Sắc màu Cuộc Sống

40 năm vớt xác, cứu người bên dòng sông Hậu của ông ‘Tư tào lao’

Chia sẻ

Hơn 40 năm sinh sống ven sông Hậu bằng nghề đánh cá, ông Dương Công To (76 tuổi) được người miền Tây gọi là “Người hùng sông Hậu” khi đã cứu sống hàng trăm nạn nhân chìm tàu và nhảy cầu Cần Thơ tự tử.

Đến xóm chài nhỏ dưới chân cầu Cần Thơ (phía bờ Vĩnh Long) hỏi nhà ông Dương Công To - đội trưởng đội dân phòng tự quản, phòng chống tội phạm trên sông ai cũng biết và tận tình chỉ đường. Người dân của xứ bưởi năm roi nổi tiếng này còn gọi ông To bằng những cái tên thân mật là “Tư Hài”, “Tư cứu người” hay “Tư tào lao”.

Ông To sinh ra và lớn lên ở xã Cái Ngang, huyện Tam Bình (Vĩnh Long). Đây là vùng căn cứ địa cách mạng nổi tiếng khắp Nam Kỳ lục tỉnh. Cũng như bao nhiêu trai làng sinh ra trong thời đất nước lầm than, người thanh niên Dương Công To tham gia phong trào cách mạng tại địa phương. Trong những năm chiến đấu, ông gặp một người phụ nữ hiền hòa, xinh đẹp quê ở xứ bưởi năm roi Mỹ Hòa rồi nên duyên chồng vợ.

kinhngusonghau007

“Kình ngư sông Hậu” Dương Công To kể về những lần cứu người.

Đất nước thống nhất, ông To về quê vợ mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá trên sông Hậu. Thời bấy giờ, người dân trong đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu đi lại và vận chuyển hàng hóa bằng ghe tàu. Mỗi khi đến mùa gió chướng thổi, thuyền ghe đi trên sông Hậu thường xuyên bị chìm và cướp đi sinh mạng của nhiều người dân.

Liên tục chứng kiến nhiều thảm cảnh trên đoạn sông gần nhà, ông To nảy ra ý tưởng thành lập đội cứu hộ - cứu nạn trên sông. Đội có 6 thành viên, đều là những người chuyên đi đóng đáy trên sông và bơi lội giỏi như “kình ngư”. Với thân hình cao lớn, lại bơi lặn giỏi nên ông To được mọi người bầu làm đội trưởng. 

“Ngày đó tàu thuyền chìm làm chết người trên khúc sông này nhiều lắm. Có ngày xảy ra 3 - 4 vụ, cướp đi không biết bao nhiêu mạng người. Thấy người thân của các nạn nhân vật vã, gào khóc đi tìm thi thể của họ khiến tôi không cam lòng nên mới bàn với mấy anh em lập đội cứu hộ này. Hồi mới lập, tôi nói với mấy anh em, muốn bắt con cá dưới sông lên ăn thì trước hết mình phải làm việc nghĩa là cứu người bị nạn cái đã.

Từ đó, thấy trời hôm nào mưa to gió lớn là tụi tôi ra chòi lá nhìn ngược xuôi khắp sông để kịp thời ứng cứu những tàu thuyền gặp nạn. Cứ nhìn thấy bóng đen ngập lặn ngoài khơi hay nghe tiếng kêu cứu, tôi liền lấy chiếc tù ra thổi gọi các thành viên chèo ghe tiếp cận. Đến nay, đội đã cứu sống hàng trăm người gặp nạn trên khúc sông này”, ông To tâm sự.

Chiếc ghe ông To cùng các thành viên đội sử dụng đi cứu người.

Chiếc ghe ông To cùng các thành viên đội sử dụng đi cứu người.

