Sắc màu Cuộc Sống

10 năm hình thành chợ đêm ở Hội An

Theo VnExpress
Chia sẻ

QUẢNG NAM - Khu chợ đêm hình thành đây 10 năm đã quá tải, Hội An mở thêm chợ đêm thứ hai và đang quy hoạch khu phố mở cửa đón khách 24 giờ mỗi ngày.

Hơn 18h, khu chợ đêm Nguyễn Phúc Chu, phường Minh An bắt đầu nhộn nhịp. Trên tuyến phố dài hơn 300 m, hơn 100 gian hàng được người dân dựng trên lòng đường bằng những chiếc xe di động.

Các gian hàng nằm sát nhau bày bán đồ lưu niệm và các món ăn đặc sản địa phương… Khi ánh đèn đường sáng lên, đèn lồng ở khu phố này cũng khoe màu sắc rực rỡ thu hút du khách đến thăm quan và mua sắm.

Bà Lan, một người bán đồ ăn nhanh cho biết, chợ đêm sôi động nhất từ 18h đến 21h mỗi ngày, khách mua đa dạng gồm người trong nước, Hàn Quốc, Trung Quốc…

Quán ăn của Bà Lan đã mở ở chợ đêm Nguyễn Hoàng gần 5 năm nay. Ảnh: Đắc Thành.

Khoảng 21h, các du khách kể trên bắt đầu rời chợ đêm để về khách sạn trên địa bàn hoặc về Đà Nẵng. Tuy nhiên, hàng ăn nơi này chưa đóng cửa mà tiếp tục sáng đèn chờ khách Tây đi chơi các quán bar ra ăn khuya. “Chợ đêm đã giúp gia đình tôi có nguồn thu nhập ổn định nhiều năm qua. Mùa hè thường đông khách hơn mùa đông ít hơn”, bà Lan chia sẻ.

Anh Quân, chủ cửa hàng bán đồ thủ công mỹ nghệ, cho hay các sản phẩm đều lấy chất liệu từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường và do thợ thủ công địa phương làm nên được nhiều khách Tây thích thú. “Giá cả niêm yết trên sản phẩm nên không có chuyện chặt chém người mua, tuy nhiên, bán hàng ở đây chủ yếu lấy công làm lãi vì sản phẩm còn đơn giản, rẻ tiền”, anh Quân nói.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Phó chủ tịch TP Hội An, hơn 10 năm trước, chính quyền địa phương nhận thấy du khách đến Hội An không có chỗ đi chơi và mua sắm về đêm nên đã lên kế hoạch xây dựng chợ đêm Nguyễn Hoàng. “Chúng tôi nghĩ đơn giản là không lẽ khách đến Hội An tham quan lại không mang về được một cái gì. Trong khi thành phố có nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ và người dân thiếu công ăn việc làm”, ông Sơn cho hay.

Để tạo dựng chợ đêm, chính quyền lập danh sách các hộ dân có nhà cổ nhưng nằm trong hẻm sâu, kinh tế khó khăn để ưu tiên mở cửa hàng. “Lúc đó Hội An chưa có định nghĩa kinh tế đêm nhưng vẫn quyết tâm làm”, ông Sơn nói và thông tin thêm, sau khi chợ hình thành, chính quyền đã tích cực quảng bá đến du khách cũng như tổ chức thu dọn rác, đảm bảo môi trường kinh doanh cho bà con tiểu thương.

Du khách đi bộ trên đường Nguyễn Thái Học tham quan phố cổ Hội An. Ảnh: Đắc Thành.

Thời gian đầu, chợ đêm chỉ có 20 gian hàng thủ công mỹ nghệ và một số xe đẩy bán đồ ăn, không có nhiều du khách ghé thăm. Một số tiểu thương đã lo lắng việc kinh doanh ế ẩm và cho rằng chợ đêm sẽ không thành công. Nhưng sau 10 năm hoạt động, chợ đêm Nguyễn Hoàng giờ đây đã quá tải.

Lãnh đạo thành phố Hội An nhận xét, khu chợ đêm này đã tạo thêm một sản phẩm du lịch - dịch vụ cho địa phương, giúp hàng trăm người dân có nguồn thu nhập ổn định. Từ mô hình đầu tiên này, nhiều tỉnh thành đã học tập và cho ra đời các khu chợ đêm ở địa phương mình.

Năm 2018, Hội An cho ra đời khu chợ đêm thứ hai ở đường Trần Quý Cáp. Ngôi chợ có 84 gian hàng, quy tụ các hộ dân bán hàng rong ở phía Đông phố cổ. Theo giải thích của lãnh đạo thành phố, lâu nay du khách thường tập trung ở khu phố cổ phía Tây, vì vậy Hội An mở thêm chợ đêm phía Đông cũng như hình thành chợ quê ở xã Cẩm Thanh để tạo điểm đến mới giúp giãn khách, tránh tình trạng quá tải cục bộ.

Một quán bar trên phố Nguyễn Phúc Chu. Ảnh: Đắc Thành.

Ngoài 2 khu chợ đêm kể trên, ông Nguyễn Văn Sơn nói Hội An vẫn đang thiếu các khu vui chơi giải trí sau 21h và nhất là sau 24h, “một điều khó chấp nhận với thành phố du lịch”.

Theo ông, khi đêm xuống, du khách thường đi bộ trên các tuyến phố, tham quan chùa Cầu và các ngôi nhà cổ được thắp đèn lồng, rồi ra hai bên bờ sông Hoài để thả hoa đăng, tham gia trò chơi dân gian… Tuy nhiên các hoạt động này đến 21h hoặc 22h là kết thúc. “Đây là lúc nhiều người bắt đầu rời Hội An, di chuyển ra Đà Nẵng nên chúng tôi đang nghiên cứu thêm loại hình để giữ chân du khách”, ông Sơn nói.

Hiện nay phố Nguyễn Phúc Chu dài gần 1 km, với hơn 10 quán bar, nhà hàng là nơi thường mở cửa muộn ở Hội An. Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố nhìn nhận trong phố cổ có khoảng 4.000 dân sinh sống, do vậy không thể nới lỏng cho các bar hoạt động sau 24h.

“Chúng tôi đang xây dựng khu phố ăn chơi về đêm, mở cửa đến sáng hôm sau, nghĩa là 24 giờ mỗi ngày”, ông Sơn nói và cho hay chính quyền đã quy hoạch khu phố này ở xã Cẩm Kim.

Năm 1999, Hội An được công nhận di sản văn hóa thế giới. Hiện nay, mỗi ngày Hội An đón từ 30.000 đến 40.000 khách; mỗi năm thu về hơn 300 tỷ đồng từ bán vé. Năm 2018, Hội An thu ngân sách 1.500 tỷ đồng.

Chia sẻ

Bài viết

Theo VnExpress

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất