Sắc màu Cuộc Sống

Câu chuyện 6 đứa trẻ trần truồng khóc lóc vì đói: Mẹ bảo có chăm, hàng xóm bảo không!

Hồng Ngọc
Chia sẻ

Đằng sau clip 6 đứa trẻ trần truồng khóc lóc làm cộng đồng mạng xôn xao còn là một hoàn cảnh khiến mọi người không khỏi chua xót.

Vừa qua, mạng xã hội xuất hiện một đoạn clip ngắn ghi lại hình ảnh cháu bé chưa đầy 2 tuổi, trần truồng người nhem nhuốc, khóc lóc dưới mưa. Cháu bé đứng trong hàng rào liên tục kêu khóc đập cửa nhưng không thấy sự xuất hiện của người lớn. Điều này khiến nhiều cư dân mạng không khỏi xót thương lẫn bức xúc. Nhiều người đặt ra câu hỏi, vậy cha mẹ, ông bà của cháu bé trên (cùng 5 cháu khác trong nhà) đang làm gì mà lại để cảnh tượng đau lòng này diễn ra.

Theo thông tin đính kèm mà đoạn clip này đăng tải thì cảnh tượng này hầu như xuất hiện mỗi ngày do cha đã bỏ đi, mẹ các cháu không quan tâm, ông bà ngoại lại bận đi làm. Các em thường xuyên phải sống trong tình cảnh: Tự chăm sóc lấy nhau!

Đoạn clip khiến cư dân mạng xôn xao trong những ngày qua.

Nội dung đăng tải đính kèm với đoạn clip.

Để tìm hiểu thực hư sự việc, phóng viên Saostar đã tìm đến ngôi nhà nơi mà đoạn clip phản ánh tại một con hẻm nhỏ ở đường Huỳnh Tấn Phát, tổ 11, khu phố 7, thị trấn Nhà Bè, TP.HCM.

6 đứa trẻ trông cậy vào bàn tay nuôi nấng của ông bà

Lần đầu bước vào nhà, điều làm chúng tôi ấn tượng hơn thảy là mùi khắm khú của xú uế bốc lên dữ dội. Nào mèo, nào đàn gà chục con, nào la liệt vật dụng sinh hoạt lẫn vào đồ chơi cùng tiếng khóc la inh ỏi của cả thảy 6 đứa trẻ… tạo ra một không gian hỗn độn. Chúng tôi được mời vào nhà cùng lời trần tình: “Nhà hơi dơ, nên cô ngồi đây đi cho sạch”.

Theo chia sẻ từ ông Nguyễn Văn Bột (ông ngoại, 46 tuổi) cho hay: nhà hiện tại đang nuôi dưỡng 6 đứa trẻ: 1 đứa 8 tuổi - con gái út của ông, 4 cháu - con của người con gái lớn, 1 cháu con của người con thứ 2 . Cả hai ông bà hiện đang sinh sống bằng nghề chạy xe ôm và bán phá lấu để nuôi cả thảy 8 miệng ăn.

Cu Quẹo nhỏ tuổi nhất (chưa đầy 2 tuổi) và hiện chưa có khai sinh.

“Con gái lớn của tôi tên Mai năm nay đã 25 tuổi. Trước có lấy chồng rồi sinh ra 4 đứa con. Nhưng chồng chẳng biết chăm lo gì cho vợ con lại còn hay hỗn hào với bố mẹ vợ nên hơn một năm nay hai vợ chồng nó thôi nhau, chồng nó cứ thế bỏ đi một nước chẳng chu cấp gì cho tụi nhỏ. Được một thời gian thì nó (con gái, mẹ của 4 đứa trẻ) cũng ăn ở như vợ chồng người hàng xóm cách đây vài bước chân. Vậy là 6 đứa nhỏ một tay ông bà chúng tôi chăm hết” - bà Trần Thị Phước (45 tuổi, vợ ông Bột) cho hay.

Thắc mắc về công việc mưu sinh để chăm lo các con, khá khó hiểu khi lần đầu phỏng vấn, chị Mai - mẹ của 4 đứa trẻ cho rằng: “Thỉnh thoảng có đi bán kẹo”.