Uống một tách trà, “Tư tào lao” nói tiếp, cứu người sống rất khó và nguy hiểm đến cả tính mạng bản thân. “Có lần tôi chuẩn bị ăn cơm thì nhận tin vợ chồng ông già đi trên ghe bị gió Nam quật chìm. Mấy anh em chạy ghe ra, nhảy xuống cứu được cả hai an toàn. Khi chúng tôi tìm cách đưa chiếc ghe của họ vào bờ thì người vợ bất ngờ nhảy xuống sông khiến ai cũng hoảng hồn.

Theo phản xạ tôi cũng nhảy theo túm tóc bà ấy cố sức bơi lên. Khi đã vào bờ tôi mới biết mình còn sống vì lúc đó nước chảy xiết, đồ đạc trong ghe đè lên gây khó thở. Đến lúc mọi chuyện êm xuôi thì người phụ nữ mới giãi bày, do tiếc của vợ chồng dành dụm nhiều năm nên bà muốn nhảy xuống lặn tìm ít tiền, vàng trong ghe để sau này có vốn làm ăn”, lão ngư sông Hậu kể lại.

Hơn 40 năm qua, ông “Tư tào lao” và đồng nghiệp đã làm việc nghĩa, tham gia cứu hộ hơn 200 tàu thuyền trên sông Hậu. Trong đó, đội của ông cứu sống gần 500 người ở các tỉnh miền Tây không may gặp nạn và đặc biệt là cứu được 27 nạn nhân vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ vào năm 2007.

Bơi giỏi, cứu sống nhiều người gặp nạn trên sông nên người dân trong xóm đặt cho ông những biệt thân thương như ”rái cá” hay ”kình ngư sông Hậu”. Nghe những cái tên mọi người đặt cho mình, ông Tư chỉ cười thật to, rồi tiếp tục chuyện chèo ghe đi cứu người.

Cuốn sổ tử thần của ‘Tư tào lao’

Theo ông To từ ngày có cầu Cần Thơ - chiếc cầu dây văng dài nhất Đông Nam Á nối liền hai bờ sông Hậu đến nay thì tai nạn tàu ghe giảm hẳn nhưng chuyện tự tử gia tăng đột biến, đến nay có 38 người nhảy tự tử. Trong đó, ông đã cứu sống được 8 người (4 nam, 4 nữ). “Những người nhảy cầu tự tử đa phần vì buồn chuyện tình cảm, gia đình xáo trộn hoặc làm ăn thất bại. Tuy nhiên, người chết hay sống đều có điểm chung là da trên cơ thể đều bị lột vì sức ép của nước quá mạnh. Một số trường hợp được cứu sống nhưng rồi cũng vật vờ trong cảnh tàn tật vì bị dập gan, lá lách, gãy xương… do tơi từ độ cao lớn”, ông To nói.

kinhngusonghau003

Từ lúc khánh thành đến nay, cầu Cần Thơ đã xảy ra 38 vụ nhảy cầu tự tử.

Lượng người nhảy cầu quá nhiều, sợ không nhớ hết, ông To dùng đến cuốn sổ để ghi chép lại những thông tin của các nạn nhân. Nhiều người trong xóm gọi vui đây là “sổ tử thần”, vì nó ghi lại tất tần tật các chi tiết của nạn nhân như tên tuổi, số thứ tự, giờ giấc nhảy cầu và thời điểm phát hiện tử thi.

Lật cuốn sổ ố vàng, “Tư hài” buồn bã: “Cầu Cần Thơ khánh thành chỉ 4 ngày sau là đã có người đến tìm cái chết. Đó là một thanh niên 22 tuổi ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ. Bế tắc trong cuộc sống, tình yêu bị cấm cản nên anh này rủ người yêu cùng lên cầu tự vẫn. Khi nam thanh niên lao xuống nước thì cô người yêu quá sợ, ngất xỉu ngay trên cầu nên “người đi kẻ ở”. Thi thể nam thanh niên mấy ngày sau mới tìm thấy. Rồi sau đó, cứ trung bình khoảng một tháng cầu lại xảy ra một vụ nhảy sông tự tử”.

