Sắc màu Cuộc Sống

Cảm xúc là một bệnh mãn tính nguy hiểm như AIDS?

Mắt Kiếng
Chia sẻ

AIDS là một loại bệnh mãn tính, kết quả này đã được chấp nhận bởi WHO - tổ chức y tế thế giới. Thế nhưng, cảm xúc cũng được xếp "ngang hàng" với HIV thì nghe hơi lạ?

01equals

Ấy vậy mà điều đó lại có trong bộ phim Đồng điệu (tên tiếng Anh là: Equals) của điện ảnh Mỹ đang được khởi chiếu trên khắp lãnh thổ Việt. Bộ phim lấy bối cảnh thế giới tương lai sau một cuộc đại chiến. Bom đạn gần như diệt chủng loài người, chỉ còn một số nhỏ quây quần thành một tập thể. Họ sống “đồng điệu”, ăn mặc y hệt nhau, sinh hoạt tuần tự, lặp đi lặp lại. Một xã hội đơn sắc và nhàm chán thế nhưng quy củ và ngăn nắp đâu ra đó, công thức đến từng li từng tí một. Mọi cảm xúc bị triệt tiêu để đảm bảo xã hội tồn tại công bằng và an toàn. Đặc biệt ở đây, tình yêu cùng những tương tác về xác thịt hoàn toàn bị cấm. Phụ nữ đến tuổi sẽ được gọi đi làm “nghĩa vụ mang thai” để thụ tinh nhân tạo, sinh con và giao đứa trẻ cho trung tâm y tế nuôi dưỡng. 

01equals

Con người sống trong thời kì này tiệt không được có cảm xúc, rung động hoặc bất cứ một trạng thái, biểu hiện liên quan đến cảm xúc dù là nhỏ nhất. Nếu có, bạn là bệnh nhân của một chứng bệnh không có thuốc chữa có tên Switched on syndrome (tạm dịch là: Hội chứng rối loạn cảm xúc), được viết tắt là SOS - trùng khớp hoàn toàn với tín hiệu cấp cứu xưa nay trong các trường hợp cứu nạn. 

Phải chăng ý đồ của đạo diễn cho rằng, cảm xúc cũng là một loại tín hiệu nguy cấp, cần được cứu giúp? Bởi thế bộ phim mới nói đến việc chữa trị căn bệnh đó nếu không người bệnh sẽ tự tử mà chết bởi sự rối loạn cảm xúc. Hoặc cũng có thể đạo diễn đang nói về một thế giới vô cảm và những cảm xúc thì cần được “SOS”? 

Cũng có thể lắm chứ! 

Đằng sau chiếc mặt nạ kia là gì?

Đằng sau chiếc mặt nạ kia là gì?

Nhưng, xã hội Việt Nam hiện nay hình như lại đang “dư thừa cảm xúc” mà chúng ta vẫn phải phát đi những tín hiệu SOS nhưng chả phải để cứu ai hết. Để cảnh báo và để cứu chính những người đang được/ bị quan tâm bởi những người khác đang dư thừa cảm xúc.

Chẳng nói đâu xa lạ, bạn cứ lên youtube bạn search cụm từ “học sinh đánh nhau” sẽ ra hàng loạt các kết quả từ học sinh tiểu học cho tới học sinh trung học và đại học đánh nhau. Không những đánh nhau, họ còn được cổ vũ bởi một đám đông bao quanh là bạn học. Sẽ có vài bạn đứng quay phim và làm công việc…bình luận viên.

Như bình luận viên thể thao vậy đó, đầy hào hứng.

Thùng bánh mỳ từ thiện giờ thêm cả sứ mệnh phân chia tình cảm miễn phí

Thùng bánh mỳ từ thiện giờ thêm cả sứ mệnh phân chia tình cảm miễn phí

Hoặc giả như chuyện, mỗi người một ổ bánh mì trong thùng bánh mỳ từ thiện ở Sài Gòn. Sau khi sự cảm động qua đi là số đông lại lao vào chỉ trích những người không quá nghèo khổ đến lấy bánh. Có báo còn cầu kì đến độ cử phóng viên đến ngồi “canh” và đếm xem có bao nhiêu người không quá nghèo đến lấy bánh. Ai cần cứ lấy thôi, cái đó gọi là sự hào sảng của người sáng lập.

Mà thôi, nghĩ cũng mừng cho bà chủ thùng bánh mì khi bỗng dưng có bảo vệ miễn phí.

Câu chuyện cổ tích này giờ còn mấy người quan tâm

Câu chuyện cổ tích này giờ còn mấy người quan tâm

Rồi như câu chuyện anh chàng đánh giày câm và chú chó mù cũng vậy. Sau khi được đăng tải, hàng ngàn người lũ lượt kéo đến…cho tiền và…check-in facebook theo một dạng khoe thành tích làm cho chính anh đánh giày và con chó mù phải hoảng sợ. 

Giờ thì sao? Cảm xúc lắng xuống và con chó mù cũng chẳng ai quan tâm như thế nào! Đến chủ còn chẳng được quan tâm nói gì…chó. Và, thịt chó vẫn được bày bán công khai khắp nơi, và, biết đâu những người đến xoa đầu con chó mù kia lại từng ăn thịt chó chỉ mới hôm trước?

Phan Anh và "những người bạn"

Phan Anh và “những người bạn”

Mới nhất đây thôi, chương trình “60 phút mở” mang anh chàng MC Phan Anh lên để “chất vấn” (đúng nghĩa đen của từ) về một hành vi, thói quen của anh ta trên mạng xã hội, đó là chia sẻ một sự kiện. Việc anh chàng MC thể hiện, bộc lộ cảm xúc của mình thông qua những gì chia sẻ trên facebook cũng được đẩy lên thành một chương trình với đề tài hết sức “luận tội”, rằng: Chúng ta chia sẻ trên mạng xã hội để làm gì?

Đố biết đấy! Đất nước gần 90 triệu dân với quá 1/3 sử dụng mạng xã hội thì có đến từng đó lí do, sao mà ra mẫu số chung được, hỏi đến kì lạ!

Lại một triệu chứng của việc dư thừa cảm xúc đến độ mang nhau lên tivi để tra vấn nhau và vô hình trung trường quay biến thành một…phòng xử án và khách mời được đối xử như một…bị cáo. Khác chăng một cái là không có bản luận tội theo dạng văn bản.

Cái gì mà “phi văn bản” mới đáng sợ chứ rành rành ra đó rồi thì lo gì!

Sự hiếu kì đầy cảm xúc của đám đông

Sự hiếu kì đầy cảm xúc của đám đông

Nếu chúng ta vô cảm đến lạnh lùng và tàn nhẫn, với những biểu hiện như thấy đánh nhau bỏ chạy, thấy người bị thương không cứu hoặc thấy của vung vãi ra đường thì lao vào hôi thì cũng đừng ngạc nhiên bởi báo cáo năm 2013 đã chỉ ra rằng Việt Nam xếp hạng 123/176 về chỉ số cảm nhận tham nhũng và đứng thứ 13 trong bảng xếp hạng những quốc gia mà người dân ít có cảm xúc (vô cảm) nhất.

Vậy thì, sự vô cảm theo đúng nghĩa đen và sự dư thừa cảm xúc đến độ chẳng quan tâm cảm xúc của người trong cuộc miễn là mình hả hê, sung sướng, hạnh phúc, sảng khoái, v.v…cái nào nguy hiểm hơn.

Đồ rằng cả hai trạng thái đó đều nguy hiểm như nhau!

Chia sẻ

Bài viết

Mắt Kiếng

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất