Sắc màu Cuộc Sống

Bữa ăn vội vàng, nín thở chờ bão Tembin của người dân Sài Gòn

Phương Sinh
Chia sẻ

Khi cơn bão Tembin được dự đoán sẽ đổ bộ vào đất liền, người dân vùng cơn bão đi qua lập tức được di tản đến nơi an toàn. Và trong tình cảnh vội vàng phòng tránh bão, cuộc sống của người dân sở tại cũng khá tạm bợ, nín thở, hồi hộp...

Chiều 25.12, các lực lượng chức năng cùng người dân tại huyện Cần Giờ chuẩn bị mọi phương án để ứng phó trước cơn bão số 16 (Tembin) đổ bộ vào đất liền. Phó Chủ Tịch UBND huyện Cần Giờ cho hay, người dân đã được di dời đến nơi an toàn, các phương tiện hoạt động trên biển đều bị cấm di chuyển, vào bờ an toàn để tránh cơn bão.

Phía Công ty Điện lực Duyên Hải cho biết, đơn vị đã chuẩn bị nhiều phương án, máy phát dự phòng như: 1 máy cho huyện, 1 máy cho UBND, 1 máy ở bệnh viện Cần Giờ, 1 máy tại đơn vị và 1 máy cho xã Thạnh An.

Đơn vị này cũng bố trí hàng chục công nhân túc trực đối phó 24/24. Nhiều lực lượng được triển khai ứng phó cơn bão như: Ban chỉ huy quân sự, Công an, y tế, biên phòng và các lực lượng khác ứng cứu hỗ trợ trực tiếp người dân xã Thạnh An.

Người già, trẻ nhỏ trú bão trong trường THCS Cần Thạnh.

Lớp học thành nơi trú bão an toàn cho những hộ dân.

Trẻ sơ sinh nằm ngủ trên võng tại nơi an toàn tránh cơn bão số 16 đổ bộ vào đất liền.

Những bữa ăn vội vàng trong ngày tránh bão.

Không gian lớp học được người dân sắp xếp gọn gàng làm nơi cư trú.

Mọi phương tiện tàu, thuyền đều cấm di chuyển vào bờ để tránh bão.

Người dân sinh sống bằng nghề đánh bắt hải sản cho thuyền neo đậu vào bờ.

Nhiều người trang bị tàu, thuyền để ứng phó với cơn bão Tembin.

Hàng trăm tàu, thuyền neo đậu về nơi trú ẩn, tránh bão Tembin.

Theo bản tin mới nhất của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây và suy yếu dần, tốc độ di chuyển khoảng 20km/giờ, đến 10 giờ ngày 26.12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,4 độ Vĩ Bắc; 104,3 độ Kinh Đông, trên khu vực vùng biển Cà Mau - Kiên Giang. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11.

Từ trưa 25.12, vùng biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau (bao gồm cả Côn Đảo) có gió mạnh dần lên cấp 8, sau tăng lên cấp 9, giật cấp 12; sóng biển cao từ 6-8 mét.

Trên đất liền các tỉnh miền Tây như: Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11. Các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Kiên Giang có gió cấp 6-7, giật cấp 9.

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây với tốc độ khoảng 20km/h và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 22 giờ ngày 26-12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 8,7 độ Vĩ Bắc; 101,9 độ Kinh Đông, cách Thổ Chu khoảng 150km về phía Tây Tây Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9, sóng biển cao 3-5 mét. Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 80km tính từ vùng tâm áp thấp nhiệt đới.

Chia sẻ

Bài viết

Phương Sinh

Tin mới nhất