Sắc màu Cuộc Sống

Cảm động lá thư cuối cùng của người lính gửi cho vợ trước lúc hy sinh

Bánh Mì
Chia sẻ

Chiến tranh đâu chỉ có những đau thương, ở đó còn có cả những tình yêu mãnh liệt, nỗi nhớ gia đình và niềm tin tất thắng.

Chiến tranh, dù thắng hay thua đều mang trong nó những đau thương và mất mát. Nhưng hơn hết, giữa những đau thương ấy có cả tình yêu, tình thương gia đình vô cùng thiêng liêng và cao đẹp; Là nỗi nhớ khắc khoải những tháng ngày xa cách; Là tiến tuyến động viên hậu phương hãy luôn cố gắng, vững tâm; Là niềm tin, hy vọng vào một ngày toàn thắng để gia đình đoàn tụ.

Hôm nay, 27/7, ngày để tưởng nhớ và tri ân đến những người lính đã hy sinh tuổi xuân, hy sinh thân mình vì tự do và độc lập của Tổ Quốc. Chúng ta hãy cùng đọc lại một bức thư của chiến sĩ, nhà thơ Thâm Tâm (tên thật là Nguyễn Tuấn Trình), sinh năm 1917 tại thị xã Hải Dương (nay là thành phố Hải Dương), tỉnh Hải Dương gửi cho vợ của mình chỉ ít ngày trước khi ông hy sinh trong chiến dịch Biên giới Thu đông năm 1950.

Phục kích đánh quân tiếp viện của địch trong chiến dịch Biên giới năm 1950. Ảnh minh hoạ

Ảnh chụp bức thư được chị Nguyễn Mỹ Trang, cháu nội của người chiến sĩ đang tải lên trang cá nhân. Nội dung bức thư như sau:

“Anh đã nhận được hai lá thư, 1 em viết ở Hà Nam và một viết ở Thanh Hoá. Anh đã trả lời một lần gửi nhờ Bích chuyển. Gia đình ra lọt được vùng địch tràn chiếm, thế là tốt rồi. Nhưng ở Thanh Hoá cũng chưa chắc yên hẳn đâu, nghĩ cứ phải chuẩn bị như thường.

Vì mất mát, kiệt quệ hết nên gia đình hiện rất quẫn bách. Anh cũng đoán biết như thế từ trước khi nhận được thư nhà. Số tiền đội Văn Nghệ không trao được cho Bích, thì hiện đã nhờ cứu Cứu Quốc Trung ương chuyển cho Cứu Quốc Khu III để Bích lĩnh và nhận về nhà, sớm muộn cũng nhận được. 

Chuyến này vì có người đi khu IV, anh gửi kèm thư này về nhà số tiền năm nghìn đồng (5.000đ) để làm vốn buôn bán kiếm kế sinh nhai, làm thế nào bớt thiếu thốn là tốt. Chịu khổ ít lâu nữa, thế nào cũng tổng phản công, cứ tin tưởng và chịu đựng, hạnh phúc sẽ tới. Tiểu khu IV mà không yên sống được, thì gắng vất vả chuyến nữa đi Việt Bắc, anh có thể thu xếp việc làm ăn cho gia đình được. 

Có điều anh cần dặn em là lúc này phải chịu khó, đừng ỷ lại. Anh không muốn vì em nhờ … mà sau này có thể xảy ra phiền toái vì nhờ vả.

Nhớ chăm chút tẩm bổ cho Khoa nhiều. Anh nhớ con lắm, nhưng đành hẹn ngày toàn thắng tha hồ vui vẻ…”

Trong chiến tranh gian lao cực khổ, người lính vẫn không quên gửi thư về cho vợ, động viên người phụ nữ ở hậu phương hãy cố gắng chịu đựng, tin tưởng và chờ đợi vì hạnh phúc chắc chắn sẽ tới. Chỉ ít ngày sau khi bức thư này được viết, người lính đã ngã mình, hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ tổ quốc.

Tống Biệt Hành
Tác giả: Thâm Tâm

Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt,
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

Đưa người, ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình, một dửng dưng…

Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ,
Chí lớn chưa về bàn tay không,
Thì không bao giờ nói trở lại!
Ba năm mẹ già cũng đừng mong.

Ta biết người buồn chiều hôm trước
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt,
Một chị, hai chị cũng như sen
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót.

Ta biết người buồn sáng hôm nay:
Trời chưa mùa thu, tươi lắm thay,
Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay…

Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay,
Chị thà coi như là hạt bụi,
Em thà coi như hơi rượu say.

Mây thu đầu núi, gió lên trăng 
Cơn lạnh chiều nao đổ bóng thầm.
Ly khách ven trời nghe muốn khóc,
Tiếng đời xô động, tiếng hờn căm 

Chia sẻ

Bài viết

Bánh Mì

Tin mới nhất