Sắc màu Cuộc Sống

Câu nói vỗ về mọi người con xa quê khi Tết về: 'Về nhà nghe con!'

Khải Anh
Chia sẻ

Về nhà ăn cơm ba nấu, về nhà thử áo mẹ mua, về nhà ôm hoa ngoại trồng... Về nhà, là một hạnh phúc!

Sài Gòn... hôm giao thừa

29 Tết... giao thừa gần điểm...

Cái không khí hối hả, chộn rộn len lỏi vào từ ngõ ngách của thành phố. Bến xe, sân bay, ga tàu... chật ních người. Bà con khệ nệ từng túi quà to tướng, chắt chiu từng chai rượu, túi mứt để mang về quê nhà. Trong các con hẻm nhỏ của Sài Gòn, người ta tất bật hơn hẳn. 

Nấu xong mâm cúng ông bà, các cô, các dì quầy quả đi chợ, mang mớ trái cây về nhà. Bọn trẻ con được dịp chạy tung tăng khắp sân nhà, tiếng người lớn nhắc chừng vẫn vang đều đều: "Coi chừng nồi thịt kho".

Câu nói vỗ về mọi người con xa quê khi Tết về: 'Về nhà nghe con!' Ảnh 1
Sài Gòn đông đúc dịp Tết

Bởi giao thừa, người ta càng hối hả, bận rộn, và náo nức hơn bao giờ hết. Bảo Yến (SN 1986, quê Bến Tre) cũng lách len vào dòng người đông nghẹt ở Sài Gòn ngày 29 Tết. 

Reng reng... Phía bên kia đầu dây là giọng của má đều đều: "Tụi nó (em họ) mới qua chơi. Con xong hết việc chưa? Về nhà nghen con...". Sau cùng, Yến òa khóc. 

Câu nói vỗ về mọi người con xa quê khi Tết về: 'Về nhà nghe con!' Ảnh 2

Tết là dịp để đoàn viên và trở về. Đối với những người con xa quê, Tết lại càng có ý nghĩa đặc biệt hơn bao giờ hết. Khi mùa xuân về bên hiên nhà, cái xóm nhỏ sẽ chộn rộn sên mứt dừa. Mùi lá dứa, mùi đường ngào, mùi dừa cứ thoảng thoảng bay...

Trước hàng nha đam, má bắt đầu phơi lạp xưởng, đỏ au một góc vườn. Vài gia đình đã bắt đầu gọi điện thoại "nhắc lần" tụi nhỏ: "Về nhà nghe con". 

Câu nói vỗ về mọi người con xa quê khi Tết về: 'Về nhà nghe con!' Ảnh 3

Về nhà, để ăn cơm ba nấu. Đó là nồi thịt kho hột vịt trứ danh", nước kho đậm đà, sóng sánh, không có mỡ. 

Về nhà, mặc áo má mua. Đó là chiếc áo sơ mi cổ cao, má sắm ngoài chợ. Má để dành trong góc tủ gỗ. Đồ má mua không bao giờ sợ chật, bởi má thuộc nằm lòng số đo của con, từ lúc đi học cho đến khi ra trường.

Về nhà, để thấy được chậu vạn thọ vàng rực của ngoại. Chỉ mới 20 Tết, ngoại đã bắt ghế ngồi ngoài sân, trông từng đứa cháu về nhà. Ngoại ôm, ngoại hôn, ngoại nhớ từng đứa...

Gạt hết âu lo, về nhà thôi!

Anh Bảo Quốc (SN 1985) chia sẻ: "Năm 2021 mở ra với mong muốn có vaccine, dịch bệnh sẽ khép lại. Ấy vậy mà từ tháng 4, cơn dịch bệnh khủng khiếp đã khiến cả thành phố phải sống trong nỗi lo lắng khôn nguôi. 

Câu nói vỗ về mọi người con xa quê khi Tết về: 'Về nhà nghe con!' Ảnh 4

Nhiều gia đình mất người thân, đường phố vắng bóng người. Ở Sài Gòn vào thời điểm đó, mình cũng như bị sự cô đơn nuốt chửng... Mình cũng từng là F0 nhưng may mắn khỏi bệnh. Thất nghiệp suốt thời gian dài khiến mình lao đao thật sự. Vừa mới đi làm được vài tháng, nợ bạn bè đã trả xong, tiền về quê cũng chẳng còn nhiều. 

Thế nhưng, mình vẫn gói ghém mua vé xe. Tết là dịp trở về mà. Cả năm bôn ba, bươn chải, ba mẹ chỉ cần mình bình an trở về thôi! Mình không còn tiền để mang về cho mẹ, chỉ cần gia đình ăn với nhau bữa cơm sum họp là vui lắm rồi".

Câu nói vỗ về mọi người con xa quê khi Tết về: 'Về nhà nghe con!' Ảnh 5

Tết về, có háo hức cả những âu lo. Dịch bệnh đã lấy đi nhiều thứ, nhưng cuối cùng, mong ước của mọi người chỉ là sự bình an... Không muộn phiền, âu lo, không thấp thỏm mong cầu, không có những giấc mơ xa vời, Tết lại dịp để đoàn viên và trở về. Để bất kì ai khi nghe được câu nói: "Về nhà nghe con" cũng cảm thấy ấm áp. 

Bởi còn được trở về, là còn được hạnh phúc!

Chia sẻ

Bài viết

Khải Anh

Tin mới nhất