Lão kình ngư 76 tuổi nói, qua nhiều lần chứng kiến chuyện tự vẫn, ông đã có kinh nghiệm cứu người hiệu quả hơn. Ông phân công anh em câu cá gần cầu Cần Thơ luôn để ý, cứ nghe tiếng động lạ, tiếng la hét thì phải quay ghe, quan sát nơi nước vừa văng lên để tìm người.

kinhngusonghau005

Cuốn “sổ tử thần” của ông “Tư tào lao”.

“Nhờ vậy mà năm 2011, tôi cứu sống một cậu sinh viên quê Sóc Trăng nhảy cầu tự tử. Sau khi đưa lên ghe hô hấp nhân tạo, chúng tôi chuyển ngay đến bệnh viện nên cậu ấy mới thoát khỏi tay tử thần. Lâu lâu cậu ấy cũng hay ghé đây thăm tôi”, ông To kể.

Câu chuyện khiến ông lão có “thâm niên” 40 năm cứu người kể lại làm ai nghe cũng phải cười đó là trường hợp 2 nam thanh niên… nắm tay nhau nhảy xuống sông tự tử vì bị gia đình hai bên “ngăn cản tình yêu”. May mắn là hai anh chàng lại nhảy trúng vào đám lục bình lớn trôi trên sông nên thoát chết. Nhìn thấy vụ việc, ông To nhanh chóng chạy ghe ra cứu “đôi tình nhân” vào bờ.

“Tôi cứu và đưa hai đứa tới bờ, chưa kịp hỏi nguyên nhân vì sao làm chuyện dại dột thì hai người chạy mất, không nói một lời cảm ơn. Lúc đó cũng giận lắm, nhưng nghĩ lại mình đã cứu được hai mạng người nên thôi”, lão ngư dân cười lớn.

Tuy nhiên cũng có lúc ông To cảm thấy chạnh lòng, khi nghe nhiều người bàn tán, nói việc làm của ông là tào lao, “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. “Họ nói sao ông rảnh quá, người ta muốn chết thì cho họ toại nguyện đi, tại sao cứu chi cho khổ”, lão kình ngư 76 tuổi bộc bạch.

Một người dân nghe câu chuyện của ông To giãi bày: “Người dân ở đây gọi vậy cho vui thôi chứ ai cũng cảm kích, khâm phục ông về lòng dũng cảm và tâm nguyện làm việc nghĩa. Mỗi lần ông Tư cứu người, chúng tôi giúp sức được gì thì đều làm hết”.

kinhngusonghau006

Với những việc làm nghĩa hiệp trong 40 năm qua, ông Tư được phong là “Hiệp sĩ Giao thông”.

Không chỉ cứu người, “Người hùng sông Hậu” còn là “khắc tinh” của bọn trộm cướp đường thủy. Ông cùng công an địa phương bắt giữ 12 kẻ cướp trên sông, truy bắt hàng chục tên trộm cắp tài sản trong xóm. Chính những thành tích đó mà ông được trao tặng nhiều bằng khen của các sở ban ngành từ trung ương đến địa phương. Đáng chú ý là Bằng khen của Thủ tướng và Bộ Công an tuyên dương về phong trào đấu tranh săn bắt cướp.

Hiện nay, dù tuổi đã cao, con cháu khuyên ông ở nhà dưỡng già nhưng “kình ngư” nhất quyết không chịu, mỗi ngày đều ngồi bên cầu Cần Thơ nghe ngóng để “cướp mồi” của Hà Bá. “Cả cuộc đời tôi cứu người, giờ chỉ mong những ai có ý định nhảy cầu tự tử nên nghĩ lại công nuôi dưỡng của cha mẹ, nghĩ về người thân của mình. Người mất rồi thì thôi nhưng gia đình họ đau khổ lắm”, ông To tâm sự.

Chia sẻ

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất