Sắc màu Cuộc Sống

“Bùn” hay “đất cày” đều là vẻ đẹp mộc mạc, tinh tế của tiếng Việt

Nguyễn Thuý Hạnh
Chia sẻ

Cộng đồng đang dấy lên cuộc tranh luận nên dùng “bùn” hay “đất cày” để chỉ sự mềm mại, mộc mạc của tiếng Việt, khi bài thơ Tiếng Việt của cố nhà thơ Lưu Quang Vũ vừa được sử dụng trong đề thi môn Văn – kỳ thi tốt nghiệp PTTH quốc gia 2016.

Gạt bỏ sang một bên ai sai, ai đúng, rằng Bộ Giáo dục & Đào tạo đã chính xác hay chưa khi sử dụng bài thơ gốc, trong khi học sinh chủ yếu lại được học bài thơ đã biên tập, thì chúng ta phải công nhận rằng, tiếng Việt thực sự đẹp, gần gũi và thiêng liêng, bởi nó mang đậm tâm hồn và tính cách của người Việt Nam.

Trích đề thi môn Văn - kỳ thi tốt nghiệp PTTH toàn quốc 2016.

Việt Nam cũng là một quốc gia đa ngôn ngữ và tiếng Việt chính là một công cụ mạnh mẽ nhất trong mọi cuộc đấu tranh của người dân Việt. Với mỗi người dân Việt Nam thì tiếng Việt là một ngôn ngữ luôn gắn liền với sự phát triển của xã hội Việt Nam, chịu sự tác động mạnh mẽ của các tiến trình phát triển của đất nước Việt Nam. Không chỉ thế, tiếng Việt còn là ngôn ngữ chính của đa số người Việt Nam và là công cụ giao tiếp quan trọng nhất trong một cộng đồng dân cư lớn rộng. Nó có lịch sử hình thành và phát triển rất đáng tự hào. Vậy nên, vượt lên trên mọi cách trở của địa lý, tiếng Việt đã không chỉ là của cải của dân tộc ta mà tiếng Việt còn làm nên một dòng chảy văn hóa mạnh mẽ và có sức lan tỏa rộng rãi với tinh thần hòa hợp dân tộc.

Tiếng Việt không phải là những khái niệm trừu tượng khó hiểu thật gần gũi với mỗi người dân Việt Nam chúng ta. Đó là tiếng mẹ, lời cha, tiếng kéo gỗ, tiếng gọi đò, là tiếng hát lời ru làm “rung rinh nhịp đập trái tim” .Với mỗi chúng ta, tiếng Việt thân quen lắm và gần gũi lắm bởi tiếng Việt chính là tâm hồn của mỗi người dân Việt, có vị mặn chát của những giọt mồ hôi, lam lũ nắng mưa và gừng cay muối mặn. Trong tiếng việt còn có cả những giọt nước mắt đắng cay với những ân tình nồng ấm, tình cảm nồng đượm và sâu lắng. Tiếng Việt là thứ tiếng của tâm hồn luôn được cất lên từ đáy lòng, đó chính là thứ tiếng tình yêu và lao động của mỗi người dân lao độngViệt Nam.

Tiếng Việt nhẹ như gió nhưng lại có sức nặng ngàn cân. Hết sớm lại chiều tiếng Việt thoang thoảng nhẹ nhàng, khẽ làm khô những giọt mô hôi và nâng những gót chân. Tiếng Việt mộc mạc, chân chất nhưng khỏe khoắn, vừa cứng cỏi lại vừa mềm mại, tinh tế, bay bổng, dịu dàng. Tiếng Việt là sợi dây nối liền tâm hồn, tư tưởng của tất cả mọi người trong cộng đồng cũng như những người con xa xứ, lưu lạc. Vậy nên, với những người Việt Nam xa xứ, có mong muốn nào lớn hơn được nghe thấy tiếng Việt giữa mênh mông cộng đồng xứ lạ.

Tiếng Việt của chúng ta mềm mại như từng thớ đất cày, óng vàng như tre ngà, dải lụa. Tiếng Việt là khát khao, ước mơ, là dòng sông suốt đời không ngừng chảy. Dòng sông ấy soi bóng những cánh cò, những cánh đồng quê, những nhịp cầu tre, sắc nước màu mây…Dòng sông ấy còn lưu giữ cả truyền thống yêu nước, tình nhân ái bao la của con người Việt Nam. Vượt qua bao không gian và thời gian, như sức mạnh ngàn cân tiếng Việt ngày càng trở thành một khối thống nhất của toàn thể con người Việt mà không có kẻ thù nào có thể ngăn chặn được. Sự bền vững của tiếng Việt chính là sự bền vững của cốt cõi lòng người.

Tiếng Việt vang lên khắp mọi nơi, từ bờ tre mái ra, từ lam lũ đói nghèo của những người dân lao động miệt mài dệt lên từng dải lụa mềm với khát vọng bay cao vươn xa. Hình hài của tiếng Việt chính là hình hài đất nước, nhắc tất cả chúng ta ghi nhớ công ơn các anh hùng đã ngã xuống vì giữ gìn độc lập tự do của dân tộc. Tiếng Việt là máu là hoa, là cờ đỏ sao vàng bay phần phật trong những chiều lộng gió để khẳng định chủ quyền lãnh thổ.

“Lắng nghe cô giảng bài” - Một trong những ký ức đẹp của mỗi người khi nhớ về thời cắp sách đến trường.

Tiếng Việt của chúng ta đẹp và trong sáng là thế. Nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới đã khẳng định điều đó. Họ còn cho rằng tiếng Việt là một ngôn ngữ phong phú và không ngừng phát triển. Tuy nhiên, do xu thế hội nhập và toàn cầu hoá khiến cho tiếng Việt nhiều khi phải đứng trước nguy cơ “hoà tan” bởi chính sách của thế giới phẳng về ngôn ngữ và văn hoá. Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và internet, giới trẻ Việt Nam đã sáng tạo ra một thứ ngôn ngữ mới là ngôn ngữ @ đã có những tác động đến tiếng Việt, làm cho ngôn ngữ của dân tộc bị thay đổi nhanh chóng trên nhiều phương diện.

Tiếng việt đang bị pha trộn ngày càng nhiều, ở mọi nơi mọi lúc đã làm cho tiếng Việt có phần trở nên méo mó và bị biến dạng. Ai đó thật có lý khi nhận định: “tiếng Việt “méo hay tròn và có còn “trong sáng” hay không chính là do khả năng tư duy và “cái lưỡi” của chúng ta. Tiến sĩ Mai Xuân Huy (Viện ngôn ngữ học Việt Nam) đã gọi hiện tượng này là hiện tượng “ô nhiễm ngôn ngữ trong tiếng Việt”. Vì thế việc chuẩn mực hóa tiếng Việt lúc này là một trong những việc làm cần thiết thông qua các kĩ năng nói và viết tiếng Việt.

Yêu tiếng Việt và chắp cánh vươn xa cùng tiếng Việt là khát vọng của tất cả những người Việt Nam chúng ta. Vì thế việc gìn giữ để tiếng Việt mãi mãi là hình hài và di sản văn hóa của đất nước còn phụ thuộc vào nhiều nỗ lực chung của cả cộng đồng ngôn ngữ rộng lớn. Nó không phải là nhiệm vụ của riêng ai mà là nhiệm vụ chung của tất cả mọi người. Bởi vì đã từ lâu tiếng Việt là văn hóa, tiếng Việt là mệnh nước.

Chia sẻ

Bài viết

Nguyễn Thuý Hạnh

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất