Sắc màu Cuộc Sống

Bị tố cúi chào khách là chiêu quảng cáo, đại diện cây xăng Nhật nói gì?

Định Nguyễn
Chia sẻ

Trước phản ánh cho rằng, nhân viên cây xăng của Nhật chào hỏi khách chỉ là hình thức PR khi “sếp” giám sát, còn sau đó không chào hỏi, không đưa - nhận tiền bằng hai tay, đại diện cây Xăng của Nhật đã chính thức lên tiếng.

“Nhiều người dân còn ngại trước lời chào hỏi của chúng tôi”

Mới đây, hình ảnh ông Hiroaki Honjo - Tổng giám đốc Công ty Xăng dầu IQ8 tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội cúi đầu chào từng vị khách ra vào mua xăng đã nhận được sự quan tâm của nhiều người.

Ngoài vị Tổng giám đốc, nhân viên cây xăng cũng rất tận tình chào khách. Khi khách ra về, họ còn cúi gập người và luôn đưa - nhận tiền bằng cả hai bàn tay. Thái độ lịch sự này làm ai nấy đều ngạc nhiên vì từ trước tới nay, mỗi khi đi mua xăng, họ chưa từng được đối xử như thế.

Hình ảnh nhân viên cây xăng được cho không chào hỏi khách được chia sẻ lên mạng xã hội.

Thế nhưng mới đây, đoạn clip ngắn do một khách hàng vào mua xăng ghi lại đã cho thấy một hình ảnh cây xăng trái ngược so với những gì đẹp đẽ trước đó từng được cư dân mạng ca ngợi. Trong đoạn clip ngắn, nhân viên cây xăng không mặc đồng phục, không đưa - nhận tiền bằng hai tay và cũng chẳng thấy ông chủ đứng đó, dầm mưa mà chào khách.

Cùng với đoạn clip ghi nhận được, nickname này cho rằng những gì trước đó cây xăng này thể hiện, chỉ là một cách PR quá đà hoặc làm theo sự giám sát của cấp trên. “Phong cách người Nhật họ bán hàng niềm nở chào hỏi khách là có thật nhưng khi thuê nhân viên toàn người Việt, và khi có sếp Nhật ở đó, nhân viên cũng thực hiện tử tế lắm. Khi không có ai giám sát lại đâu vào đó…”, nickname này viết trên trang cá nhân.

Sáng 17/10, khi chúng tôi đến đây đổ xăng, nhân viên rất tận tình mời chào, hướng dẫn cho khách.

Trước khi khách xuống xe nhân viên cúi đầu chào.

Tìm hiểu sự việc, sáng 17/10, chúng tôi đã quay lại cây xăng trên. Khi chúng tôi có mặt, nhiều nhân viên cây xăng vẫn niềm nở chào hỏi khách hàng vào mua.

Nhân viên cây xăng Nguyễn Thị Ngọc Anh cho biết, việc chào hỏi khách là quy định chung. Cô cùng các nhân viên trước khi đứng bán xăng đều đã trải qua các khóa học đào tạo về cách đổ xăng, cung cách chào hỏi khách hàng kéo dài hơn 3 tháng.

“Chúng tôi luôn niềm nở với khách hàng, tuân thủ các quy định. Mới đầu cũng ngại khi chào hỏi nhưng lâu dần, đã hình thành cho mình thói quen và chúng tôi thực sự yêu thích công việc này”, Ngọc Anh nói.

Ngọc Anh, nhân viên cây xăng cho biết, ban đầu cô cũng e dè khi cúi đầu chào khách nhưng dần dần cũng quen và thấy yêu thích công việc này.

Trong ảnh, Ngọc Anh rất niềm nở với khách hàng vào mua xăng.

Trước khi khách ra về, cô cúi mình chào khách.

Anh Trần Văn Hạnh (một nhân viên khác tại cây xăng) cũng cho hay, bản thân đã quen với cách chào hỏi khách hàng.

“Mới đầu tôi chưa quen với văn hóa của người Nhật nhưng tiếp xúc nhiều, tôi thấy văn hóa của họ rất đáng để học tập. Có nhiều khách khi vào mua xăng thấy mình chào hỏi, họ nói đừng làm thế ngại lắm, người Việt mình vẫn cảm thấy ngại khi chúng tôi chào hỏi”, anh Hạnh chia sẻ.

Anh Hạnh cho biết, đôi lúc do khách quá đông nhân viên không cúi chào được nhưng vẫn nói câu chào hỏi đàng hoàng.

Trong ảnh nhân viên đang chào khách trước khi ra về.

Theo lời anh Hạnh, có những lúc đông khách hay vì nhân viên mệt mỏi, họ không thể chào hết được. Tuy nhiên, nhân viên vẫn không quên tỏ thái độ lịch sự và nói câu chào với khách.

“Khách đông có lúc chúng tôi không cúi đầu chào hết được nhưng vẫn chào khách bằng miệng. Trước đây tôi làm đầu bếp nhưng khi sang công việc này, tôi thấy yêu nghề hơn. Việc chào hỏi mọi người cũng khiến tôi thấy thoải mái”, anh Hạnh chia sẻ thêm.

Đại diện cây xăng: “Có lúc khách đông quá hoặc do nhân viên mệt nên không cúi chào được”

Trao đổi với chúng tôi, đại diện công ty thuộc trạm xăng Idemitsu Q8 cho rằng, việc cúi đầu chào khách là một trong những nét văn hóa đặc trưng của người Nhật. Hành động này thể hiện sự kính trọng đối với khách hàng.

Đại diện cây xăng cho rằng, hành động lau kính xe cho khách, cúi đầu chào khách là một trong những bước chăm sóc khách hàng của nhân viên chứ không phải “làm màu”.

“Tôi học được điều này từ Tổng Giám đốc công ty. Đi đâu, làm gì ông ấy cũng cúi chào khách hàng. Điều này thể hiện sự kính trọng đối với chính khách hàng của mình. Khách hàng là người trải nghiệm nên mọi đánh giá, hãy để khách hàng quyết định, khách vui vẻ thì những người phục vụ như chúng tôi cũng thấy vui” - vị đại diện này nói thêm.

Cũng theo vị đại diện này, hành động lau kính xe, cúi đầu chào… là những bước chăm sóc khách hàng của nhân viên, được thực hiện xuyên suốt chứ không phải để “làm màu”.

Được biết, trước khi đứng bán xăng cho khách, nhân viên trạm xăng này phải tham gia một khóa đào tạo chăm sóc khách bài bản với các bước cơ bản đạt chuẩn. Đó là: cúi chào khi khách hàng đến; Hỏi khách hàng về nhiên liệu, giá cả mua hàng, số lượng xăng cần mua; yêu cầu khách hàng tắt máy, mở nắp bình xăng; Mời khách kiểm tra đồng hồ; Bơm xăng đúng số lượng khách yêu cầu; Mời khách kiểm tra lại; Nhận tiền của khách; Cuối cùng là cảm ơn và chào khách.

Khi được hỏi về thông tin nhiều khách vào mua xăng nhưng nhân viên không cúi đầu chào hỏi, khác hẳn so với những ngày đầu khai trương, vị đại diện cho biết: “Quy tắc chào hỏi khách luôn được công ty đề cao vì tôn trọng khách hàng và thể hiện sự mến khách”.

Các nhân viên tại cây xăng được đào tạo bài bản trước khi đứng bán hàng.

“Tất cả nhân viên chúng tôi luôn nhắc nhau phải niềm nở với khách và chào hỏi tất cả mọi người khi họ đến mua xăng. Tuy nhiên, có thể có đôi lúc nhân viên mệt mỏi, cây xăng lại đông khách nên khó tránh khỏi thiếu sót. Chúng tôi sẽ nhắc nhở nhân viên, dần dần họ sẽ quen với cung cách phục vụ của người Nhật”, vị đại diện này thông tin.

Chia sẻ

Bài viết

Định Nguyễn

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất