Tết ‘giàu có’ như cậu Ba, chú Bảy Sài Gòn: Nhảy múa 'điên khùng' kiếm tiền nuôi con, tự tạo Tết trên chiếc xe di động

Người ta hay nói: Sài Gòn làm gì có Tết. Sài Gòn là đất du nhập dân tứ phương, chẳng phải quê hương của ai cả thì làm gì có Tết?

Bài viết Huy Hậu
Chia sẻ

Tôi mỉm cười: Có chớ! Tết Sài Gòn ở trong từng con hẻm, góc đường ta qua, là cậu Ba, chú Bảy, dì Chín ta gặp ngày ngày… chỉ có điều, ta chưa từng nhận ra thôi!

Mãi đến khi ngang đi qua góc đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.3, TP.HCM), cố chen chân vào dòng người ken đặc, méo mặt vì khói bụi, tiếng còi inh ỏi, cái nắng đổ lửa.

Tự nhiên bên kia đường, tiếng nhạc xuân vang lên: Tết…Tết…Tết… Tết đến rồi… vang lên, một ông địa bụng bự, mặc áo dài đỏ, đi giày đỏ, đứng cạnh chiếc loa, vừa lắc lư nhảy múa vừa hô vang: Kinh chúc tân xuân nhà nhà vui vẻ, ai ở quê xa về ăn Tết sớm nghen!

Thắng bé ngồi trên xe bỗng cười vang, nó cố khều tay mẹ cùng nhìn, rồi cả hai mẹ con vẫy tay theo nhạc. Anh công nhân nhả tiếng còi, nép sát lề đường mua bịch cốm mới. Ai cũng bảo: Khùng dữ hen, cơ mà vui, rồi cùng ông địa nhảy múa tưng bừng. Chợt nụ cười nở đều trên những khuôn mặt méo mó, con đường Sài Gòn hằng ngày nay sao rộng quá, nắng sao đẹp quá!

À! Thì bởi Tết đã về Sài Gòn rồi chớ đâu. Tết về trong cái tấm áo dài đỏ, cái điệu múa lắc lư và trong cả nụ cười tươi tắn trên khuôn mặt lấm tấm mồ hôi của cậu Ba Chánh bán cốm mới.

Tết ‘giàu có’ như cậu Ba, chú Bảy Sài Gòn: Nhảy múa 'điên khùng' kiếm tiền nuôi con, tự tạo Tết trên chiếc xe di động

Cậu Ba tên thật là Nguyễn Văn Chánh (49 tuổi, quê ở An Nhơn, Bình Định). Cậu kể: 13 năm trước, vì miếng ruộng nhỏ ở quê nhà chẳng đủ đầy cho cậu nuôi ba đứa con ăn học, cậu bèn vào Sài Gòn một mình đi bán đậu phộng dạo.

“Tối đến là cậu treo mấy bịch đậu phộng lên chiếc xe rồi đạp đi bán. Nhưng nhiều bữa mưa, khách vắng nên thua lỗ hoài, cậu chuyển qua làm thợ hồ cũng chẳng đủ đầy. Có cái hôm về quê, nhìn thấy mớ cốm, cậu nghĩ chắc hạt gạo, hạt bắp sẽ khiến người xa xứ ở thành phố thèm lắm, thế là cậu bèn đóng cái khung sắt trên xe, chở đi bán dạo khắp Sài Gòn…”.

Ban ngày thì cậu Ba đứng bán ở góc đường Hoàng Diệu, Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu… Đêm đến, cậu lại thuê chỗ ngủ tạm trong căn trọ tập thể ở quận 1 với giá 25 ngàn/đêm để nghỉ chân. Vậy mà, nhiều bữa ế ẩm quá, cậu Ba đành xin cơm từ thiện ăn qua ngày, ngồi bán những 1-2h sáng không chịu về. Cậu lúc nào cũng nghĩ: chắt chiu thêm ít đồng, những đứa con lại có thêm tiền học hành.

“Bữa gần Tết cậu bán ế, chán quá nên về quê. Tự nhiên cậu coi người ta chuẩn bị Tết mới thấy hay mình nhảy múa cho vui. Đầu tiên để làm không khí Tết, rồi gây chú ý thêm cho khách biết. Thế cậu xuống Quy Nhơn mua ngay sấp vải đỏ, về quê đặt người may”.

Cứ thế, cậu Ba quay lại Sài Gòn, sắm thêm cái loa nhỏ, bộ áo dài đỏ, tờ mờ 5h sáng lại đạp xe ra góc đường, bật vài bài nhạc xuân rồi bắt đầu lắc lư, nhảy múa. Nhờ thế mà người ta thấy thương, mua ủng hộ cậu vài bịch cốm nhỏ 20.000 đồng.

“Mấy bữa đầu cậu nhảy, có người chửi: ông khùng này điên kia, làm mấy chuyện trời ơi đất hỡi. Rồi có bữa còn bị ăn trộm mất cái loa, đánh cậu không cho cậu bán nữa. Nhưng mà cậu kệ, cậu sống khổ cực quen rồi nên cậu đâu có ngại gì, miễn kiếm tiền về được cho gia đình là cậu vui rồi.”

Cứ vậy, mặc trời nắng trời mưa, khách đông hay chỉ vài người, cậu Ba vẫn miệt mài nhảy múa. Cái nắng chang chang Sài Gòn làm mồ hôi túa ra ướt đẫm cả tấm áo dài đỏ, cậu vẫn nhảy. “Có người khách thấy thương nên mới quay video cậu đưa lên mạng. Ở quê, vợ cậu, con cậu xem được mà khóc, gọi điện vào bảo: Ba bán vừa thôi, còn giữ sức khoẻ, tụi con hổng cần ăn sung mặc sướng. Chỉ cần nghe thế là cậu hết thấy cực nhọc rồi!”

Tụi nhỏ thấu hiểu tấm lòng người cha nên đứa nào cũng học hành chăm chỉ. Cô con gái lớn giờ đã sinh viên Đại học, cậu giữa thì theo học chuyên Tin học tại trường chuyên Lê Quý Đôn, đứa nhỏ mới học cấp 1 thôi nhưng lúc nào rảnh lại bưng bê đồ cho hàng xóm kiếm thêm tiền.

Mấy ngày nay, vợ cậu Ba vô Sài Gòn khám bệnh, thấy chồng làm ăn cực khổ nên cô quyết định ở lại để phụ cậu bán buôn. Cứ vậy, vợ chồng đỡ đần nhau, chồng nhảy múa, vợ lại đứng giao cốm cho khách. Nhiều người chỉ mua mỗi bịch cốm 20 ngàn nhưng để lại thêm bịch quần áo mới, giỏ bánh kẹo, hay dúi vào tay cậu 100 nghìn đồng, bảo: “Biếu cậu về ăn Tết…”. Cậu Ba mủi lòng lắm!

“Mấy đứa ở nhà cứ hỏi năm nay ba có về không? Mà may quá, cậu được người ta cho 2 cái vé máy bay ngày 27 nè, chừng đó 2 vợ chồng lại có cơ hội về lại quê sum vầy cùng các con”.

- Kiếm được nhiều tiền nè, năm nay cậu Ba ăn Tết lớn chớ?

- Thì cũng ráng ráng xin bả (vợ cậu Ba) thêm vài thùng bia, với mua nhành mai bỏ trong nhà cho có không khí. Mấy mươi năm rồi cậu có được chậu bông Tết nào đâu?

- Úi dời, mấy trăm ngàn lận mua chi cho uổng, treo thì đẹp thôi chứ có ăn uống gì?

- Thì kiếm nhiều tiền phải tiêu đi chớ!!!. Nghe xong, hai vợ chồng cậu Ba cười vang.

Tết ‘giàu có’ như cậu Ba, chú Bảy Sài Gòn: Nhảy múa 'điên khùng' kiếm tiền nuôi con, tự tạo Tết trên chiếc xe di động

Cùng thời gian đó, ở góc đường khác của Sài Gòn, cũng có một chàng trai miệt vườn đang lo chuyện “bao đồng” ngày Tết: Chở hoa xuân về khắp phố phường.

Đó là chàng miệt vườn Hồ Văn Hiển (49 tuổi, ngụ Gò Vấp, TP.HCM). Điều đặc biệt, con xe hàng rong của anh Hiển lúc nào cũng xanh mướt cỏ non, có wifi, nhành đào mai tươi thắm, đi đến đâu cũng phát bản nhạc xuân véo von đến đó,… khiến ai nấy đều thích thú.

Các chị, các mẹ lại vội vã chọn trái bưởi ngon cúng tổ tiên, các anh thì mua ít ổi về cho vợ, còn cháu nhỏ thì đùa nghịch ngồi trên chiếc xe giả đò như cầm vô lăng mà lái bon bon trên đường. Chàng miệt vườn chiều khách lắm! Mua trái cây thì boa thêm, trẻ con thích thì chở đi một đoạn, ai chụp hình là nhoẻn miệng cười tươi… Vậy mới xứng đáng: chàng miệt vườn dễ thương nhất Sài Gòn.

Anh Hiển chia sẻ: 8 năm trước, anh vào Sài Gòn lập nghiệp, cũng trải qua lắm nghề bốc vác, thợ hồ,… nhưng chẳng đủ sống. Được người quen mách cho lấy trái cây từ miệt miền Tây lên bán, thế là 2 vợ chồng anh theo nghề.

Năm trước, anh mua lại con xe cũ với giá 3 triệu đồng. Song, thấy chiếc xe xấu xí, để trái cây không bắt mắt nên anh mới nghĩ cách “khoác áo” thêm cho nó bằng cỏ xanh, đèn, nhạc, hoa. “Đi bán thì anh mở nhạc nghe cho đỡ buồn, lại khiến mọi người vui hơn, gần Tết thì bật nhạc xuân cho không khí. Hễ Noel thì mình trang trí kiểu Noel, trung thu thì gắn lồng đèn, cổ vũ đội bóng nước nhà thì cờ đỏ sao vàng phấp phới.” - anh Hiển cười.

Cứ thế, để mang mùa xuân cận kề trên chiếc xe di động, anh Hiển còn tỉ mẩn mua hoa giả về tự gắn vô nhành, rồi trang trí lên xe. “Ra đường người ta thích lắm. Có người đùa: ông giở hơi, giở hơi nhưng mà độc. Chiều về rảnh rang anh trang trí lại chiếc xe thì tụi nhỏ trong xóm cũng xấm xít lại, có nhiều đứa còn đòi mình chở đi chơi…”

Đi đến đâu anh Hiển lại chở theo cả mùa xuân bên cạnh mình đến đó, làm đẹp hơn cho những con đường Sài Gòn rộng lớn. Người người lướt qua lại ngoái nhìn, rồi mỉm cười vì đã thấy Tết về cận kề. Chị Uyên chia sẻ: “Thấy ổng chạy khắp đường hoài à, thằng nhỏ ở nhà mà nghe tiếng nhạc là đã chạy ra trước cổng đón rồi. Người ta bán buôn không lời lãi gì lắm, nhưng biết cách mang niềm vui tới cho mọi người là tuyệt vời lắm”.

Hỏi ra mới biết, năm nay, vì dành dụm tiền cho mẹ cha ở nhà hay ốm đau nên anh Hiển đành ở lại Sài Gòn đón Tết. “Sài Gòn thì tết buồn lắm, các con cũng đòi về quê nhưng mà thôi anh ở lại. Anh tính mua thêm cái bánh chưng, con gà, giò chả đơn sơ đón Tết. Có chiếc xe để đi bán tới chiều 30 là anh vui rồi.”

Thế đấy! Niềm vui năm mới của chàng trai miệt vườn chỉ cỏn con vâỵ thôi! Là được đem theo cả mùa xuân bên cạnh mình, trên những hành trình tất tả mưu sinh. Để mỗi lần qua góc đường, người ta thấy anh săm soi cành mai, tỉa tót nhanh đào, sửa sang lại mớ trái cây Tết, ai ai cũng mỉm cười: Xuân đến gần vậy rồi sao?

- Ừa…. Gặp anh Hiển là thấy xuân liền! Tôi nghĩ.

Ở cái thành phố 9 triệu dân như Sài Gòn này, chúng ta không khó để bắt gặp con người nhân hậu như cậu Ba Chánh, anh Hiển miệt vườn như thế. Họ - những người nhỏ bé, khiêm nhường, hằng ngày vẫn còn lắm lo toan cho gánh nặng cơm-áo-gạo-tiền, nhưng họ cũng đích thị là phẩm chất hào sảng Sài Gòn. Hào sảng trong nụ cười hiền khô của cậu Ba khi nghĩ về số tiền dành dụm cho con năm nay, trong gói trái cây boa thêm vì “Tết nhứt” của anh Hiển tặng cho khách.

Mặc mưu sinh, nắng mưa thành phố, mặc tiếng gièm pha người đời chửi “khùng điên”, đôi khi là bỏ tiền bạc, công sức của bản thân… họ chỉ mong muốn mang niềm vui miễn phí đến cho mọi người. Ở Sài Gòn, có những người ngộ lắm như thế!

Như chú tài xế Lê Xuân Huy trên chuyến xe buýt 54 Sài Gòn, mỗi độ xuân sang lại trang hoàng con xe bọc thép to bự của mình bằng hoa giả, bánh kẹo,… ai lên xe lại nhận thêm một bao lì xì đỏ thắm. Như anh nhân viên dọn rác Nguyễn Minh Tuấn (30 tuổi, quê Tây Ninh), hôm nào đi làm cũng nhặt nhạnh những món đồ chơi bỏ đi để trang hoàng lên con xe rác theo mình suốt 10 năm trời. Hay tủ đồ “Ai có đến cho, ai cần đến lấy” ở chung tư Sơn Kỳ 1 (Q. Tân Phú, TP.HCM) dành tặng quần áo Tết cho người nghèo Sài Gòn. Đâu đâu trong thành phố này cũng có vô vàn con người hồn hậu, tuyệt đẹp.

Thế mới thấy, Tết ở Sài Gòn không tự có mặt trong lòng thành phố này. Tết có mặt bởi cậu Ba, chú Bảy, cô Chín,… những người thân quen từng đi qua hẻm, qua lề đường, góc phố mỗi ngày bạn đều nhìn thấy. Họ đã cùng nhau thực hiện những thứ “nhỏ xíu xiu như cái mong tay” để bồi đắp nên những thứ rất riêng, rất hào sảng, rất Sài Gòn.

Đơn giản: Mang Tết về cho Sài Gòn mà thôi!

Bài viết

Huy Hậu

Thiết kế

Nyny Võ

Chia sẻ