Sắc màu Cuộc Sống

Người đàn ông 'cô đơn, gàn dở': Ngày nhặt rác mưu sinh, đêm thành 'hiệp sĩ'

Linh Linh
Chia sẻ

Dù bản thân cô đơn, lủi thủi một mình trong căn chòi rách nát nhưng người đàn ông trung niên chạy xe ôm, kiêm nghề nhặt ve chai thích hành hiệp trương nghĩa, trở thành khắc tinh của đám tội phạm.

Ôm chuyện bao đồng.. từ lần nổi máu nghĩa hiệp

Đó là câu chuyện về ông Nguyễn Văn Minh (58 tuổi, ngụ P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, TP.HCM), được mọi người biết đến với biệt danh ông Minh “gàn dở”, ông Minh “cô đơn”.

Ông Minh không có nhà cửa, không gia đình, không người thân. Thường ngày người đàn ông 58 tuổi sống bằng nghề nhặt ve chai để kiếm sống. Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng người ông lại thích làm chuyện… bao đồng.

Gần 20 năm sinh sống tại Làng Đại học Thủ Đức, là chừng ấy năm ông Minh “cô đơn” trở thành khắc tinh của các đối tượng trộm cướp tại nơi đây.

Ông Minh “cô đơn” bên chiếc xe máy cà tàng, là phương tiện mưu sinh và hành nghề trừ gian của mình.

Nơi ở ông Minh “cô đơn” là căn lều, gọi là lều nhưng thực chất chỉ là tấm bạt che mưa, che gió ở giữa khu rừng tràm trên một đỉnh đồi hoang vắng tại Làng Đại học Thủ Đức. Gần đây, thấy thương cảm, một “đồng nghiệp” ở Câu lạc bộ phòng chống tội phạm TX.Dĩ An, Bình Dương tặng ông Minh “cô đơn” một cái lều dạng hình trụ.

Tuy nhiên, ông Minh “cô đơn” vẫn giữ thói quen, ngủ nghỉ trong túp lều cũ. Chiếc lều mới được tặng, được ông sử dụng cho sinh hoạt vào ban ngày và những khi có khách đến chơi.

Chia sẻ về cơ duyên trừ gian của mình, ông Minh “cô đơn” kể: Hơn 20 năm trước, ông dạt về khu vực Làng Đại học Thủ Đức này sinh sống. Những năm đấy, khu vực này còn khá hoang vu, rừng cây rậm rạp. Các đối tượng bất hảo, dân anh chị từ nhiêu nơi tụ tập về đây kiếm ăn bằng nghề trộm cướp. Những cô cậu sinh viên bất đắc dĩ trở thành “con mồi” của nhóm đối tượng này.

“Trong lần đi nhặt ve chai, tôi bắt gặp cảnh 2 gã cướp dí dao vào cổ khống chế cướp một đôi nam nữ sinh viên tại khu vực hồ đá. Gặp cảnh bất bình, sẵn có cây tầm vông trong bao ve chai, tôi rút cây ra lao tới ngăn cản thì bị chúng chống trả lại. Hai đứa nhỏ sinh viên hôm đó không mất tài sản, nhưng tôi thì bị chúng cắt một nhát đứt cọng gân”, ông vừa chỉ vào vết lõm trên cánh ta phải như để chứng minh.

Sau lần ra tay hiệp nghĩa đấy, dù bị thương tích nhưng máu nghĩa hiệp như ngấm sâu vào trong người ông Minh “cô đơn”. Thế nên, suốt hơn 20 năm qua, ông Minh “cô đơn” gắn liền với công việc bao đồng “săn bắt cướp” mà không hề nhận một đồng tiền công từ bất kỳ một tổ chức hay cá nhân nào.

Vết thương ở cánh tay trong lần truy bắt bị đối tượng trộm cướp dùng hung khí chống trả lại.

Ông Minh “cô đơn” tâm sự, suốt những năm làm chuyện giúp người, ông gặp không ít lần bị đối tượng trộm cướp mua chuộc, dụ dỗ. Rồi đến tấn công trả thù nhưng người đàn ông trung niên này vẫn kiên định, không lùi bước, quyết tâm trừ gian.

“Sau lần đầu tiền đánh cướp ấy, tôi đã có ít hơn 5 lần 1 mình chống lại nhóm trộm cướp để cứu sinh viên… còn những lần phối hợp với anh em xe ôm, lực lượng bảo vệ khu đô thị Đại học quốc gia TP.HCM trừ gian thì nhiều vô kể…” ông Minh hào hứng kể về chiến tích phòng chống tội phạm của mình.

Nhờ chiến tích “săn bắt cướp”, ông Minh “cô đơn” được Trung tâm quản lý và phát triển khu đô thị Đại học quốc gia TP.HCM trao giấy khen tuyên dương.

Đạt thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống tội phạm, năm 2015 ông Minh “cô đơn” đã được Trung tâm quản lý và phát triển khu đô thị Đại học quốc gia TP.HCM trao giấy khen tuyên dương. Tấm bằng khen, được ông Minh “cô đơn” gìn giữ cẩn thận, treo giữa túp lều của mình như một vật trang trí, một kỷ vật “săn bắt cướp” của mình.

Đến khắc tinh của tội phạm

Hồi ức về cuộc đời, ông kể từ lúc lên 3 tuổi, trong một lần chạy giặc ông thất lạc mẹ ruột. Thấy bé trai khóc lóc, kêu tìm mẹ bên lề đường, một người phụ nữ tốt bụng tại tỉnh Long An đưa Minh về chăm sóc rồi nhận làm con nuôi và cái tên Nguyễn Văn Minh.

Tuy nhiên, niềm vui có gia đình chỉ kéo dài đến năm 9 tuổi, trong một lần bị con trai của mẹ nuôi bắt nạt, ông bỏ nhà đi, bắt đầu cuộc sống lang bạt.

Ông cũng không thể ngờ sau ngày định mệnh đó, cuộc đời ông gắn liền với cuộc sống nay đây, mai đó đã suốt gần nửa thế kỷ qua.

Túp lều “tềnh toàng” nơi sinh sống của ông Minh “cô đơn”.

Sau khi rời khỏi nhà mẹ nuôi, ông Minh dạt xuống khu vực phà Mỹ Thuận (Tiền Giang) sống lang thang dựa vào sự bố thí của khách đi đò, mà dần khôn lớn. Đến tuổi trưởng thành, ông dạt về trường bắn Bình Long (Q.9, TP.HCM) sống bằng nghề nhặt ve chai, kiếm sống.

Dù cuộc sống khó khăn, nhiều lúc rơi vào túng quẫn nhưng ông chưa bao giờ phạm pháp. Vài năm trước, khi dư dả được ít tiền, ông Minh tậu được một chiếc xe Honda cũ của một người quen với giá hữu nghị 700.000 đồng để hành nghề xe ôm. Những lúc rảnh rỗi ông lại đi nhặt ve chai kiếm sống qua ngày.

Từ khi chiếc xe honda cà tàng bị hỏng, ông Minh không còn hành nghề xe ôm được nữa.

Tuy nhiên, cách đây hơn 2 tháng, chiếc xe máy honda cũ trở nên quá ì ạch, không thể chạy xe ôm được nữa. Ông Minh “cô đơn” đành nghỉ công việc này, đi nhặt ve chai kiếm sống qua ngày.

“Thường ngày, cứ đến cuối giờ chiều chú đi nhặt ve chai, nhựa, sắt vun, … lái xe chạy lòng vòng đến các điểm đen trong Làng Đại học để quan sát, theo dõi đến 3 - 4h sáng mới về. Hễ thấy có những đối tượng nào khả nghi tôi thì bám theo…” ông Minh kể.

Hơn 20 năm ở Làng Đại học Thủ Đức, cũng là chừng ấy năm cái tên ông Minh “cô đơn” đã trở thành khắc tinh của những đối tượng trộm cướp tại nơi đây. Từ lòng nghĩa hiệp, tính cách “gan dở” thích bao đồng chuyện thiên hạ của mình đã giúp bảo vệ an toàn cho các thế hệ sinh viên khỏi kẻ xấu, góp phần vào việc giữ gìn trật tự cho khu vực này.

Chia sẻ

Bài viết

Linh Linh

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
tag-icon
Tin mới nhất