Sắc màu Cuộc Sống

Bác sĩ ‘đẹp như trai Hàn’ kể chuyện dở khóc dở cười khi đỡ đẻ cho sản phụ

Định Nguyễn
Chia sẻ

Trong suốt 12 năm theo ngành y, bác sĩ Trần Vũ Quang còn nhớ như in lần đầu tiên tham gia đỡ đẻ, tay chân run như sốt rét vì hồi hộp, lo lắng. Trong từng nấy năm, anh cũng gặp không ít tình huống dở khóc, dở cười.

Sản phụ đòi “đổi, ngại đẻ” vì bác sĩ quá đẹp trai

Nhiều năm nay, chị em và người nhà bệnh nhân vào Khoa sản bệnh lý, Bệnh viện Phụ sản Trung ương ắt hẳn không xa lạ gì với bác sĩ Trần Vũ Quang (31 tuổi) hiện đang làm việc tại đây. Có ngoại hình điển trai như diễn viên Hàn Quốc, nên bác sĩ Quang dễ thu hút mọi người ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Người ta vẫn thường gọi vui anh là “bác sĩ hot boy”, “bác sĩ đẹp như trai Hàn”. Cũng chính vì vẻ ngoài đặc biệt của mình mà trong 12 năm gắn bó với ngành y và 7 năm gắn bó với sản khoa, vị bác sĩ này cũng gặp không ít tình huống dở khóc, dở cười.

Bác sĩ Trần Vũ Quang được nhiều gọi vui là “bác sĩ hot boy, bác sĩ đẹp trai”.

Nở nụ cười hiền, bác sĩ Quang cho biết, anh đến với nghề như một cái duyên vì từ nhỏ rất yêu thích môn sinh học và sinh lý, giải phẫu. Với thành tích học tập xuất sắc, anh được tuyển thẳng vào trường Đại học Y Hà Nội. Học tập với các thầy cô giỏi đầu ngành đã thổi thêm đam mê với ngành y trong anh. Với anh, giúp được nhiều người bệnh là niềm vui không gì sánh bằng.

“Từ thời sinh viên mình đã yêu thích trẻ con và thích được ngắm nhìn niềm vui gia đình khi đón nhận các thiên thần ra đời. Vậy nên mình chọn ngành sản. Nhiều người ngoài ngành nghĩ bác sĩ sản chỉ có đỡ đẻ tuy nhiên thực tế bác sĩ sản làm được rất nhiều chuyên môn khác, tương tự như một bác sĩ ngoại khoa và cận lâm sàng. Điều đó khiến mình rất thích khi được thể hiện năng lực trên nhiều lĩnh vực. Khi ra trường, mình may mắn được làm việc ở tuyến trung ương nên được tiếp xúc với nhiều kiến thức và kinh nghiệm lâm sàng quý báu”, bác sĩ Quang chia sẻ.

12 năm theo ngành y và gắn bó với sản khoa, bác sĩ Quang đã gặp phải nhiều tình huống dở khóc dở cười.

Theo bác sĩ Quang, nhiều bệnh nhân là phụ nữ đặc biệt là các thiếu nữ chưa chồng đều có chung tâm lý ngại ngùng, xấu hổ khi thấy bác sĩ trẻ, khác giới khám… phụ khoa. Nhiều người bỏ chạy không dám khám tiếp, người hốt hoảng vùng dậy che khăn nhất định đòi đổi bác sĩ bằng được.

“Có lần tôi còn bị sản phụ nhầm tưởng là diễn viên và phòng khám được mượn làm bối cảnh trong phim nên nhất định không chịu hợp tác. Bi hài nhất là có sản phụ lên bàn đẻ, có dấu hiệu chuyển dạ, đau đến chảy nước mắt vẫn cầu xin bác sĩ ‘không đẻ nữa với lý do ‘ngại bác sĩ nam không đẻ được’”, bác sĩ Quang cười nói.

Bác sĩ Quang kể có nhiều sản phụ ngại khám, xấu hổ khi biết bác sĩ là nam.

Thậm chí, nhiều chị em phản ứng không cho bác sĩ nam khám theo dõi chuyển dạ. Đối với những trường hợp này, bác sĩ Vũ Quang thường phải giải thích, đôi khi anh phải giới thiệu rõ chức danh, kinh nghiệm công tác để họ yên tâm.

“Là bác sĩ nam lại khám sản khoa nên cũng có những vấn đề nhạy cảm, tế nhị. Nếu mình không có tác phong chuyên nghiệp thì dễ khiến người bệnh lo lắng, không yên tâm khám chữa bệnh”, bác sĩ Quang nói.

Những cảm xúc nghẹn ngào, hạnh phúc của bác sĩ “hot boy”

Bác sĩ Quang kể, dù đã 12 năm vào nghề, đỡ đẻ cho hàng nghìn ca nhưng mỗi khi nhớ lại anh vẫn không thể quên được kỷ niệm đáng nhớ khi mới bước chân vào nghề. Lần đó, anh trực phòng khám cấp cứu của bệnh viện, tiếp nhận một sản phụ có dấu hiệu chuyển dạ đến từ Phú Thọ. Khi vừa vào phòng khám, bệnh nhân này bất ngờ đau bụng dữ dội và nước ối trào ra rất nhiều.

Ngoài công việc, bác sĩ Quang có đam mê, sở thích chụp ảnh.

“Tôi khám thì đã thấy dây rốn của thai nhi sa vào âm đạo, tôi cảm nhận rõ dây rau còn đang đập trong tay. Trong giây phút cấp bách đó, cả ekip quyết định phải đưa sản phụ lên bàn mổ lấy thai nhi ngay lập tức. Tuy nhiên, quãng đường từ phòng khám đến phòng mổ cấp cứu khá xa, để tránh tình trạng tụt, chèn ép vào dây rốn, gây tai biến, tôi vẫn phải để bàn tay trong âm đạo sản phụ đồng thời lấy chiếc chăn trùm lên che phần nhạy cảm khi di chuyển”, bác sĩ Quang chia sẻ.

Tuổi đời còn rất trẻ lại làm công việc khá nhạy cảm nên bạn bè Quang thường trêu trọc anh rằng “làm ở đây đồng nghĩa với việc biết hết những bí mật thâm sâu nhất của chị em phụ nữ”. Làm lâu ngày có thể sẽ khiến cảm xúc bị chai lỳ, không còn sự thu hút giới tính nữa. Anh cười cho biết, cũng có thể vì suy nghĩ đó mà nhiều người phụ nữ khi nghe anh giới thiệu công việc đều ngại ngần, e dè.

Bác sĩ cho biết, anh vui và hạnh phúc với nghề khi nhìn thấy các em bé chào đời.

“Có lẽ vì thế mà cho đến giờ mình vẫn độc thân và các bác sĩ nam làm công việc này có một truyền thống lập gia đình rất muộn”, Quang cười tươi nói. Anh cho hay, đến bây giờ cảm giác xấu hổ, ngại ngùng của những ngày đầu khi mới bước chân vào nghề đã không còn. So với bác sĩ nữ, bác sĩ nam làm sản khoa có lợi thế hơn ở sức khỏe tốt, sự bền bỉ trong công việc, đặc biệt có thể làm tăng ca và chịu được áp lực, vất vả tốt hơn.

Dù vất vả khó khăn nhưng với anh, công việc này cũng mang đến nhiều cung bậc cảm xúc và hạnh phúc khi chứng kiến giây phút thiêng liêng của những em bé chào đời. Đó là niềm vui mừng như vỡ òa của những người bố, người mẹ khi lần đầu tiên được trông thấy thiên thần bé nhỏ của mình.

“Đỡ đẻ xong, được nghe các em khóc, có em túm chặt tay bác sĩ, từng bàn tay nhỏ bé đáng yêu vô cùng. Thấy mẹ tròn con vuông chúng tôi mới thở phào nhẹ nhỏm, khoảng khắc nào cũng khiến tôi rất xúc động, hạnh phúc. Cho đến bây giờ, nhiều ca được tôi đỡ thành công vẫn giữ liên lạc thậm chí có đứa trẻ còn gọi mình là cha đỡ đầu khiến tôi rất vui, đây có lẽ là hạnh phúc mà không phải công việc nào cũng mang lại được”, bác sĩ Quang chia sẻ thêm.

Chia sẻ

Bài viết

Định Nguyễn

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất