42 năm sau ca sinh tư đầu tiên, 4 bé gái được Cố Thủ tướng đặt tên Bắc-Nam-Thống-Nhất giờ ra sao?

Cách đây 42 năm, ca sinh 4 đầu tiên ở Việt Nam đã gây ra nhiều xôn xao khắp cả nước. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là người đỡ đầu, đặt tên cho 4 bé gái là Bắc - Nam - Thống - Nhất nhằm kỉ niệm ngày 30/4 lịch sử. Giờ đây, tất cả đều đã có cuộc sống riêng, mái ấm hạnh phúc.

Bài viết Định Nguyễn
Chia sẻ
42 năm sau ca sinh tư đầu tiên, 4 bé gái được Cố Thủ tướng đặt tên Bắc-Nam-Thống-Nhất giờ ra sao?

Những ngày này, ngôi nhà nhỏ của bà Bùi Thị Hương (74 tuổi), nằm sâu trong khu tập thể Yên Ngưu (thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, Hà Nội) lại rộn rã tiếng bập bẹ của trẻ con. Kể từ khi đứa con gái út hạ sinh sinh, bà Hương cũng tất bật phụ giúp chăm nom cháu nhiều hơn.

Cách đây 42 năm trước, bà Hương từng là người gây xôn xao khắp cả nước vì ca hạ sinh 4 đứa bé gái cùng lúc đầu tiên Việt Nam. Đây là ca sinh hiếm gặp, “chấn động” Hà Nội thời bấy giờ. Do vậy, Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã cử cán bộ xuống thăm nom, đặt tên cho 4 bé gái lần lượt là Bắc, Nam, Thống, Nhất - nhằm kỉ niệm 2 năm cho ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975.

Hiện, bà Hương ở cùng với cô con gái út tên Như Nhất. Căn phòng rộng 40m2, với đồ đạc đơn giản nhưng rất ngăn nắp và sạch sẽ. Người con gái út vì sức khỏe yếu, hiện đang làm việc tại Trung tâm Người khiếm thị huyện Thanh Trì. Sáng đi, tối về, bận bịu với công việc nên hàng ngày bà Hương là người đi chợ, nấu nướng, phụ giúp gia đình.

Lật dở từng tấm ảnh lưu giữ khoảnh khắc về các con, bà Hương vui tính bảo: “Tôi nghĩ chuyện mình sinh 4 người con gái cùng một lúc lâu rồi, không còn ai để ý nữa vì các các con năm nay cũng ngoài 40 tuổi”.

Bà Hương kể: Năm 22 tuổi, bà lập gia đình sau đó sinh non đứa con trai nên đã mất ít lâu sau đó. Lần thứ 2 bà sinh thêm một người con gái, rồi 7 năm sau thì có bầu cùng thời điểm 4 đứa con.

“Nhớ lại hồi mang bầu 4 đứa vất vả lắm. Lúc bấy giờ máy móc siêu âm không hiện đại như bây giờ nên đến lúc sinh mới biết được con mình là trai hay gái, mặt mũi ra sao. Tôi mang bầu đến tháng thứ 7 thì phải nghỉ làm vì bị phù nề toàn thân, không đi lại được”, bà Hương nhớ lại.

Ngày đó, khi chụp phim siêu âm, bác sĩ bảo thai nhi có 8 chân, 2 đầu, lúc sau lại thành 8 chân, 3 mình. Nhiều người ác ý đồn đại rằng bà mang “quái thai” do bị nhiễm độc thai nghén. Bản thân bà cùng chồng đã vô cùng lo lắng, có đêm không ăn không ngủ vì đau đớn nghĩ về con.

Thế nhưng mặc kệ lời dèm pha, bà cố gắng chăm sóc tốt cho bản thân. Bà Hương nhập viện trước 1 tháng chờ sinh con. “Ròng rã cả tháng trời chỉ nằm ngửa không nghiêng được, ăn cơm thịt luộc, rau luộc chứ không được ăn mặn, ngọt. Đến bữa ăn bác sĩ còn đi kiểm tra xem mình có mang gì không vì sợ ăn mặn ảnh hưởng đến sức khoẻ”.

Đúng ngày 17/4/1977 tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương (khi đó gọi là Viện Bảo vệ bà mẹ và trẻ em Trung ương), bà Hương lần lượt sinh 4 người con khiến cả bệnh viện, người đi đường đều hiếu kỳ kéo đến xem. Đây được xem là “chuyện lạ Việt Nam” từ trước bấy giờ.

“Cứ cách 10 phút tôi sinh một đứa. Sau khi sinh được 3 người con rồi bác sĩ đoán đã sinh hết, tôi cũng nghĩ thế. Tuy nhiên 15 phút sau tôi sinh thêm một người con nữa. 

Khi chứng kiến các bé lần lượt chào đời, cả bệnh viện nhốn nháo ồn ào cả lên, ai nấy đều rất ngạc nhiên. Chính vì sinh muộn bị nước ối tràn vào khiến thị giác của Nhất bị ảnh hưởng. Tôi đẻ xong ai cũng ngạc nhiên. Tôi mừng vì các con sinh ra tuy yếu nhưng đều lành lặn, không bị dị tật gì”, bà Hương cười nói.

4 người con gái của bà Hương sinh ra cân nặng lần lượt: Bắc 1,6kg, Nam 1,7kg, Thống 1,4kg, Nhất 1,3kg. Do sức khoẻ yếu nên cả 4 đều phải ở lại viện hơn 2 tháng chăm sóc, nằm lồng kính, ăn qua đường xông. “Thư ký của Thủ tướng bảo tôi rằng, khi biết tin tôi sinh 4 rất hiếm gặp chưa từng xảy ra tại Việt Nam nên đã quyết định đặt tên là Bắc - Nam - Thống - Nhất, với ý nghĩa kỷ niệm 2 năm hoàn toàn giải phóng đất nước. Cũng vì niềm vui Bắc Nam chung một nhà nên tôi cũng muốn dành tình cảm đặc biệt đó để đặt tên cho các con”, bà Hương xúc động.

42 năm sau ca sinh tư đầu tiên, 4 bé gái được Cố Thủ tướng đặt tên Bắc-Nam-Thống-Nhất giờ ra sao?

Nghĩ lại cảnh nuôi 4 con, bà Hương bảo vất vả lắm. Bình thường mình nuôi một đứa đã vất rồi giờ tận 4 đứa con. Bố mẹ nội ngoại hai bên đều đã mất, chồng đi làm giáo viên nên tự tay tôi chăm sóc các con. Có thời điểm bà Hương thuê hai giúp việc nhưng sau vất quá họ cũng bỏ đi.

Thế nhưng, may mắn, gia đình bà được Đảng, Nhà nước, Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng quan tâm. Mùng 2 Tết năm 1978, Cố Thủ tướng đã có chuyến thăm gia đình đặc biệt khiến vợ chồng bà rất bất ngờ.

“Ông đến khiến vợ chồng tôi rất ngạc nhiên. Tại đây Cố Thủ tướng ân cần hỏi gia đình còn thiếu những gì, các cháu được mấy cái chăn, có mấy áo len,… Một tuần sau ông cho người gửi xuống tủ lạnh, quần áo, chăn màn, bàn ghế… đầy đủ lắm. Ông rất quý các con và hầu như năm nào cũng bảo đưa thư ký đưa lên Phủ Thủ tướng chơi”.

Chính vì thấu hiểu một mình chăm sóc 4 con rất vất vả, Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đề nghị để bài Hương nghỉ làm vô thời hạn tại Công ty thực phẩm Hà Nội. Bà cũng được hưởng 2 suất lương (trong đó một suất nuôi con, suất lương hàng tháng). Các con của bà được trợ cấp đến khi 18 tuổi mới thôi.

“Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng quan tâm khiến tôi rất phấn khởi. Tôi nghĩ đó như là bố thứ 2 của mình vậy. Nhớ đợt con được 2 tuổi bên công ty yêu cầu tôi phải quay lại đi làm. Đúng đợt đó 4 con bị phỏng dạ. Nghe tin, ông đã cử bác sĩ xuống khám, chăm sóc, cho các cháu cả thuốc bổ.

Hôm sau Cố Thủ tướng gọi điện trực tiếp xuống đơn vị bảo cho tôi nghỉ thêm để chăm con. Tuy nuôi 4 con vất vả nhưng quên hết mỏi mệt vì có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước tới gia đình mình, tôi không bao giờ quên”, bà Hương tâm sự.

Cái ngày nhận tin Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng qua đời, bà Hương cùng các con đã khóc hết nước mắt. Bà cũng đã đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng. “Lúc sinh thời, ông quan tâm và yêu quý 4 cháu. Nghe tin ông mất, ai cũng nhìn ảnh ông mà khóc, rồi nắm tay nhau đưa ông đi đến nơi về đến chốn để trọn vẹn đạo lý ở đời”.

42 năm sau ca sinh tư đầu tiên, 4 bé gái được Cố Thủ tướng đặt tên Bắc-Nam-Thống-Nhất giờ ra sao?

Đến nay đã hơn 40 năm kể từ khi ca sinh 4 trôi qua, 4 người con của bà cũng đã yên bề gia thất. Chị Nguyễn Hoài Bắc lấy chồng ở phường Xuân Đỉnh (quận Tây Hồ), hiện có 2 con, một trai một gái. Người thứ hai và thứ ba là Nguyễn Ánh Nam (có 2 con trai) và Nguyễn Truyền Thống (có 2 con, một trai một gái) cùng lấy chồng và ở huyện Thanh Trì. Chị Nguyễn Như Nhất cũng mới lập gia đình và có một con trai gần 1 tuổi.

Các con bà Hương tuy đã lớn nhưng thỉnh thoảng bà Hương vẫn bị nhầm bởi Bắc và Thống có khuôn mặt giống nhau y đúc. Còn chị Nam thì giống chị Nhất.

Mấy năm gần đây, sức khoẻ bà Hương đã yếu đi nhiều. Trước không bệnh tật, giờ đang bị bệnh tim, hẹp van hai lá và suy tim nên hàng tháng phải đi khám. Dù cuộc sống các con bận rộn, nhưng những ngày cuối tuần, lễ Tết,… các con cháu vẫn tập họp một nhà, đùm bọc yêu thương nhau khiến bà cũng thấy ấm lòng ở tuổi xế chiều.

Bài viết

Định Nguyễn

Thiết kế

Tú Nguyễn

Chia sẻ