Đẹp

Biển quảng cáo xanh đỏ: Thương hiệu lớn bé thành 'cá mè một lứa'

Chia sẻ

Những thương hiệu, nhãn hàng lớn có thể trở nên héo mòn một cách oan ức trong sự đồng bộ như thời bao cấp, nhất là khi sự đầu tư sáng tạo ở những cái logo có khi đang là cả gia sản của doanh nghiệp.

Tháng trước có dịp được ghé thăm một nhà máy kĩ thuật lớn nhất tại Bắc Ninh, tôi khá bất ngờ khi tất cả quản lí và nhân viên của họ đều chỉ mặc duy nhất một kiểu đồng phục: nữ - hồng, nam - vàng. Vị Phó giám đốc điều hành chia sẻ rằng điều đó nhằm mang lại cảm giác “không phân biệt đẳng cấp” ở đây.

Thỉnh thoảng, tôi cũng thèm cái cảm giác một buổi sáng nhanh - gọn - nhẹ không cần phải nghĩ xem “hôm nay mình mặc gì” giống như hồi còn đi học phổ thông, bởi thứ duy nhất tôi được phép nghĩ tới lúc đó chỉ là bộ đồng phục.

Sự giống nhau tạo nên bình đẳng là điều tốt, nhưng có nên chăng đặt nó vào cả những biển hiệu doanh nghiệp để làm nên một con phố kiểu mẫu như những nhà quản lý đang mong đợi?

Lắp đặt biển hiệu “đồng phục” xanh đỏ trên phố Lê Trọng Tấn, Hà Nội - Ảnh: Nam Trần

Xã hội ngày càng phát triển, kéo theo đó con người ngày càng có nhiều lựa chọn. Sự đồng bộ quan niệm thẩm mĩ theo sắp đặt nhất định vô hình chung tạo nên một sự triệt tiêu, ngăn cản sự phát triển của xã hội, tước đi quyền chọn lựa của người dân cũng như làm mất đi sự sáng tạo trong việc xây dựng bộ nhận diện thương hiệu.

Sáng tạo chính là món quà quý giá mà hiện tại gửi tới tương lai. Vậy, việc thay đổi nếu không nhằm tới kết quả là để phát triển thì liệu nó nên được ủng hộ hay không? Đằng sau mong muốn xây dựng một tuyến phố kiểu mẫu ấy dường như không còn là câu chuyện về mỹ quan đô thị, mà nó hẳn là một câu chuyện lớn về quyền sáng tạo.

Khách hàng bị tước đi quyền lựa chọn, cảm thụ thẩm mỹ; các doanh nghiệp bị tước tham vọng được khẳng định mình trên thương trường. Những thương hiệu, nhãn hàng lớn có thể trở nên héo mòn một cách oan ức trong sự đồng bộ như thời bao cấp.

“Nhờ” vào tư duy cào bằng ấy mà biết bao doanh nghiệp từ lớn đến nhỏ trên đường Lê Trọng Tấn đang liêu xiêu giữa những bàn tán xôn xao của dư luận, nhưng điều họ cần là “khách hàng” thì chẳng thấy đâu bởi họ chẳng còn biết mặt mũi mình ra sao nữa rồi.

Có ý kiến cho rằng sự đồng bộ ấy là tốt bởi nó khiến các doanh nghiệp tập trung nhiều hơn vào việc xây dựng chất lượng chứ không cần lo đến khoản thiết kế logo, biển hiệu hào nhoáng bên ngoài. Nó là dẹp đi sự lổn nhổn chướng mắt của những biển hiệu lộn xộn như ta thường thấy trên các tuyến phố Hà Nội.

160518-xahoi2

Cộng đồng mạng vẽ lại toàn bộ bảng quảng cáo trên phố trung tâm New York để “hưởng ứng” quy định xanh đỏ trên một con phố Hà Nội

Nhưng nên chăng các nhà quản lý chỉ đưa ra những quy định về ngôn ngữ, kích cỡ, cách sử dụng hình ảnh của các doanh nghiệp, … để xây dựng một tuyến phố đồng bộ kiểu mẫu đẹp, văn minh nhưng không hề khuôn sáo, quy chuẩn như thời bao cấp.

Hiện nay, ở một khía cạnh khác so với những điều tích cực, thế giới đang lên án “nhân bản vô tính” dưới góc độ đạo đức, khi con người can thiệp quá sâu vào những điều tự nhiên. Nhắc đến điều này, ý tôi không nói rằng việc “nhân bản vô tính biển hiệu” là vô đạo đức, nhưng dường như đó là một quyết định chưa đúng đắn và có phần hấp tấp trong việc giải quyết của các nhà lãnh đạo theo lối thẩm mỹ chủ quan.

Câu chuyện “xanh đỏ” trên con phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn đã mang lại cho ta một bài học nghiêm túc về sự trông nhìn và thưởng thức. Thưởng thức cái đẹp mang tính cá nhân nhưng phải hướng tới cộng đồng. Trông nhìn về tương lai nhưng phải nhắm tới mục đích cuối cùng là hiệu quả và sự phát triển toàn diện.

Một xã hội có hướng tới cộng đồng, có phát triển toàn diện hay không thể hiện ở số đông tiếng nói của những người dân đầy thiện chí. Mong rằng xã hội ta ngày càng phát triển, hướng tới cái chân - thiện - mỹ nhiều hơn.

Chia sẻ

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất