Sắc màu Cuộc Sống

Bé gái bị 'mẹ kế' bạo hành tử vong: 'Một khi ngôn từ và sự tử tế không đủ, việc dạy dỗ trở thành bạo lực

Phương Linh
Chia sẻ

"Việc "dạy" ấy trở thành bạo lực một khi ngôn từ và sự tử tế của họ không đủ, từ đó dùng bạo lực là con đường ngắn nhất và nhanh nhất để đạt được mục tiêu về sự ngoan ngoãn, nghe lời', nhà báo Trương Anh Ngọc bàn luận về vụ việc bé gái 8 tuổi bị "mẹ kế" bạo hành đến tử vong gây phẫn nộ dư luận nhiều ngày qua.

Vụ việc bé gái 8 tuổi tại TP.HCM bị vợ sắp cưới của bố ruột bạo hành đến tử vong khiến dư luận không khỏi phẫn nộ. Nhiều ngày qua, trên các diễn đàn liên tục chia sẻ các thông tin xoay quanh vụ việc càng khiến người đọc thêm xót xa, đau lòng. Không ít các bậc phụ huynh có con nhỏ bày tỏ bức xúc, chửi rủa thậm tệ người phụ nữ máu lạnh, thả ga đánh đập một đứa trẻ mới chỉ 8 tuổi đến tử vong. 

Đáng căm phẫn hơn nữa, sự việc này đã diễn ra từ rất lâu, từ hơn một năm trước, đồng nghĩa với việc bé gái đã phải chịu đựng bao uất ức, đau đớn bởi người bé gọi là "Mẹ", dẫu không được người phụ nữ ấy sinh ra. 

Bé gái bị 'mẹ kế' bạo hành tử vong: 'Một khi ngôn từ và sự tử tế không đủ, việc dạy dỗ trở thành bạo lực Ảnh 1
Chân dung người phụ nữ đã hành hạ con gái riêng của chồng "hờ" đến tử vong

Có vô vàn cách dạy dỗ con trẻ nên người, cớ gì phải dùng đòn roi một cách tàn bạo như vậy? Lý do gì mà cả ông bố lẫn "mẹ kế" - hai con người đều có học thức, bề ngoài sáng sủa, lịch sự lại trở nên vô cảm và sẵn sàng dùng bạo lực chỉ để đạt được mục tiêu về sự ngoan ngoãn, nghe lời? Tất cả những điều này được nhà báo Trương Anh Ngọc lý giải và phân tích qua bài viết sâu sắc dưới đây!

"Lâu rồi, mấy năm trước, mình ngồi lặng đi khi xem clip về một con khỉ mẹ ngồi rất lâu bên cạnh xác của một con khỉ con, chết có lẽ cũng đã lâu. Khỉ mẹ cứ ngồi đó, và khóc.

Tình yêu thương mẹ đối với con, dù là con người hay động vật đều rất thiêng liêng và không cần phải lý giải. Mình luôn tin rằng, bất cứ ông bố bà mẹ nào cũng sẽ cảm thấy xót xa nếu con mình bị tổn thương về thể xác hoặc tinh thần. Không thương sao được, đấy là con mình đẻ ra mà.

Những ngày cuối năm, đọc tin tức về cháu bé 8 tuổi bị bạo hành đến chết ngay trong gia đình mà xót xa vô cùng. Báo chí đã nói nhiều về sự kiện ấy, nhiều người cũng đã viết về sự tàn bạo với cháu của người phụ nữ sống với bố đẻ của bé. Sự lên án là dễ hiểu. 

Người ta bị sốc bởi những trận đòn ấy diễn ra trước mắt bố đẻ cháu bé, một trí thức. Người ta sốc bởi chuyện đó xảy ra hơn một năm rồi mà không ai can thiệp. Người ta sốc dù báo chí đã từng đề cập và cảnh báo về các vụ bạo hành trong gia đình với phụ nữ và trẻ em thời đại dịch tăng cao.

Trước bé gái 8 tuổi ở Sài Gòn, đã có một bé trai 6 tuổi ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội, tử vong hồi tháng 9/2021 vì lý do tương tự. Và còn biết bao nhiêu câu chuyện thương tâm khác với những đứa trẻ và phụ nữ trong bốn bức tường gia đình mà không ai biết, đơn giản bởi vì không có tử vong, và vì không có thiệt mạng, nên không lên báo!

Bé gái bị 'mẹ kế' bạo hành tử vong: 'Một khi ngôn từ và sự tử tế không đủ, việc dạy dỗ trở thành bạo lực Ảnh 2
Lý do gì khiến cả bố ruột lẫn "mẹ kế" của bé gái lại trở nên vô cảm, sẵn sàng dùng bạo lực để thỏa mãn mục tiêu làm bé ngoan ngoãn, nghe lời?

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ký Công ước về quyền trẻ em của LHQ (1989), trong đó có những quyền cơ bản như quyền được trợ giúp ngay lập tức trong trường hợp khẩn cấp và thảm họa, và được bảo vệ khỏi sự tàn ác, bỏ bê, lạm dụng, khai thác và bách hại; quyền có một gia đình, được sự chăm sóc của cha mẹ và có một chỗ trú ngụ an toàn... 

Đã có rất nhiều nỗ lực của chính phủ và các tổ chức trong nước và quốc tế trong việc áp dụng công ước ấy. Nhưng những vụ bạo hành với trẻ vẫn xảy ra, và đa phần chúng ta thường chỉ phẫn nộ mỗi khi có những cháu bé thiệt mạng.

Câu "dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về" được những người đàn ông gia trưởng và được chính bố mẹ họ nhồi nhét tư tưởng "dạy dỗ" coi như kim chỉ nam. Việc "dạy" ấy trở thành bạo lực một khi ngôn từ và sự tử tế của họ không đủ, từ đó dùng bạo lực là con đường ngắn nhất và nhanh nhất để đạt được mục tiêu về sự ngoan ngoãn, nghe lời.

Con người ta thường trở nên vô cảm hoặc bạo lực trước đồng loại khi chính họ hoặc được dạy rằng bạo lực là cần thiết, hoặc đã là nạn nhân của chính cách giáo dục ấy trong gia đình mình. Hoặc cũng có thể, họ đã chứng kiến những kẻ bạo hành chính con cái mình mà không bị trừng phạt..."

Chia sẻ

Bài viết

Phương Linh

Tin mới nhất