Sắc màu Cuộc Sống

Bộ trưởng Lao động: 'Cơ sở cai nghiện quá tải vậy ai mà chịu nổi'

Theo VnExpress
Chia sẻ

Thị sát trung tâm cai nghiện Đồng Nai, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, cơ sở này quá tải rất lớn, khi chỉ có thể chứa 800 học viên nhưng đã đón nhận gần 1.500 người.

Chiều 7/11, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung có chuyến thị sát cơ sở cai nghiện Đồng Nai đóng ở huyện Xuân Lộc. Ông đã vào một số khu trại nam, nữ xem xét chỗ ăn ở của học viên, những nơi vừa bị đập phá. Tại khu nam, ông hỏi các học viên vì sao nghiện và có tâm tư nguyện vọng gì không?

Sau một thoáng chần chừ vì e ngại, nam học viên bày tỏ: “Mong Bộ trưởng quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất để chúng tôi chữa bệnh tốt hơn, sớm trở về hòa nhập cộng đồng”.

“Mình đã lỡ dính vào ma túy rồi thì cố gắng cai để về với gia đình, có chuyện gì đi nữa thì kiến nghị lên thầy cô, cán bộ chứ không được theo bạn bè đập phá trại, trốn ra ngoài, như vậy là vi phạm nội quy, pháp luật”, Bộ trưởng khuyên nhủ.

bo-truong-lao-dong-co-so-cai-nghien-qua-tai-vay-ai-ma-chiu-noi-29-073746

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm hỏi các học viên. Ảnh: Phước Tuấn

Sau khi thăm hỏi các học viên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, cơ sở vật chất nơi đây đã xuống cấp, quá tải rất lớn.“Cơ sở có công suất 800 học viên nhưng nay đã lên đến 1.500, như vậy thì sức nào chịu nổi. Làm sao mà không bức xúc, trốn trại được”, ông Dung nói.

Theo Bộ trưởng, hiện nay trên cả nước có 220.000 người trong hồ sơ quản lý sử dụng ma túy, với 132 cơ sở cai nghiện. Tuy nhiên, một số điểm nóng như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng lại không xảy ra việc trốn trại. Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu có một lần rồi thôi, còn Đồng Nai lại liên tục và phức tạp.

Ông cho rằng, hiện nay Đồng Nai đưa người nghiện vào cơ sở chưa phù hợp, lực lượng cán bộ còn mỏng, chuyên môn còn thấp. “Trước mắt chúng ta cần phân loại, rà soát các học viên. Có sử dụng ma túy nhưng chưa đến mức nghiện thì cho ra; nghiện nhưng có địa chỉ cư ngụ, gia đình bảo lãnh nên trả về địa phương quản lý”, ông chỉ đạo.

Bộ trưởng cũng yêu cầu Đồng Nai cần khẩn trương, quy hoạch xây dựng cơ sở cai nghiện đáp ứng yêu cầu, tình hình hiện tại, gắn cai nghiện với phục hồi chức năng, lao động, tạo điều kiện cho học viên có nghề nghiệp để hòa nhập cộng đồng.

bo-truong-lao-dong-co-so-cai-nghien-qua-tai-vay-ai-ma-chiu-noi-29-073748

Các học viên gây sức ép đòi ra ngoài sáng 7/11. Ảnh: Phước Tuấn.

Nói về việc đưa tất cả người nghiện vào cơ sở ở các địa phương hiện nay, ông Dung cho rằng vẫn có mặt tích cực như cuộc sống sẽ bình an, ổn định trật tự xã hội địa phương. “Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất khi đồng loạt vào sẽ gây ra sức ép quá tải, không xử lý tốt sẽ phản tác dụng. Nếu Đồng Nai điều chỉnh được những vấn đề nêu trên thì chắc chắn sẽ hoạt động tốt”, ông nói.

Ông Hồ Văn Hà, Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc cũng bày tỏ việc tăng học viên quá nhanh đã gây sức ép lên hoạt động của trung tâm, hoang mang cho người dân khi xảy ra nhiều vụ trốn trại. “Ngoài việc quá tải, chúng ta cần xem xét có hay không chuyện các học viên sử dụng ma túy, chất kích thích trước khi gây rối, đập phá. Một người bình thường không thể trèo cột điện, leo tường, chạy quanh mái nhà… được như vậy”, ông Hà trình bày.

Theo ông Hồ Văn Lộc - Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Đồng Nai, cơ sở cai nghiện được thành lập vào ngày 10/10/2015. Hiện trung tâm có 1.481 học viên, trong đó 30% có tiền án tiền sự, 80% sử dụng ma túy đá. Trong khi chỉ có hơn 110 nhân viên, 44 bảo vệ.

“Nguyên nhân chủ yếu của những đợt quậy phá, trốn trại vừa qua là do một số học viên đòi thuốc và xin về không được nên kích động nhiều người cùng tham gia. Đây là những người có tiền án, tiền sự nên công tác vận động, khuyên giải gặp nhiều khó khăn”, ông Lộc nói và cho rằng, cơ sở chỉ là nơi chữa bệnh cũng khiến công tác quản lý còn nhiều e dè, đặc biệt là những vụ gây rối.

Bà Nguyễn Hòa Hiệp - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, cơ sở cai nghiện Xuân Phú thừa hưởng từ Trung tâm Giáo dục - Lao động và Xã hội trước đây chứ không phải xây lên chuyên môn cai nghiện nên còn nhiều vấn đề chưa phù hợp. “Hiện nay hàng rào tạm bợ, nhà cửa xuống cấp hết sức trầm trọng, trong khi số học viên lại tăng nhanh. Phòng ít nhất có hơn 20 học viên, nhiều nhất là hơn 40 người dẫn đến tâm lý bức bối”, bà Hiệp nhấn mạnh.

Theo bà Hiệp, UBND tỉnh cũng đã nhìn nhận được vấn đề bất cập này trước khi các vụ trốn trại xảy ra. “Chúng tôi đã phê duyệt 15 tỷ đồng xây mới 10 phòng ở cho các học viên. Sau sự cố trốn trại tháng trước, tỉnh chi thêm 3 tỷ đồng. Tuy nhiên cũng phải có thời gian, chứ không thể ngày một ngày hai xây xong được”, lãnh đạo này nói.

bo-truong-lao-dong-co-so-cai-nghien-qua-tai-vay-ai-ma-chiu-noi-29-073750

Một phòng được cho có đến 50 học viên ở. Ảnh: Phước Tuấn

Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, trong vụ gây rối sáng 7/11, lực lượng đã bắt giữ 103 học viên được cho là cầm đầu kích động đập phá, tấn công cảnh sát. “Chúng tôi đang sàng lọc các học viên này để xem xét có xử lý hình sự hay không. 3 người cầm đầu trong vụ đập phá kích động trốn trại hôm qua đã bị bắt”, lãnh đạo công an nói.

Trước đó, ngày 23/10, hơn 500 học viên ở đây cũng đập phá, tràn ra quốc lộ chặn ôtô, xe máy để xin tiền. Khi 80 học viên chưa được bắt về thì ngày 6/11, 133 học viên tiếp tục trốn, đến nay bắt về được 73 người. Hôm nay, hơn 500 học viên tập trung đập phá đòi được ra ngoài, công an phải nổ đạn cay trấn áp.

Chia sẻ

Bài viết

Theo VnExpress

Tin mới nhất