Nhưng khi chúng tôi chia sẻ lại những bình luận từ bà con hàng xóm về việc chị này không chịu làm việc, chỉ lo ăn nhậu, bỏ mặc đám trẻ cho 2 ông bà tự chăm lo. Người mẹ này lại bảo: “Tôi không có đi làm gì vì thằng cu Quẹo còn nhỏ quá, phải ở nhà trông nó”.

Tuy nhiên, khi xác minh điều này lại với ông Bột (cha của chị Mai) chúng tôi hết sức ngỡ ngàng: “Lúc gia đình còn ở quận 4 nó có đi bán vé số. Nhưng buôn bán thế nào chẳng biết, cuối cùng tôi phải đứng ra gánh nợ cho nó hơn 20 triệu đồng. Rồi từ đó đến nay nó cũng không đi làm gì, 4 đứa con của nó là một tay chúng tôi lo hết, còn nó là sống dựa vào chồng mới”.

Chị Mai (25 tuổi) mẹ của 4 cháu.

Ông Nguyễn Văn Bột (46 tuổi), bố của chị Mai.

Bà Trần Thị Phước (45 tuổi, vợ ông Bột) - người phụ nữ đang phải gánh gồng 1 đứa con nhỏ 8 tuổi và 5 đứa cháu ngoại từ 2 tuổi đến 8 tuổi.

2h trưa mỗi ngày, ông Bột lại tất bật chở bà Phước ra quận 4 để bán phá lấu. Riêng ông cũng tranh thủ đi chạy xe ôm kiếm thêm thu nhập. Đến 9, 10h tối, hai ông bà lại dọn hàng trở về nhà. Mỗi ngày như vậy, hai ông bà thu về được khoảng 200.000 đồng để trang trải chi phí sinh hoạt cho cả thảy 8 miệng ăn. “Trong thời gian chúng tôi đi buôn bán, 6 đứa trẻ ở nhà chơi với nhau. Còn Mai chạy qua chạy lại giữa nhà chồng và nhà mẹ ruột để dòm ngó phụ, tuy nhiên việc này rất hiếm có” - bà Phước cho hay.

Đằng sau sự đáng thương của các bé là sự thờ ơ của người lớn

Sau khi đoạn clip ngắn về bé cu Quẹo trần truồng khóc lóc dưới mưa gây xôn xao dư luận, gia đình cũng đã có lời giải thích trên một trang báo: “Hôm đó trời mưa lớn, mấy đứa nhỏ ra ngoài tắm mưa, chơi đùa với nhau rồi khóc. Trong khi đó con gái của tôi thì ở phía sau để giặt đồ cho tụi nhỏ chớ có phải nhốt tụi nhỏ đâu…”. Để tìm hiểu rõ hơn về vụ việc, liệu rằng đoạn clip được ghi lại một cách tình cờ hay là cảnh diễn ra thường ngày, chúng tôi cũng tìm đến chủ nhân của đoạn clip để nghe những chia sẻ thực hư.

Những chia sẻ của cả những người trong cuộc và những người chứng kiến về cuộc sống của các cháu bé.

Được biết, người quay đoạn clip trên là cô Nguyễn Thị Xuân (1969) - hàng xóm cạnh nhà của gia đình ông Bột. Thường xuyên phải chứng kiến cảnh tượng đau lòng: 6 đứa trẻ không người chăm nom, dù ngày hay đêm vẫn trần truồng lang thang ngoài đường nên cô Xuân mới nhờ em trai đăng tải hộ đoạn clip lên mạng xã hội với mục đích: kêu gọi sự giúp đỡ của mọi người để các bé có cuộc sống tốt hơn và quan trọng nhất là được đến trường.

“Nhà tôi cũng có con nhỏ nên nhìn các cháu thế này mà xót lòng lắm. Đứa lớn nhất là Thu Hương (con gái ông Bột) và Mai Thanh (con gái lớn của chị Mai) đã 8 tuổi mà thường xuyên ở trần; đứa nhỏ hơn cũng chẳng mặc quần, nhỏ tuổi nhất là cu Quẹo hay trong cảnh trần truồng. Tình cảnh này diễn ra cả lúc trời tối sương xuống hay hôm mưa lạnh. Xót quá, có hôm tôi gọi thẳng mẹ chúng nó (sinh sống tại nhà chồng cách đó vài bước chân) rồi bảo: “Mặc quần áo vào lại cho con đi chứ”. Nó trả lời “Dạ, dạ”. Được một lúc rồi đâu cũng lại vào đấy thôi.

Nhiều khi chứng kiến cảnh tượng: mẹ ruột mấy đứa nhỏ cứ thờ ơ, bỏ bê mà bức xúc lắm. Có khi ông bà gọi về chăm con cũng chẳng thèm về, đi làm kiếm tiền nuôi con cũng không đi. Cứ ở lì miết bên nhà chồng, nhiều hôm còn nhậu nhẹt rồi ẩu đả với người ta” - cô Xuân cho hay.

Sau khi đoạn clip được đăng tải, gia đình đã cam kết với chính quyền địa phương sẽ chăm sóc các cháu chu đáo hơn, đầu tiên là việc cho mặc quần áo đầy đủ.

Cô Nguyễn Thị Thu Hà (1966) - một hàng xóm gần nhà cho hay: “Mọi người xung quanh cũng thương lắm, như có anh thu gom rác cũng mang mớ đồ cũ của con tặng lại cho các bé để khỏi phải trần truồng. Mà một bộ đồ nhiều khi mặc 3,4 ngày không tắm rửa. Rồi lớp vào bụi bẩn do lê lếch ngoài đường, lớp nào các cháu đi vệ sinh trong quần, làm bốc mùi hôi khủng khiếp. Vậy mà quần áo có giặt đâu, hôm trước anh thu gom rác mang bao đồ qua cho, hôm sau lại thấy bỏ trước cửa nhà một bao đầy quần áo bẩn. Tụi tôi thương các cháu bao nhiêu thì giận mẹ của các cháu bấy nhiêu. Mới 25, 26 tuổi thôi, cũng lành lặn khỏe mạnh, đã không đi làm nuôi con đã đành, mà đằng này chăm sóc dạy dỗ con còn thiếu trách nhiệm. Mới bây lớn mà tụi nhỏ đã chửi thề rồi”.

Trao đổi với chúng tôi, chú Lê Minh Tùng (1958) - trưởng khu phố 7, thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè cho biết thêm, gia đình ông Bột thuộc diện khó khăn. Chính quyền địa phương đã hỗ trợ cấp sổ hộ nghèo, bảo hiểm khám bệnh miễn phí, vào những dịp lễ tết đều được tặng quà. “Sáng ngày 23/6, chúng tôi có đến nhà trao đổi với vợ chồng ông Bột về việc đưa đến trung tâm bảo trợ (được nhà nước cấp phép) để các bé được học hành, chăm sóc trong điều kiện tốt hơn. Các chỗ này nhận chăm sóc dạy dỗ miễn phí, khá gần nhà, bất cứ khi nào cũng có thể đến thăm, thậm chí là rước về nhà nếu muốn, vậy mà bà ngoại các cháu một mực không đồng ý”.

Theo người dân xung quanh chứng kiến, các cháu chưa nhận được sự quan tâm đúng mực từ gia đình, thường xuyên phải tự chăm nom lấy nhau.

Hoàn cảnh khó khăn của gia đình có thể hiểu được, những phản ánh của hàng xóm xung quanh cũng đâu phải không có căn cứ, thế nhưng người thiệt thòi hơn thảy chính là 6 đứa trẻ khi những quyền lợi cơ bản không được đảm bảo: 2 cháu không được đến trường, 3 cháu không có khai sinh. Hiện tại, chị Mai đang mang thai một đứa con với người chồng sau, điều này khiến chúng tôi nghẹn ngào lo lắng: Mong đứa trẻ chuẩn bị chào đời liệu đừng phải mang cùng số phận với anh chị của nó…!

Chia sẻ

Bài viết

Hồng Ngọc

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất