Sắc màu Cuộc Sống

Bị xe lớn đè gãy cột sống, mẹ vẫn gượng khoẻ lại cõng con gái u não đi tìm sự sống: ‘Xin lỗi mẹ, từ nay con không thể múc cơm cho mẹ nữa rồi!’

Huy Hậu
Chia sẻ

“Như tán mận nhà mình vậy đó. Có lần nó bị sâu rầy, ba phun thuốc, lá rụng trụi. Nhưng rồi, tháng sau thôi, lá lại xanh um cả một vườn. Hôm nay, con bệnh… con rụng tóc. Hết bệnh tóc lại mọc".

Như cành mận nhà mình vậy đó. Đến tuổi già, cành mục phần nào sẽ gãy vụn phần đó. Hôm nay, con bệnh… chân con hư. Mẹ sẽ là đôi chân mới của con, thay thế con đi tiếp cuộc đời còn lại.

Con nhớ nhé! Hôm nay chưa phải là ngày của kết thúc…” 

***

Chị Yến ngồi lặng đi trên chiếc ghế nhựa, một tay nắm chặt thành ghế, tay còn lại vội vớ lấy Vy. Chị khóc.

Nghĩ về cái ngày định mệnh, chị khóc. Lúc bác sĩ lắc đầu, chị khóc. Khoảnh khắc Vy đang lon ton chạy nhảy rồi bỗng dưng quỵ ngã, rồi mù, rồi bại liệt, đơ cứng lưỡi khi chưa kịp gọi: Mẹ ơi! Đỡ con…, chị khóc thành tiếng. Suốt cuộc trò chuyện mà tôi vội vã ghi chép này, chỉ còn lại những tiếng đứt quãng hoà trong tiếng nấc nghẹn ngào của một người mẹ không ngừng khóc.

- Sao vậy mẹ? Sao vậy hả mẹ? Họ là người xấu làm mẹ khóc!. Vy quay sang, lần mò khuôn mặt mẹ nó, rồi lấy tay quệt nước mắt.

- Không sao đâu con, cô chú là người tốt. Chị đáp.

Hôm nay chưa phải là ngày của kết thúc…

Cái ngày định mệnh…

Chị lại nhớ về cái ngày sinh Vy. Một ngày giữa tháng 7 năm 2010, đứa con gái thứ 2 của chị tròn 3 ký 8 ú ụ trong chiếc khăn trắng. Hai vợ chồng chị người chạy xe, kẻ công nhân, chẳng giàu có gì, thế nhưng có hai đứa con đã là hạnh phúc vui vầy. Chị nghĩ mình đã hoàn thành sứ mệnh làm mẹ.

Vy vốn nuôi dễ như chị Ngọc của nó, ăn nhiều, ngủ ngon, từ nhỏ đã thích chạy nhảy, miệng líu lo không ngớt như chim non. Thế rồi, 4 tuổi, tự nhiên mắt Vy rơi vào hội chứng lé. Hai vợ chồng chị Yến nhiều đêm đau khổ vì khuôn mặt xinh xắn của cô con gái lại có thêm một dị tật không đáng có.

Căn bệnh đa u não khiến Vy bị mù hẳn, bại liệt,… mọi sinh hoạt dựa vào mẹ.

Sáng hôm sau, cả hai chọn đưa con đến một bệnh viện trên đường Cao Thắng. Bác sĩ trung tâm chuyển Vy vào khoa mắt, khoa mắt cho sang khoa lé, săm soi ít rồi bác sĩ khuyên cả hai nên sang Hoà Hảo cạnh đó chụp X-Quang.

“Nhìn phim, bác sĩ chỉ lẵng lặng bảo anh chị nên đưa cháu qua Nhi Đồng cho chắc chắn. Lúc đó, hai vợ chồng đã nghĩ đến điều chẳng lành rồi. Nhưng có cỡ nào thì chị cũng chỉ nghĩ tình huống xấu nhất với con là bị lé, mờ mắt, hoặc mù ” - chị Yến nhớ lại.

Chiều đó, hai vợ chồng chạy thẳng đến Nhi Đồng. Quá giờ làm việc, bệnh viện đã đóng cửa từ lâu. Cả hai lại tuyệt vọng ẵm con về, cả đêm trằn trọc không thôi. 2h sáng, anh Hưởng chở hai mẹ con vào viện sớm, sau một cơn mơ bất định.

“Ảnh đoán được rồi nhưng lúc nào cũng trấn an chị: không sao cả, chỉ bị phần mắt thôi. Cho tới lúc bác sĩ bảo ca này chuyển sang Chợ Rẫy, ở đây chúng tôi đầu hàng. Chị như ngã quỵ, bật khóc nức nở”.

Chị Yến không ngừng khóc khi nhớ về quá khứ.

Không một người mẹ nào có thể nghĩ đến khoảnh khắc đứa con ngây ngô của mình, hôm qua miệng vẫn còn líu lo cười nói, hôm nay đã rơi vào nghịch cảnh. Hôm qua đôi mắt vẫn tròn to và nét rạng rỡ trên khuôn miệng xinh tươi, đến hôm nay tắt ngấm. Chị Yến chưa bao giờ nghĩ.

“3 khối u quá lớn: 10mm, 20mm, 40 mm, nằm chằng chịt nhau trong não, ca này phải gọi là đa u. Cả gia đình nên chuẩn bị sẵn tinh thần, cho cháu vui chơi hết mình và đừng lo lắng gì cả…” - bác sĩ nhắc lại trước khi ra về.

Bước chân ra khỏi phòng, hai vợ chồng chị khóc thành tiếng. Anh Hưởng gục đầu vào thành ghế, nước mắt đã lăn dài, rồi lại phải nén mỗi lần con hỏi: “Sao ba mẹ phải khóc, bộ bệnh con nặng lắm hả???”

- Chị cho con nhập viện Chợ Rẫy, nằm một tuần mà bác sĩ chẳng ai dám nói gì rõ ràng. Hơn tuần sau thì một bác sĩ mới gọi anh chị lên. Chị nói.

- Họ nói gì?

- Toàn những lời cũ. Chúng tôi đầu hàng rồi. Giờ chỉ còn đưa cháu về. Hãy cho con chơi thoải mái. Đừng chữa trị cũng đừng đưa ra nước ngoài, vì cũng thế. Lúc đó, chị tuyệt vọng luôn rồi…

Hình ảnh bụ bẫm của Vy trước khi phát bệnh.

Mái tóc dài đã bị cắt ngắn, mắt cô bé mù dần.

Chị chẳng rõ mình đã về tới nhà bằng cách nào. Ẵm con ra khỏi buồng bệnh, lướt qua những khuôn mặt ngây thơ đang mệt nhoài nằm trên chiếc giường trắng, đứa đầu to hơn trái dưa hấu, đứa cụt chân, đứa rỉ máu và chằng chịt ống kim tiêm,… Chị chết lặng.

Cứ thế, trên chiếc xe honda cũ, cả hai lang thang khắp con đường thành phố. Không còn khóc, không còn kêu than, không còn biết ngày mai trời như thế nào? Chỉ trong tích tắc, lời bác sĩ đã bị đẩy vào một đường hầm tối đen vô tận. Cả hai từng tuyệt vọng chờ đợi một toa tàu nào đó đến đưa Vy đi. Nhưng rồi, tàu từ chối.

Đêm đó, trời về khuya, Sài Gòn lạnh thấu.

Vy chẳng biết u não là gì, chẳng hiểu sao nó phải sống trong viện, nhìn ba mẹ khóc sưng mắt sau mỗi cuộc gặp gỡ bác sĩ. Nó vẫn cho rằng bệnh nó mắc phải như vài cơn ốm vặt, trận say nắng mà nó vẫn hay bị lúc nhỏ. Mẹ nó lúc nào cũng sốt sắng đủ điều.

Nhưng khối u não thì khủng khiếp hơn thế rất nhiều. Khối u sẽ sống bằng con người Vy, sẽ bắt đầu lớn theo Vy, to dần như quả bóng, rồi chèn hết phần còn lại của não bộ. Đầu tiên nó sẽ kéo chùng xuống mắt Vy, Vy có thể mù. Sau đó, nó khiến chân tay cô bé từ từ liệt, cuối cùng là toàn thân. Vy sẽ rơi vào trạng thái mơ hồ, đến một lúc thì hơi thở chậm chạp, khó nhọc rồi tắt như tim đèn thiếu dầu.

Vài tháng sau, những cơn đau ấy diễn ra theo đúng lộ trình định sẵn.

Mỗi ngày, chị vẫn giữ thói quen nắn bóp tay chân cho con, với hy vọng một ngày nào đó con có thể trở lại, chạy nhảy như xưa.

Kết quả chuẩn đoán.

- Có nhiều ngày con nói với chị nhiều điều kỳ lạ lắm?

- Nó như thế nào? Tôi hỏi.

- Như cái hôm ông bà nó mất, nó quay sang bảo chị: Ông bà bệnh chết hay già chết vậy mẹ? Chị lạnh tanh nhưng phải cố dối nó: Ông bà già rồi chết, không phải vì bệnh mà chết nghe con. Rồi lần khác, chị dỗ ngọt con uống thuốc. Nó cộc cằn, ngon gì ngon, bị bệnh như con mới phải uống thuốc. Lúc đó con bé chỉ mới 6 tuổi thôi.

Trong cuốn sách tôi đọc, dưới 6 tuổi, trẻ em cho rằng cái chết chỉ mang tính tạm thời và trạng thái chết có thể được thay đổi. Giống đồ vật hỏng có thể gắn lại được, chúng cho rằng chết là đi vào giấc ngủ, họ sẽ thức dậy, hay đi xa. Nhưng chắc chắn sẽ quay về. Ở Vy, cô bé đã mơ hồ nhận ra điều gì đó.

Dưới 6 tuổi, trẻ em cho rằng cái chết chỉ mang tính tạm thời và trạng thái chết có thể được thay đổi.

2017, một cái Tết nữa lại trôi qua. Sài Gòn đổ lạnh đột ngột. Vy vẫn còn khoẻ, con bé vẫn còn chạy lon ton trong nhà nếu không gặp trận ốm vặt, miệng líu lo không ngừng khi tranh món đồ chơi của chị Ngọc.

Qua Tết, một bữa đang chạy nhảy, tự nhiên mắt lờ mờ khiến nó ngã. Rồi mù hẳn.

“Nó còn chẳng thèm khóc, chẳng hỏi mẹ tại sao con lại phải bị vậy. Chỉ có hôm đang ngồi ăn cơm, tự nhiên nó quay sang bảo: Bình thường con sẽ dọn cơm phụ mẹ, nay con mù rồi nên không dọn cơm phụ mẹ được nữa. Con xin lỗi mẹ…”. Chị nghẹn bứng nước mắt.

Rất nhanh sau đó, Vy từ từ mất dần cảm giác hẳn. Ban đầu là đôi chân, rồi đến tay trái, tay phải, lên tới ngang miệng thì lưỡi cô bé đã ngừng hoạt động. Liệt xâm nhập toàn bộ cơ thể con bé khién những ngón chân, bàn tay thuông dài hôm qua vẫn còn chơi đùa, giờ lạnh tanh, yếu ớt.

Liệt là con virus đang chạy nước rút trong cuộc đua marathon trong người cô bé. Như một sớm mai Vy tỉnh dậy, tự nhiên nó thấy một phần cơ thể nào đó trên người mất dần cảm giác thì cũng là điều dễ hiểu. Chị Yến ngầm chấp nhận rằng đó đã là cây khô, gỗ mục. Và cây khô thì dễ gãy vụn.

Vậy mà, nhiều bữa chị gặp ác mộng, thức dậy thì hai bên khoé mắt đã đầm đìa nước. Chị quay quắt trong nỗi đau vô tận. Hoảng loạn khi cố đút từng muỗng sữa vào miệng con, con bé trào ngược trả lại.

“Em biết không? Cho đến lúc đó chị mới biết sự bất lực trên cuộc đời này là gì? Là chị thầm cầu nguyện sẽ chịu hết những nỗi đau ấy thay con, là hờn trách nó còn quá nhỏ sao ông trời bắt nó đi. Nhưng mỗi sớm mai, con chị vẫn yếu dần đi…” - chị Yến nhớ lại.

Nhiều ngày chị quay quắt trong nỗi đau vô tận. Hoảng loạn khi cố đút từng muỗng sữa vào miệng con, con bé trào ngược trả lại.

“Con khoẻ mẹ cõng, con yếu mẹ bồng, con không đi được mẹ sẽ đi tiếp cuộc đời này thay con…”

Đó là những ngày trong nhà còn bất cứ thứ gì giá trị lại được hai vợ chồng mang ra đong đếm, cầm cố, rồi vay nợ. Anh Hưởng lao đầu vào chạy xe, quần quật ngoài đường cả ngày dài để thêm ít tiền thuốc.

Y học đầu hàng, cả hai tìm thuốc Nam. Thuốc Nam cũng đầu hàng, chị khóc. Chị nhớ: Chuỗi ngày dài vô định vô cùng. Sáng bế con đến nhà thờ, rồi cứ thế, con nằm trên tay, chị ngồi khóc. Hết buổi lại bế con về…

Đức tin là điều cuối cùng chị bám víu vào để cứu Vy. Ngày qua ngày, con khoẻ thì chị cõng, yếu thì bế ngược trên tay.

Giờ đây mẹ trở thành đôi chân của con.

Rồi tiền bạc cũng cạn kiệt, chị đành để con ở nhà để đi làm thêm. Thế rồi, một lần chiếc xe nâng hàng gặp tai nạn, đè qua người, chị nghe xương mình gảy làm đôi.

“Lúc đưa vào bệnh viện thì xương đã dập nát hết rồi. Con bỏ đó, chồng vừa chạy xe, vừa vào viện chăm sóc mình. Lắm lúc, nhắm mắt lại chỉ nghĩ sao ông trời đối xử bất công với gia đình chị quá! Lâu dần thì nước mắt cạn dòng, cái số vậy thì phải chấp nhận đi tiếp. Nhưng khoẻ lại, chị đã không còn đủ sức để cõng con đi tiếp”. 

“Con khoẻ mẹ cõng, con yếu mẹ bồng, con không đi được mẹ sẽ đi tiếp cuộc đời này thay con…”

Mẹ sẽ chẳng bao giờ rời bỏ con ở lại một mình.

Thế mà, cuối cùng phép màu đã xảy đến. Một ngày Vy tỉnh dậy, nó mấp máy ngón tay, rồi lớn tiếng gọi: “Mẹ ơi!”. Chị Yến bật khóc. Từ hôm đó, chị vẫn có những đêm thức trắng để nắn bóp đôi tay, thay tã, đút cơm, rồi dìu con ngồi trên chiếc xe lăn.

Chẳng ai có thể lý giải được điều kỳ diệu ấy. Người ta cho rằng đó là nghị lực phi thường của Vy. Người thì bảo thần chết chưa đến lúc đưa con bé đi. Người vẫn tin tất cả là nhờ vào tình mẹ thiêng liêng của chị đã đưa con bé quay trở lại. Chị Yến chỉ mỉm cười, có lẽ một ngày nào đó trong vô vàn lần chị cõng con đi, Chúa đã nghe được lời thỉnh cầu của chị.

Còn tôi, tôi cho là tất cả.

“Giờ đây, chị chẳng còn đủ can đảm để bước vào viện, để nghe 3 khối u của con đã lớn nhường nào, huỷ hoại con bé ra sao? Chị chưa bao giờ sẵn sàng tâm lý để tạm biệt con gái mình.

“Giờ đây, chị chẳng còn đủ can đảm để bước vào viện, để nghe 3 khối u của con đã lớn nhường nào, huỷ hoại con bé ra sao? Chị chưa bao giờ sẵn sàng tâm lý để tạm biệt con gái mình. Bởi với chị, Vy là tài sản còn xót lại nên chắc chẳng ai nỡ lòng cướp nó đi… Phải không em?” 

Chị nói, rồi khóc.

Trước hoàn cảnh đáng thương của bé Nguyễn Ngọc Vy (8 tuổi), chúng tôi tha thiết kêu gọi các mạnh thường quân có thể chung ta giúp sức kéo dài sự sống cho bé. Mọi đóng góp của các nhà hảo tâm xin liên hệ theo số điện thoại: 0981.976.360, gặp chị Yến.

Hoặc thông qua số tài khoản ngân hàng Sacombank: 060211610282.

Chủ tài khoản: anh Nguyễn Xuân Hưởng, chi nhánh ngân hàng Sacombank Nhà Bè.

Chia sẻ

Bài viết

Huy Hậu

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất