Sắc màu Cuộc Sống

Câu chuyện quần áo cứu trợ miền Trung và chia sẻ từ 'người trong cuộc' khiến chúng ta phải suy ngẫm

Nhật Minh - CTV
Chia sẻ

Từ chia sẻ của người trong cuộc, những người đã tiếp xúc trực tiếp với đồng bào miền Trung thì nhiều người, đặc biệt là cộng đồng mạng sẽ phải suy nghĩ lại về cách cho, cách hỗ trợ hay cả những lời bình luận không tốt của mình dành cho người dân miền Trung.

Miền Trung đã và đang gánh chịu những trận lũ lịch sử khiến hoa màu, tài sản cho đến đời sống của người dân nơi đây bị đảo lộn. Thấu hiểu được điều này, nhiều đoàn cứu trợ trên khắp cả nước đã tổ chức vận động, quyên góp để từ đó thực hiện những chuyến đi vượt hàng nghìn cây số, đến những khu vực bị nước lũ cô lập để gửi đến bà con nơi đây những phần quà, tiền mặt,… nhằm bù đắp phần nào thiệt hại cũng như là sớm vượt qua khó khăn, dần cải thiện và ổn định cuộc sống.

Mới đây, một bài viết với nội dung chia sẻ lại những điều cần lưu ý cho các chuyến đi cứu trợ đồng bào miền Trung cũng như là giải thích về những sự việc gây hiểu lầm trong thời gian gần đây đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng.

Câu chuyện quần áo cứu trợ miền Trung và chia sẻ từ 'người trong cuộc' khiến chúng ta phải suy ngẫm Ảnh 1
Những giáo viên dọn nhà sau lũ chưa xong đã quay sang dọn dẹp trường lớp, chuẩn bị đón học sinh quay trở lại sau mưa lũ

Theo nội dung bài viết, một số ngày gần đây, việc xuất hiện nhiều thông tin liên quan đến quá trình cứu trợ người dân miền Trung bằng quần áo cũ nhưng bị người dân địa phương không dùng đến đã gây ra nhiều luồng ý kiến trái chiều. Để giúp mọi người có cái nhìn thấu đáo hơn từ chính những người trong cuộc, tài khoản này đã viết lại những tình huống mà bản thân đã tận mắt chứng kiến.

Câu chuyện quần áo cứu trợ miền Trung và chia sẻ từ 'người trong cuộc' khiến chúng ta phải suy ngẫm Ảnh 2
Người dân nhận được quần áo ủng hộ và tự phân loại trước khi đưa đến những nơi cần, thực trạng dọn nhà khi được kêu gọi ủng hộ quần áo là có thật

Bài đăng này thay cho một lời giải thích mà người dân đang rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất” ở miền Trung muốn gửi đến những người đã và đang dõi theo để giúp đỡ, hỗ trợ họ. 

Nguyên văn bài viết này như sau:

“Quần áo cứu trợ, 

Gửi các bạn Quảng Bình sống xa quê hương, gửi các bạn ở mọi miền tổ quốc, mấy hôm nay có quá nhiều thông tin về việc cứu trợ quần áo nhưng bị người dân địa phương không dùng đến, mình có vài lời chia sẻ với các bạn như này ạ. 

- Dân cư vùng đồng bằng họ chỉ thiếu quần áo những ngày mưa lũ, nước ngập tận mái nhà, đói và rét.

- Sau ngày nước rút, người dân quê ta rất chủ động tự thân, dù quần áo ngập trong bùn, không có nước sạch, vẫn cố gắng mang ra giũ lại sạch sẽ phơi hong vì đó là tài sản của họ, họ không lười nhác ngồi chờ đợi hàng cứu trợ về đến và vứt quần áo ngập bùn của mình đi đâu. 

- Của cho không bằng cách cho, cách cho ở đây là gì? Có thể người dân cả nước, sau khi nhìn những hình ảnh nước ngập nóc nhà, nhà cửa tan hoang của miền Trung mà nghĩ rằng họ đang cần lắm, thương lắm, nên trong nhà được bao nhiêu đồ cũ mang đi cho sạch, gập hết vào tải, không phân loại cụ thể mới đóng gói, dẫn đến lẫn lộn cả đồ quá cũ, mốc ẩm, đồ ren, váy 2 dây, quần áo lót,... không thể mặc được. Mình chính là người đứng ra kêu gọi gom quần áo cũ, nhưng cư dân nơi mình sinh sống, họ bỏ thời gian 3 buổi tối, kéo nhau xuống sảnh ngồi chọn lọc, loại bỏ, cuộn nhỏ lại từng cái và chia ra túi như này, ghi rõ bên ngoài túi loại quần áo gì (Nam/nữ/bé gái/bé trai, độ tuổi, thậm chí có nhà còn ghi kg nặng hoặc chiều cao) rất chi tiết cẩn thận. 

Câu chuyện quần áo cứu trợ miền Trung và chia sẻ từ 'người trong cuộc' khiến chúng ta phải suy ngẫm Ảnh 2
Những túi quần áo mặc dù đã cũ nhưng lại được phân loại vô cùng kỹ lưỡng và chi tiết

Chia nhỏ mỗi túi nilon chỉ 5 - 6 bộ vừa đẹp vừa bình thường, để đủ cho một người phụ nữ hoặc đàn ông trong nhà có đủ lượng quần áo mặc thôi.

- Không đổ đống quần áo làm mọi người phải bới ra tìm đồ cho phù hợp với gia đình mình. Gây bẩn, lộn xộn với đống quần áo làm người đến sau rất nản, không muốn lấy nữa.

- Khi mang đi cho, cần phải tìm hiểu trước sẽ mang đến đâu, giao cho ai, họ có cần không? Điều này nếu là người nơi xa đến cần liên hệ chính quyền địa phương, họ sẽ hướng dẫn cụ thể. 

- Người dân miền Trung rất tự trọng, họ không tham lam vơ vét, nên khi các đoàn cho đồ ăn, họ chỉ lấy vừa đủ, lấy nhiều cũng không có phương tiện đò giang để đi đưa vào cho bà con trong xóm sâu, cuối làng,... nên họ sẽ từ chối không lấy nữa. Thực sự họ rất trân trọng tấm lòng của người dân cả nước, nhưng họ vẫn từ chối để dành cơ hội cho người khác.

Tuy nhiên, các đoàn thường tự phát, nên không tránh được việc chồng chéo nhau, nơi nhiều quá (gần nơi giao thông thuận lợi), nơi không có gì, nhưng chính quyền nếu ngăn họ lại, bảo tập trung hàng hoá rồi chia ra sau, thì họ cũng không muốn vì sợ chính quyền giữ lại không chia cho dân, điều này là không có, chính quyền họ đã quá vất vả trong thời gian vừa qua, cán bộ xã huyện lăn lộn trong lũ cứu dân, cứu tài sản của dân. Không biết gia đình mình vợ con cáng đáng ra sao đâu. 

- Quần áo lành lặn, cho ai? 

Trước khi mình thu gom, mình đã phải đi hỏi bạn bè, người nhà khắp các huyện trong tỉnh, từ Minh Hoá, Tuyên Hoá, Trường Sơn, hay như đội bạn bè có xe ô tô thường hay đi các vùng xa, họ đều bảo quần áo rất cần, nhưng phải biết chỗ, vậy nên mình gom quần áo này mang về, cất kho, khi nào có xe nào đi đến vùng cần, sẽ chở dần 5 - 6 tải, đủ cho khoảng 10 hộ dân nghèo, là vừa đủ. Chỗ mình có 100 tải, sẽ đủ cho khoảng 200 hộ dân đấy.

Câu chuyện quần áo cứu trợ miền Trung và chia sẻ từ 'người trong cuộc' khiến chúng ta phải suy ngẫm Ảnh 3
Vẫn có rất nhiều những người dân miền Trung cần quần áo cũ, tuy nhiên những đoàn từ thiện cũng cần nắm bắt được thông tin để chuyển đến tận tay những người thực sự cần này

- Chuyện đò giang chém chặt mấy hôm nay, thật ra cũng chỉ có 3 - 5 đò tự phát có hành vi xấu như vậy, cả huyện đang ngập sâu và chính quyền khó kiểm soát do bận bịu nhiều thứ, đến chủ tịch huyện còn phải mặc áo phao bơi trong nước lũ cứu dân (cái này tuy mình không khuyến khích lắm vì quan điểm của mình, một người lo bằng kho người làm, bác ấy nên bình tĩnh ở một chỗ để nghe ngóng tình hình còn chỉ đạo cho chuẩn, nhưng có lẽ tình hình lúc đó do quá cấp bách, thiếu lực lượng nên mạnh ai nấy cứu), thì còn cán bộ nào trong huyện không lăn lộn? Có chủ tịch xã hơn 70 tuổi cũng ngược xuôi cứu hộ, cứu trợ chục hôm nay, đã mệt quá rồi. Ở bất cứ đâu cũng có kẻ xấu, người tốt, vậy nên vài thành phần tham lam kia không thể đại diện cho người dân Lệ Thuỷ kiên cường được. Mọi người không nên chia sẻ những thông tin thiếu tích cực nữa. Đã có bạn câu like, lấy thông tin xấu một đằng, ghép ảnh nhầm người tốt vào một nẻo, xúc phạm đến hình ảnh, uy tín của người ta, hàng chục nghìn like và hàng nghìn share bài đó. Rồi cuối cùng vì bị quá nhiều người nhắc nhở, bạn đó phải xoá bài và đăng lời xin lỗi, quá muộn màng nhưng thôi cũng là được rồi. Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại các bạn ạ.

- Khi mọi người chia sẻ bất cứ điều gì cũng nên tìm hiểu thật kỹ rồi mới nên chia sẻ, hoặc dành thời gian để làm việc khác giúp người dân miền Trung hay hơn là ngồi đọc tin xấu. 

- Hiện tại, người dân vùng lũ đang hết cả sức lực khi dọn dẹp đống đổ nát sau bão, nước uống không có, điện đóm khi có khi không, xóm làng như vừa trải qua một trận chiến tranh khốc liệt, ngổn ngang trăm bề. Vì thế nên dân họ không có thời gian để dọn dẹp chỗ quần áo cứu trợ không có người nhận kia. Mong các bạn cũng đừng lan truyền những hình ảnh đó, gây hiểu lầm cho dân quê mình, gây tổn thương cho đồng bào cả nước. 

Đôi lời gửi tới các bạn Quảng Bình ở muôn nơi, và cả những tấm lòng bác ái của người dân khắp cả nước. 

Trân trọng cảm ơn mọi tấm lòng”.

Nguồn: Facebook Tuyết Lê

Chia sẻ

Bài viết

Nhật Minh - CTV

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất