Sắc màu Cuộc Sống

Bà Ngoại tuổi 33: Mẹ toan bán thận, con gái 10 tuổi xin đi bán vé số để gồng gánh gia đình 8 người

Huy Hậu
Chia sẻ

Ai ngờ đâu, người phụ nữ chỉ mới ngoài 30 như Vui, trong lúc còn đang mang thai đứa con của mình, đã bất đắc dĩ lên chức bà Ngoại. Vui không biết nên vui hay phải buồn?

“Ba má nuôi đặt tên chị là Vui, chớ cưng thấy đời chị vui chỗ nào hông? Chưa được 1 tuổi thì đã bị vứt ngoài đường ray xe lửa. 16 tuổi phải nghỉ học để đi kiếm tiền phụ nhà.

Rồi bữa buồn buồn xách xe đạp đi dạo, mới gặp ông xã. Cứ ngỡ có chồng-có con-có gia đình là mãn nguyện rồi. Vậy mà, đang lúc chị mang thai thì cũng lại là lúc lên chức bà Ngoại. Cưng có thấy vui chỗ nào hông cưng?” - Vui nói, giọng đứt quãng.

Đồng hồ kéo nhanh đến kim 18h. Vui vội vội vàng vàng gói ghém lại câu chuyện, rồi lẽo đẽo 25m xe đạp ra khỏi hẻm, nhấc thêm bé Na (10 tuổi) ngồi sau, 2 mẹ con đi giúp việc nhà.

Ngoài trời đã nhập nhoẹ tối, người người Sài Gòn vội vã trở về kịp buổi cơm. Trong căn phòng trọ, những đứa con Vui vẫn đang chạy nhảy, cười đùa, tiếng líu lo như chim non. Nhưng bụng chúng thì đói meo.

Đời đặt chị tên Vui, mà đời chị có vui được chút nào!

Lên chức bà Ngoại “bất đắc dĩ” ở tuổi 33 

Trước khi tôi kể chuyện đời Vui, tôi xin mạn phép vẽ sơ bộ sơ đồ đại gia đình nhà Vui, cho mọi người dễ hình dung. Vì những đứa trẻ cận tuổi, nhiều tên nên mọi người dễ nhầm không biết ai con Vui, ai cháu Vui. Suốt buổi phỏng vấn, tôi còn kêu lên loạn xạ, cuối cùng đành dùng từ “ấy ơi” để gọi tất cả.

Chị Vui (36 tuổi) và chồng - anh Bảo (37 tuổi), có 4 mụn con gái: H. (19 tuổi), Diệu Na (10 tuổi), Yến Nhi (3 tuổi) và Trà My (5 tháng tuổi), cùng sống với người mẹ chồng năm nay 60 tuổi. Năm 16 tuổi, H. mang thai đứa con gái, đặt tên Tường Vy. Gia đình Vui như thế có hết thảy 8 người, sống chen chúc trong căn trọ 25m2, tính cả gác.

Ở tuổi 33, Vui chưa bao giờ nghĩ mình sẽ lên chức bà Ngoại.

Tréo ngeo thì đời Vui đã tréo ngeo từ lúc vừa lọt lòng rồi. Năm ấy, chưa đầy 1 tuổi, Vui đã bị ba mẹ bỏ lạnh lẽo ở ngoài đường. Thế rồi, có ông bà nhà nghèo thấy động lòng thương mà nhặt về nuôi. Họ đặt tên cho chị là Vui, hổng biết có ý gì nhưng chắc để đời chị có thêm phần tươi sáng về sau.

“Nhà ba má nuôi chẳng khá giả gì, còn phải gồng gánh nuôi những 3 đứa con, nên chị đâu được đi học. Đến năm 16 tuổi thì chị bắt đầu đi làm, kiếm tiền phụ ba mẹ rồi…”

Nhưng ba má nuôi thì bù đắp cách mấy cũng chẳng làm Vui quên đi vết sẹo con rớt trong lòng. Chiều chiều, chị hay một mình xách xe đạp đi dạo lòng vòng cho đỡ buồn. Chợt ngày nọ, có chàng thợ hồ thấy chị phúc hậu, dễ thương mà đem lòng yêu mến.

Vui năm đó có 16 tuổi chớ nhiêu, vậy mà đã có chồng. Không kết hôn, không đám cưới, cả 2 cứ dắt tay nhau về chung mái nhà là xong. Ngày ngày chồng đi phụ hồ, vợ giúp việc nhà cho người ta, cơm cà mắm muối nhưng thương yêu. Mười mấy năm trôi qua, họ có thêm 2 mụn con gái.

“Chị có thai trước nên lúc về nói ba má, ba má buồn lắm. Nhưng cũng ráng sắp xếp cho chị theo chồng đàng hoàng. Từ B, chị chuyển sang nhà chồng ở, ba má chồng ai cũng thương yêu. Cuộc sống êm đẹp vậy, chị cũng chẳng mong gì hơn.”

Yến Nhi (3 tuổi) mỗi ngày vẫn chỉ quanh quẩn chơi trong xóm trọ.

Diệu Na (10 tuổi), Yến Nhi (3 tuổi) chơi đùa cùng nhau.

Trà My, đứa con út vẫn còn phải bú sữa mỗi ngày.

Cách đây 3 năm, Vui tiếp tục mang thai đứa con thứ 3 trong niềm vui mừng của gia đình. Bầu lớn, chị vẫn cố gượng cùng con gái đi phụ việc nhà. Vậy mà, lúc leo cầu thang, H. chóng mặt rồi ói mật xanh. Vui tưởng con trúng gió, trở trời đau bụng nên thuốc thang đủ đường. Mãi cho tới lúc vào bệnh viên Gia Định, bác sĩ gặn: Thai bự quá rồi.

Hai mẹ con ôm 2 bụng bầu, khóc rưng rưng.

“Biết làm sao được? Con cháu mình sao mình nỡ tự tay bỏ. H. nó khóc dữ lắm. Nó kể: Tối hôm, có qua phòng cậu bạn trai chơi, uống ly nước cậu bạn trai mời. Ai ngờ đâu, lúc tỉnh dậy, gã xấu xa kia đã bỏ H. lại một mình. Hắn trốn đi biệt tăm, không biết nhà biết cửa, biết ba mẹ hắn ở đâu mà bắt đền. 

Thôi thì H. ở với chị, chị nuôi H. được thì nuôi thêm con H. có làm sao đâu. Đừng bỏ đứa nhỏ mà tội nghiệp…” - chị nhớ lại. Nói xong, H. ôm mẹ, khóc cạn dòng.

Năm 16 tuổi, H. lại mang thai Tương Vy. Cô gái vẫn luôn mặc cảm vì những sai lầm quá khứ ấy.

Bởi ai ngờ đâu, người phụ nữ chỉ mới ngoài 30 như Vui, trong lúc còn đang mang thai đứa con của mình, đã bất đắc dĩ lên chức Ngoại như thế. Vui không biết nên vui hay phải buồn?

Đến cả khi sinh con ra, bụng vẫn còn đau âm ĩ, chị đã phải trường dậy để giặt từng cái quần cái áo, nấu từng miếng cháo mớ rau… nuôi con gái đẻ đứa con đầu lòng. Chuyện tréo ngeo, Vui tự nuốt nước mắt chịu đựng. Cứ thế, chị vừa địu con mình, lại bồng bế thêm đứa cháu trong lòng.

“Cưng biết chị sợ nhất gì không? Chị sợ nhất những lúc chị đau ốm. Vì chị mà ngã xuống, cả cái nhà này sẽ sẽ nhịn đói, con cái chị lấy gì để sống? Nên dù có đau cách mấy, buồn cách mấy chị vẫn phải đứng dậy, dắt xe đi làm mỗi ngày…” - chị kể.

Căn nhà trọ nheo nhóc hết thảy 8 con người.

Mẹ toan bán thận, con gái 10 tuổi xin đi bán vé số để nuôi gia đình

Bi kịch cách mấy, Vui cũng từng chút một chịu đựng. Kể cả lúc vừa lọt lòng, ba má chị còn nhẫn tâm bỏ chị rồi thì còn gì hơn! Vui cứ nghĩ thế mà cắn răng nuôi đàn con và cháu gái. Vậy mà, biến cố này chưa dứt thì cái khác đã ập tới dữ dội.

“Mấy tháng trước, anh Bảo lên cơn lao nặng. Lo sợ lây bệnh cho con, anh đành ra khỏi nhà, lang thang khắp nơi để sống qua ngày. Nhớ con lắm, anh cũng đâu dám gặp mặt con, tụi nhỏ thì nhớ ba mà khóc mãi không thôi”.

Giờ đây, trụ cột gia đình cũng ngã quỵ để Vui bơ vơ lại một mình. Nhiều đêm, chị khóc.

Mỗi ngày chị Vui đi làm, Na vẫn cùng Nội phụ chăm mấy em nhỏ.

Rồi có người mách chị đi bán thận để có tiền nuôi con, chị nhắm mắt xuôi tay đồng thuận. “Chị với H. lên tới bệnh viện để gặp người ta giao thận rồi. Lúc ngồi băng đá, H. nó mới gào khóc, bảo chị mà có chuyện gì thì nó, mấy em và cháu biết sống làm sao? Chị đứt ruột, mới thôi ý nghĩ đó”.

Trở về căn trọ, bao lo toan tiền bạc, cơm áo, gạo sữa… lại ập lên đầu. Có hôm, chị nhìn đứa con út 5 tháng tuổi đang khóc vòi sữa, chị nói: “Mẹ cho con đi nhé, gặp nhà khác giàu hơn, con còn có tương lai”. 

Vậy mà, hôm người ta qua nhà, mới ẵm đứa nhỏ trên tay, mấy đứa con chị (19 tuổi, 10 tuổi, 3 tuổi) đã oà khóc. Chúng níu chân khách, giữ tay em, hứa với mẹ sẽ chăm ngoan, ăn ít lại để nhường phần nuôi em. “Thôi thì có cháo ăn cháo, có rau húp rau, chị không cho con cho nhà giàu nữa” - chị nói.

Mới 10 tuổi nhưng nó đã ôm em, chăm em gọn ơ.

Khổ quá, nghèo quá,… làm chúng già dặn đi, kiệm lời hẳn, chỉ còn những lo toan!

Cái mùi nghèo đói, túng thiếu, bệnh tật… hoà vào mùi đường sữa pha loãng, mùi tã lót cũ mềm… cứ thấm dần vào từng ngõ ngách căn phòng trọ. Đậm đặc trên người Vui, nặng nề và mệt nhọc. Nhiều lần vừa dắt xe ra khỏi nhà đi làm, chị đã khóc nấc lên. Nhưng sợ ngã quỵ, chị lại tự lau nước mắt đi tiếp.

Bé Na thấy vậy mà thương mẹ vô cùng. Tự lúc 7 tuổi, nó đã học cách trông em, nấu cơm, giặt đồ,… rồi lẽo đẽo theo mẹ đi giúp việc nhà cho người ta. Nó chưa từng vòi mẹ quần áo mới, đến trường với các bạn. Đi đâu về cũng cắp theo món đồ chơi: cây bút gảy, con búp bê mất tóc, chiếc ô tô cũ,… cho em.

“Bữa gần đây, Na còn bảo với chị: Ước gì có ai cho con 100 tờ vé số, Tết con đi bán phụ mẹ. Chị ôm nó vào lòng mà khóc.” - chị nhớ lại.

Mấy đứa trẻ nheo nhóc của Vui từng ngày từng ngay lớn lên trong cái nghèo, cái đói như thế! Đứa kia chưa kịp dứt sữa, đứa nhỏ đã ẵm bồng trên tay. Cuộc sống chúng quẩn quanh trong con hẻm nhỏ, ở xóm nghèo, và giữa Sài Gòn người người xa lạ.

Khổ quá, nghèo quá,… làm chúng già dặn đi, kiệm lời hẳn, chỉ còn những lo toan!

Chị chỉ muốn có một chỗ ở ổn định để che nắng che mưa, chớ tụi nhỏ nhà chị ồn ào nên đi đâu người ta cũng đuổi, mẹ con chị phải chuyển chỗ đi hoài. Chị ước bao nhiêu thôi, rồi chết cũng mãn nguyện.

- Na có ước mơ gì hông con? 

- Con muốn được đến trường, con mê học lắm chú, mà hổng biết đến bao giờ?

- Yến Nhi có ước mơ gì hông con? 

- Con muốn mẹ dẫn con đi chơi đu quay, vui lắm chú!

- Còn chị Vui, chị có ước mơ gì hông?

- Chị chỉ muốn có một chỗ ở ổn định để che nắng che mưa, chớ tụi nhỏ nhà chị ồn ào nên đi đâu người ta cũng đuổi, mẹ con chị phải chuyển chỗ đi hoài. Chị ước bao nhiêu thôi, rồi chết cũng mãn nguyện.

Nhiều năm nay, một mình chị Trương Thanh Vui vẫn phải gồng gánh nuôi mẹ già, người chồng bệnh nặng, và hết thảy 5 đứa con lẫn cháu nhỏ. Trước hoàn cảnh đáng thương như thế, chúng tôi mong muốn những mạnh thường quân có thể dang rộng vòng tay để giúp đỡ chị phần nào trong cuộc sống.

Mọi đóng góp xin liên hệ số điện thoại: 0384.727.672, gặp chị Trương Thanh Vui.

Hoặc liên hệ trực tiếp tại địa chỉ xóm trọ nơi chị Vui ở: số 97, HT 17, khu phố 2, phường. Hiệp Thành, Q.12, TP.HCM

Chúng tôi xin chân thành cảm ơn!

Chia sẻ

Bài viết

Huy Hậu

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất