông lão vô bệnh viện Nguyễn Tri Phương cạnh đó. Ông lão chưa kịp cảm ơn thì đã có tốp y tá chạy ra, vây quanh.

- Bác sĩ, bác sĩ có sao hông? Bị thương sao hổng đi xe cứu thương đi chi chiếc xe hai bánh?
Ông lão cười: Chú này cứu tui giữa đường, người gì đâu mà giỏi như thầy thuốc…

“Lúc đó chú mới biết ông lão đó là bác sĩ đó chớ! Ổng cảm ơn, rồi vài hôm lại gửi chú ít thuốc men để đi đường có ai gặp nguy lại có cái chú ra tay sơ cứu kịp thời…” - chú Thơm nhắc mãi về câu chuyện vừa hài vừa thương của buổi trưa đó.

Hằng ngày, chú Thơm vẫn đều đặn đi thu gom rác thải, cứu nguy người bị nạn trên đường,… một cách không công hơn 10 năm nay.

Ông lão cả đời “nặng tình” với rác thải

Cứ vậy, hơn 10 năm nay, chú Thơm lại trang bị thêm trên chiếc xe cà tàng của mình nào là hộp thuốc đỏ, bông băng, bình cứu hỏa và cả bộ đồ nghề sửa xe… Gặp cảnh nào nguy nan, chú ra tay giúp liền. Điều đặc biệt, tất cả đều do chú Thơm nhặt nhạnh từ rác thải.

Quê chú Thơm ở tận Bạc Liêu. Năm 1978, chú lên thành phố lập nghiệp. Thời đó, vì đời sống người dân còn nghèo, nhiều người hay giữ thói quen xã rác bừa bãi ra đường trong khi chưa có đội thanh lý rác thải nên lâu ngày bốc mùi hôi thối. Chú Thơm thấy ức lắm, bèn vận động thu gom rác thải. Công việc tự phát như thế thôi nhưng “duyên nợ” lại kéo dài hơn 40 năm với chú.

“Lúc đó, họ mới thấy hay nên bảo mình làm thêm nữa đi. Chú sức có một mình không lo nổi, bèn chạy về quê, kêu người quen nào ở Bạc Liêu, Cà Mau,… lên phụ một tay, dân đóng 50 xu tiền công. Vậy mà anh chị em làm nghề tới tận giờ.”

Công việc nhặt rác tự phát như thế thôi, nhưng “duyên nợ” lại kéo dài hơn 40 năm với chú.

Hằng ngày, chú Thơm vẫn cần mẫn trên những con đường Q.5 để nhặt rác, làm đẹp thành phố.

Hằng ngày, chú Thơm thức dậy lúc 6h sáng, công việc đầu tiên là chạy con xe dream từ Q.12 lên Q.5, đi lòng vòng kiểm tra đường phố rồi quay về điểm tập kết của mình. Chú dọn rác quần quật cả buổi trưa rồi chất đầy lên chiếc xe đẩy. Riêng lon nhôm, giấy, sắt… chú dành giụm để bán ve chai kiếm thêm thu nhập. Còn thứ nào tái sử dụng được, chú Thơm lại nhặt về nhà, mày mò sửa chữa, khi thì làm món đồ chơi cho tụi con nít, khi thì tặng người quen, còn lại chú giữ làm kỷ niệm.

Chia sẻ về việc này, chú Thơm kể: “Vì chất thải rắn thì khó lòng phân huỷ lắm, với lại nhiều con chíp nhỏ chất phóng xạ nhiều. Mình bảo vệ môi trường mà để nó lại trong rác thì xem như là chết rồi.”

Bởi, cũng nhờ cái nghiệp nghề với rác ấy, may đâu chú quen được cô nhà. Thời đó, hai người làm chung nghiệp đoàn dọn rác Q.5, cũng vì thương cái nết hiền lành, tử tế mà cả hai về chung nhà, có với nhau 3 mụn con, 1 trai, hai gái. “Mấy đứa con đi học, nó thẹn lắm. Thấy cha mẹ làm nghề nhặt rác mà, đâu dám nói với bạn bè. Lớn lên, thấu hiểu mình hơn, nó mới thương. Nên giờ chú lớn tuổi rồi, nó vẫn không ngăn chú bỏ nghề. Chứ bỏ hốt rác ở nhà chắc chú buồn chết mất…” - chú Thơm cười hì hì.

“Giờ tuy chú lớn tuổi rồi, nhưng vẫn không thể bỏ nghề. Chứ bỏ hốt rác ở nhà chắc chú buồn chết mất…” - chú Thơm cười hì hì.

Chiếc xe cứu thương “mini” và chú “lợn con” đồng hành

Cũng trong một lần gom rác, chú Thơm chẳng may bị thương ngay chân, máu chảy nhiều mà không ai giúp đỡ. Lúc ấy, không bông băng, chú Thơm phải tự lấy vải quần bó lại. “Chú mới nghĩ là nhiều người trong tình huống của mình thì sao? Cũng may nhặt lại được mấy thứ từ rác nên chú quyết định chế chiếc xe cứu thương di động để đi cứu nguy người bị nạn như mình luôn…”.

Vừa kể, chú Thơm vừa dí dỏm giới thiệu về con xe “siêu đặc biệt”:

- Nè, cái hộp cứu thương này nè là lụm hộp bánh trung thu độ lại, bông băng thì tự bỏ tiền mua thêm… Kia, hộp giấy tờ là chú nhặt từ sọt rác… Cái tivi, đèn te te là do chú nối dây điện lại, còn xài tốt. Riêng hai bình cứu hoả này là do cái cũ nhặt từ rác lâu quá nên mới được công an tặng lại cái mới nữa…

Cái hộp cứu thương này nè là lụm hộp bánh trung thu độ lại, bông băng thì tự bỏ tiền mua thêm… Kia, hộp giấy tờ là chú nhặt từ sọt rác…

Cái tivi, đèn te te là do chú nối dây điện lại, còn xài tốt. Riêng hai bình cứu hỏa này là do cái cũ nhặt từ rác lâu quá nên mới được công an tặng lại cái mới nữa…

Cứ thế, thấm thoắt hơn 10 năm, nhờ chiếc xe cứu thương “mini” của mình mà chú Thơm đã giúp đỡ không biết bao nhiêu hoàn cảnh ngặt nghèo. Khi là té xe, chảy máu, gãy chân, khi hư xe giữa đường, hay có khi còn bốc hỏa… Ông lão tốt bụng vẫn ra tay nghĩa hiệp, chẳng màng một lời cảm ơn hay đền đáp, giúp xong lại thong dong con xe đi tiếp.

“Có hôm đi ngang Gò Vấp, có cô kia đi xe tới mức bốc hỏa, bỏ chạy luôn. May chú xịt khí cứu kịp nên hổng sao cả. Còn vài lần thì ai quẹt xe, té xe,… rửa nước muối, băng bó, rồi chú chở đưa đi viện… Nhất là mấy lần chú quăng xe để chặn đường bắt cướp nữa” - chú Thơm tấm tắc kể.

Bạn đồng hành với chú còn có cả chú vẹt tên “lợn”, và chiếc xe cứu thương “mini” tự chế nữa.

Ông lão tốt bụng vẫn ra tay nghĩa hiệp, chẳng màng một lời cảm ơn hay đền đáp, giúp xong lại thong dong con xe đi tiếp.

Mấy ngày như thế, thấy chồng dành cả ngày đi làm chuyện “bao đồng”, cô nhà cũng đâm lo lắng, ra sức ngăn cản lắm. Nhưng rồi thấy được cái tánh thương người của chồng, bà cũng dần nguôi ngoai. Thế là từ đó, để bớt buồn, chú lại nuôi thêm con vẹt trên xe. Chú đặt tên là “con lợn”. Lợn năm nay hai tuổi mấy, ngày ngày vẫn theo chú trên chiếc xe cứu thương “mini” khắp nẻo đường thành phố.

Chú Thơm 68 tuổi rồi, nhưng chưa bao giờ nghĩ đến một ngày sẽ nghỉ nghề nhặt rác, sẽ thôi cứu giúp người. Vì mỗi ngày, trời Sài Gòn sáng sớm nhộn nhịp và ồn ào, người ta lại thấy chú đèo “con lợn” thong dong đi trên đường, có còi, có nhạc, có vô tư. Hỏi: Ông đi đâu?

- À, ông đi giúp người chớ đi đâu…

Vì mỗi ngày, trời Sài Gòn sáng sớm nhộn nhịp và ồn ào, người ta lại thấy chú đèo “con lợn” thong dong đi trên đường, có còi, có nhạc, có vô tư.

Chia sẻ

Bài viết

Huy Hậu

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất