Tết hạnh phúc từ những điều giản đơn: 'Chỉ cần được nghe tiếng nói ông bà mình…'

Tiếng ru à ơi của bà, những buổi chiều ngồi sau chiếc xe đạp cọc cạch của ông… miền kí ức dịu êm đó đã vỗ về ta thời thơ bé. Đã bao lâu rồi bạn chưa ngồi xuống và chuyện trò cùng ông bà mình? Với niềm yêu thương ấy, hai nữ sinh trường Phổ thông Năng khiếu (TP.HCM) đã thành lập dự án xúc động dành cho người cao tuổi.

Bài viết Khải Anh
Chia sẻ

Những ngày thơ bé, mỗi lần ông lên thăm là dấm dúi gói mớ bánh quê, mấy trái xoài chín cây, quả thanh long ngọt lịm trong vườn nhà. Những ngày thơ bé, có đôi tay bé xíu đã đan lấy bàn tay lấm tấm đồi mồi của bà, cùng đi qua bao quãng chợ xa. Những ngày thơ bé, mỗi lần sốt cao hầm hập là có tay bà xoa lưng cho dễ ngủ. Hay những ngày thơ bé, ta cũng đã từng reo vui khi được ông cõng trên lưng, nâng niu như báu vật trên đời… 

Tuổi thơ của cô bé Võ Ngọc Đoan Dung cũng chật chội những kí ức về ông bà như thế. Lớn lên, Dung thường nghe bà kể chuyện. Những câu chuyện bà kể hoài, kể mãi, kể lặp lại nhiều lần nhưng cô vẫn cứ thích nghe. Cô bé vừa tròn 18 tuổi cứ ngồi bó gối chuyện trò cùng bà. Một ngày đẹp trời, cô cùng người bạn thân của mình là Mai Chi (lớp 12 trường Phổ thông Năng khiếu) quyết định thành lập dự ánThe Elderly of Saigon, dự án về những người cao tuổi ở TP.HCM.

Gọi là dự án, nhưng những gì mà Dung và Chi làm lại rất gần gũi. Cứ mỗi cuối tuần, nhóm lại hẹn nhau đi đến viện dưỡng lão, đường phố, vỉa hè… để trò chuyện cùng người cao tuổi. Các câu chuyện không đầu, không cuối từ đám trẻ nhỏ nhưng lại khiến cho những ông bà tuổi hoa niên cảm thấy ấm áp hơn bao giờ hết. 

Đoan Dung chia sẻ: “Có lần mình đến chùa Di Lặc và gặp một bà tên Sinh. Bà hiền hậu, vui vẻ và cởi mở. Bà kể, bà vào chùa ở không phải vì bị con cháu bỏ rơi mà vì gia đình quá khó khăn. Con gái bà bị liệt, người chồng ngày ngày phải đi làm để nuôi chị ấy nên bà không muốn làm gánh nặng cho gia đình. 

Ấy vậy mà bà vẫn vui sống mỗi ngày, giữ cho tâm mình thật trong để bước qua mọi ưu phiền. Tuổi 18 của mình có quá nhiều điều để nghĩ, để lo, nhưng mỗi lần mình buồn, mình lại nghĩ đến những câu chuyện đó, thấy lòng mình ấm áp và có năng lượng tích cực để sống”.

Những ngày lang thang vỉa hè để chuyện trò đã làm các bạn trẻ được yêu thương nhiều hơn. “Chúng mình mong được lan toả những nỗi niềm của những người cao niên đã học được qua chuyến đi. Có mấy ai biết được, khát khao của người già cũng lắm giản đơn, một mâm cơm đạm bạc với rau xanh chắc cũng đã ngon miệng hơn món mỳ Ý cầu kì. 

Có mấy ai hiểu được, những câu chuyện người già kể đi kể lại, chính là khoảng thời gian thanh xuân đẹp đẽ, có phần phi thường mà bây giờ họ mới có dịp nhìn lại, mới có dịp để nhung nhớ, tự hào. Và cũng có mấy người trẻ chịu lắng nghe, những lời khuyên răn từ người lớn tuổi, từ bài học về lòng nhân ái đến lối sống tiết kiệm, chu toàn”, cô tâm sự.

Có những ngày vỉa hè Sài Gòn lộng gió, nhóm bạn trẻ rủ nhau ngồi bệt xuống vệ đường, tâm sự cùng một bà bán hàng rong. Hay một buổi chiều nắng vàng như rót mật, các bạn lại ngồi quây quần bên một cụ ông đánh cờ tướng. Chuyện trò để hiểu nhau hơn, để các ông bà vơi đi niềm cô đơn, để những người trẻ có thêm vốn sống. Và đặc biệt, để mỗi lần trở về nhà, các bạn thêm yêu ông bà mình.

Đã bao lâu, bạn chưa ngồi lại ăn với ông một bữa cơm đầm ấm. Đã bao lâu, chúng ta “bỏ quên” những câu chuyện bà kể, hay vội vàng vào phòng mỗi khi trở về nhà. Đã bao lâu, bạn chưa ngồi lại cái gian nhà vấn vương mùi khói bếp, lặng lẽ nghe bà thở than. Dự án bé nhỏ của hai cô nữ sinh không có những điều quá vĩ mô, nó đánh thức tình thương “ngủ quên” trong lòng mình bấy lâu. Nó làm ta biết cảm thông, biết san sẻ, yêu thương hơn bao giờ hết.

Lan Chi kể, lắm lúc cô thấy bóng dáng của nội mình trong những cuộc trò chuyện. Mấy lần đến viện dưỡng lão, chỉ cần nghe tiếng gọi: “Ngồi xuống đây đi con” là lòng cô lại cảm thấy ấm áp lạ thường. 

Đôi khi, Đoan Dũng cũng hạnh phúc “ngất trời” khi cô bạn nghe ai đó tâm sự: “Nhờ có dự án, những chuyến đi, mình thấy yêu thương và cảm thông nhiều hơn với ông bà”. Có những câu chuyện người lớn tuổi cứ kể đi kể lại nhiều lần, đến mức mình thuộc làu cả chi tiết, đến mức không muốn nghe nữa… Nhưng bạn có biết chăng đó là biết bao hồi ức đẹp đẽ được gói ghém để dành tặng cho con cháu. 

Trang Fanpage của dự án cũng chứa biết bao câu chuyện thú vị, được ghi chép từ những lần trò chuyện. Ngày nay, những người có học thức cao, hiểu biết rộng luôn được trọng dụng, được lắng nghe, được chia sẻ. Đó có chăng là một lẽ hiển nhiên. Song, mỗi cá thể trên đời đều trải qua những điều vô cùng thú vị và tất cả chúng ta đều nên được được lắng nghe, kể cả những con người bình dị nhất trên phố phường. Nếu như các bậc cao niên là những quyển sách quý, thì những thần dân của phố xá cũng là những quyển nhật ký mộc mạc mà ly kỳ. Vậy, vì sao ta không thử lắng nghe họ?”.

Đoan Dung tâm sự: “Hồi nhỏ, ba thường cho mình 50 nghìn đồng để mua card điện thoại gọi về cho ông bà ngoài Bắc, cứ thế mà thành thói quen. Đôi khi chỉ là những câu chuyện giản đơn, mộc mạc như cây đào trước nhà, luống rau sau vườn… thôi nhưng mình cảm nhận được yêu thương, sự san sẻ, nối kết giữa bà và cháu. Hay có mấy lần, mình sang nhà ngoại chơi. Mình mới phát hiện được rằng có những câu chuyện ngoại không thể kể với ba mẹ, với ông mà chỉ tâm sự với mình”. Bao nhiêu giá trị gần gũi, ấm áp của tình cảm gia đình cũng từ đó mà được thắp lên.

Tết gợi nhắc chúng ta về khái niệm “đoàn viên”. Có người mong muốn cái Tết sung túc, ấm no, có người chờ đợi Tết để thỏa thích du lịch bốn phương… nhưng cũng có người ước gì Tết này, mình chỉ được nghe tiếng ông bà hỏi han. 

Giữa bộn bề lo toan, chúng ta không phải là những đứa trẻ ngồi trọn vào lòng ông bà như thời thơ bé. Và khi cuộc sống vội vã cứ kéo bạn đi, ông bà lắm lúc cũng sẽ thấy cô đơn trong chính ngôi nhà mình, vắng tiếng nói cười rổn rảng, vắng cả những lời hỏi han. Hãy thử ngồi xuống uống cùng bà một tách trà, đánh cùng ông ván cờ tướng, bạn sẽ thấy họ có bao nhiêu chuyện để nói, để kể đã chất chứa trong lòng. 

 

 

Bài viết

Khải Anh

Thiết kế

Tuấn Lê

Chia sẻ