Sắc màu Cuộc Sống

Bà cụ hơn 75 năm khao khát tìm lại gia đình khi bị bán ở cổng chợ vì nạn đói năm 1945: 'Con đi thì được sướng, không phải đói khổ'

Định Nguyễn
Chia sẻ

Suốt hơn 75 năm qua kể từ khi thất lạc người thân bà Nguyễn Thị Hoè không nhớ nổi mình quê ở đâu, bà chỉ nhớ rằng vì quá đói khát cha mẹ đành bán mình cho địa chủ rồi day dứt nói: “Con đi thì được sướng, không phải đói khổ nữa”.

Bé gái bị bán ở cổng chợ với giá 2 hào vì nạn đói kinh hoàng 

Nằm sâu trong ngõ nhỏ ở tổ dân phố Văn Trì 4, phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội là ngôi nhà của vợ chồng bà Nguyễn Thị Hoè (83 tuổi) đang sống cùng người con gái cả. Suốt hơn 75 năm qua, bà Hoè luôn canh cánh và trăn trở trong lòng với hy vọng tìm kiếm được người thân thất lạc trong nạn đói kinh hoàng năm xưa.

Suốt hơn 75 năm qua, bà Hoè luôn mong muốn tìm được người thân bị thất lạc.

Bà Hoè hiện đang ở cùng con gái ở tổ dân phố Văn Trì 4.

Từ cuối năm 1944 đến tháng 5/1945, nạn đói lan khắp các tỉnh miền Bắc khiến hơn 2 triệu người phải bỏ mạng. Trong tâm trí bà Hoè ngày đó thật kinh hoàng, đâu đâu, làng xóm nào liên tục có người chết, ai nấy đều gầy còm đến trơ xương…

Hiện tại dù cuộc sống đã sung túc, con cháu quây quần xung quanh nhưng bao năm qua bà Hoè luôn chất chứa trong lòng nhiều tâm tư. Ký ức về ngày ly tán cha mẹ trong nạn đói kinh hoàng năm xưa luôn in hằn trong lòng bà. Hồi đó bà Hoè chỉ nhớ tên mình là Hải, con thứ 3 trong gia đình có 4 chị em (trên có 2 chị gái tên Phú - Phí tầm 14-15 tuổi, dưới có em trai 3 tuổi tên Tám).

Bà Hoè kể lại ký ức ngày bị bán cho địa chủ vì nghèo đói.

Thời bấy giờ không có gì ăn, cái đói khổ cứ thế vây bám lên gia đình nghèo khổ. Nhà không có cám mà ăn nói gì đến gạo. Bà Hoè hằng ngày đi nhặt rau sam luộc ăn. Nỗi khao khát một bữa cơm luôn hiện hữu trong đầu cô bé chưa đầy 5 tuổi khi ấy.

Ngày nào cũng có người đến nhà đòi nợ. Đến một hôm, ông bố thợ mộc và người mẹ bán ngoài chợ biết không thể ở lại làng. Cặp vợ chồng cùng 4 con nhỏ đã bỏ trốn, rời khỏi quê hương trong đêm.

Năm 1945 xảy ra nạn đói kinh hoàng khiến không ít người tử vong. Ảnh tư liệu

Người cha gồng lưng vác hộp lớn đựng đồ nghề. Hai con gái lớn là Phú và Phí gánh xoong nồi, quần áo. Người mẹ một tay bế con trai út lúc đó còn bú, một tay dắt Hải. Cả nhà cứ thế đi bộ theo đường tàu suốt ngày đêm. Trên đường, người chết đói nằm la liệt.

“Tôi không nhớ nổi mình đã đi qua những đâu. Đi tới đâu thấy quán cơm tôi cũng đòi cơm nhưng thầy (bố) bảo không có đồng nào. Em trai tôi lúc đó cũng quấy khóc vì đói, nó khát sữa nhưng bu (mẹ) cũng đói thì lấy đâu ra sữa. Cả nhà đi bộ trong cực khổ rồi bước đến khu vực cổng chợ Nhổn (thuộc quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) ngày nay thì tôi không thể đi được nữa”, bà Hoè hồi ức lại.

Khu vực đường nơi trước đây bà Hoè bị bán cho địa chủ.

Cô bé Hải bấy giờ được một nữ địa chủ tên Thịnh ở làng Kiều Mai hỏi mua. Nghe tin mình bị bán, Hải níu chân bố gào khóc: “Thầy ơi, con không đi đâu”. Người cha dù đau đớn như đứt từng khúc ruột những vẫn cố gỡ tay con gái bảo: “Con đi thì được sướng, không phải đói khổ nữa”.

Người phụ nữ nhét vào tay cha Hải hai hào màu xanh, kéo đứa con thứ ba của ông về nhà. Mẹ Hải khi đó nhìn con rồi bật khóc. Cái đói quá khủng khiếp nên họ phải bất lực chứng kiến cảnh đứa con gái của mình phải bán cho người khác. “Giá mà hồi đó tôi không đòi bố mẹ vào quán ăn cơm thì có khi tôi không phải chịu cảnh bị bán như vậy”, bà trăn trở.

Nỗi day dứt kiếm tìm người thân những ngày cuối đời

Hải sau đó bước lên xe kéo đi cùng nữ địa chủ về nhà. Cái tên Nguyễn Thị Hòe là do người mua đặt. Khi về nhà mới, Hoè không phải làm gì và được nhận làm con nuôi. Thế nhưng không lâu sau đó, vì bị bệnh tả và lo sợ ảnh hưởng đến tính mạng nên bà được đem cho một gia đình cụ Miên là địa chủ ở làng Văn Trì. Về làm con sen nhà địa chủ, hàng ngày Hòe được giao nhiệm vụ quét sân, vườn.

Bà Hoè không thể nhớ mình ở tỉnh nào vì hồi bị bán còn quá bé.

“Chiều nào nghe tiếng chim kêu trên cây lòng tôi đầy trĩu nặng, nước mắt tuôn ra không ngừng. Tôi vẫn nhớ như in ngôi nhà của mình đã ở. Chỉ đáng tiếc tôi lại không thể nhớ mình ở đâu, nơi nào. Mỗi lần mẹ đi chợ về, tôi lại hỏi ‘Nay bu đi chợ gì?’, hôm thì bu bảo 'chợ Cầu’, hôm thì nói ‘đi chợ Đồn hoặc chợ Cồn. Tôi còn nhớ có người hàng xóm tên Tuân, con gái ông tên Xế. Xung quanh nhà tôi trồng nhiều củ ấu. Giá như hồi đó tôi biết được quê hương của mình ở đâu thì tốt biết bao”, bà Hoè rưng rưng.

Lên 20 tuổi bà Hoè lập gia đình rồi sống bằng nghề làm ruộng được năm người con (trong đó 4 người con trai, 1 người con gái). Khi các con trưởng thành bà Hoè kể về những hồi ức của mình rồi bày tỏ mong muốn chia sẻ lên mạng xã hội, đài phát thanh… với mong muốn có tia hy vọng tìm kiếm người thân.

Bà vẫn luôn chắp tay hy vọng một tia hy vọng ngày nào đó sẽ có cơ hội tìm được người thân yêu của mình.

Anh Vương Duy Sáng (con trai út của bà Hoè), cho biết, đã hơn 75 năm trôi qua, chính vì không tìm được người thân nên khuôn mặt mẹ mình luôn buồn bã. Nhiều năm qua, anh Sáng cũng đi nhiều tỉnh từ Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định… nơi có củ ấu, có chợ Cầu, chợ Đồn, chợ Cồn tìm người thân cho mẹ.

Anh Sáng cũng phát tờ rơi ở một số tỉnh và đến các phường xã nhờ phát loa truyền thanh giúp đỡ. Anh Sáng nhận được hàng trăm cuộc điện thoại của người lạ thế nhưng đối chiếu lại thì mọi hy vọng lại chợt vụt tắt.

Với bà Hoè ở tuổi xế chiều luôn khát khao một ngày nào đó tìm được người thân nhưng bà cũng lo sợ rằng các chị em của mình không còn nữa. Bà cũng từng suy nghĩ nạn đói kinh hoàng năm ấy liệu rằng người thân của mình có thể vượt qua được không. Vậy nhưng, khát khao một ngày nào đó tìm được máu thịt luôn cháy âm ỉ trong lòng bà lão.

Chia sẻ

Bài viết

Định Nguyễn

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất