Nhật Bản thời kỳ Edo được cai trị bởi chính quyền Mạc phủ do một Shōgun (Mạc chúa) lãnh đạo, đây cũng là người nắm quyền hành cao nhất trong quân đội Nhật. Dưới Shōgun là các Daimyō (lãnh chúa), mỗi Daimyō cai quản một đạo quân Samurai.
Samurai - thành phần tinh hoa nhất trong quân đội, luôn quyết tâm sống theo tinh thần võ sĩ đạo Bushidō. Một trong những yêu cầu của Bushidō là tuyệt đối trung thành với chủ nhân và không được phép sợ hãi cái chết.
47 ronin - những người hầu cận trung thành
Năm 1701, từ Kyoto, Hoàng đế Higashiyama gửi một sứ giả đến thủ phủ Edo (Tokyo ngày nay). Hai Daimyō trẻ, Asano Naganori cai quản vùng Ako và Kamei Sama cai quản vùng Tsumano tình cờ cũng có mặt tại Edo đúng thời điểm này. Vì vậy Asano và Kamei được giao nhiệm vụ đón tiếp sứ giả.
Kira Yoshinaka, một quan chức cao cấp trong Mạc phủ chịu trách nhiệm tổ chức các buổi lễ lớn cho các chuyến thăm đặc biệt, được chỉ định phải đào tạo hai Daimyō. Asano và Kamei đã biếu Kira chút quà coi như là tỏ lòng thành vì được thầy dạy dỗ. Tuy nhiên, Kira không thỏa mãn với những món quà này và cho rằng hai người không thành tâm. Vậy là từ đó Kira luôn cư xử xúc phạm đến hai Daimyō trẻ.
Kamei rất tức giận và muốn giết chết Kira, nhưng Asano luôn thuyết phục Kamei hãy bình tĩnh.
Những người hầu cận của Kamei vì lo lắng cho chủ nhân nên đã bí mật gửi cho Kira một khoản tiền lớn. Từ đó Kira đối xử với Kamei khác hẳn. Còn Asano tiếp tục bị đối xử không ra gì.
Đến một ngày, Kira chửi mắng Asano là “thằng nhà quê vụng về không biết phép tắc” ngay giữa sảnh chính, Asano không kiềm chế được nữa và rút kiếm tấn công Kira.
Mặc dù Kira chỉ bị một vết chém nhẹ ở đầu không nghiêm trọng, nhưng luật của Mặc phủ đã quy định không ai được phép rút kiếm khi đang ở trong Thành. Vậy là Asano phải thực hiện hình phạt seppuku (mổ bụng tự sát) khi mới 34 tuổi.
Sau khi Asano qua đời, Mạc phủ tịch thu tài sản của ông, khiến gia đình ông lâm vào cảnh nghèo túng. Các võ sĩ Samurai dưới quyền ông trở thành các ronin (lãng nhân).
Theo đúng như tinh thần võ sĩ đạo, những ronin này quyết định thực hiện nghi lễ seppuku, thà chết theo chủ chứ không chịu nỗi nhục làm một Samurai vô chủ. Tuy nhiên, có 47 võ sĩ trong số 320 Samurai của Aseno không chấp nhận nỗi oan khuất và tìm cách trả thù.
Quyết tâm trả thù
Dẫn đầu 47 Samurai này là Oishi Yoshio. 47 người thề với nhau phải giết chết Kira bằng mọi giá. Bản thân Kira cũng lo sợ bị trả thù nên cho người canh gác dinh thự cẩn mật hơn.
47 Samurai đành phải chờ đợi thời cơ thích hợp để ra tay. Một Samurai còn phải kết hôn với con gái của một gia đình phụ trách xây dinh thự của Kira để tìm hiểu đường đi trong dinh thự. Các Samurai khác thì làm tạm các công việc chân tay.
Còn Oishi vì muốn đóng giả làm một kẻ đê tiện nhục nhã nên thường xuyên rượu chè và tìm đến gái mại dâm. Từng có một Samurai ở vùng Satsuma nhận ra Oishi nằm vạ vật trên đường đã chế nhạo và đá vào mặt Oishi, hành động thể hiện sự khinh bỉ tột cùng. Oishi còn phải ly dị vợ và gửi gia đình đi thật xa để bảo vệ cả nhà. Nhưng cậu con trai 16 tuổi quyết định ở lại với bố.
Vào ngày 14/12/1702, 47 Samurai họp mặt một lần nữa để lên kế hoạch cuối cùng. Một Samurai trẻ nhất được yêu cầu trở về Ako để kể lại câu chuyện của họ.
Đêm đó, 46 người còn lại trang bị đầy đủ thang dây, súng và kiếm đột nhập vào dinh thự của Kira. Trước đó, các Samurai đã cảnh báo cho hàng xóm xung quanh về cuộc tấn công.
Các Samurai dễ dàng vào bên trong dinh thự, khống chế người canh cửa đang hoảng loạn. Những tiếng trống vang lên, 46 ronin bao vây dinh thực từ khắp các ngả.
Các Samurai của Kira lúc này đang say ngủ, vội vàng chân trần chạy ra chống trả yếu ớt.
Kira chỉ mặc mỗi đồ lót, vội chạy trốn trong chuồng gia súc. Phải mất 1 tiếng, 46 ronin mới tìm ra Kira đang run rẩy trong đống than.
Oishi đưa cho Kira thanh kiếm ngắn, để ông ta có thể thực hiện cái chết danh dự seppuku. Đó cũng chính là thanh kiếm Aseno dùng để kết liễu đời mình.
Nhưng Kira quá nhát gan để có thể tự ra tay đoạt mạng mình, cuối cùng Oishi tự tay chặt đầu Kira. Kết thúc trận chiến, 46 samurai chỉ bị thương 4 người và giết chết khoảng 40 Samurai của Kira.
Tử vì đạo - Cách chết huy hoàng
Bình minh lên, 46 võ sĩ rửa sạch máu trên đầu Kira, cầm thủ cấp của Kira đi trên phố, đến đền thờ Sengakuji, nơi chủ nhân được chôn cất. Nhiều người đã nghe về cuộc báo thù của 47 võ sĩ và đứng hai bên đường hò reo cổ vũ các Samurai trung thành.
Sau khi đặt chiếc đầu của Kira lên mộ của Aseno, 46 người ngồi lại đó chờ bị bắt.
Tuy nhiên, 46 ronin trở thành những người anh hùng, vì lòng trung thành, sự dũng cảm và tinh thần võ sĩ đạo. Bản thân Mạc chúa cũng được thuyết phục hãy tha thứ cho 46 người này. Tuy nhiên, những người cố vấn của Mạc chúa quyết không khoan dung cho những hành động vô pháp vô thiên. Vào ngày 7/2/1703, 46 ronin và cậu con trai 16 tuổi của Oishi được cho phép thực hiện seppuku. Đây có thể coi là một bản án nhân đạo, vì chỉ có các Samurai mới được thiện hiện cái chết cao quý seppuku mà thôi.
46 Samurai được chôn cất gần chủ nhân của mình. Rất nhiều người ngưỡng mộ 46 Samurai thường xuyên hành hương đến để thể hiện lòng tôn kính. Một trong các Samurai ở vùng Satsuma từng đá vào mặt Oishi lúc Oishi còn đang đóng giả thành kẻ nát rượu nằm lay lắt trên phố, đã tự sát để xin lỗi Oishi.
Số phận của Samurai thứ 47, người được cử về Eko để kể lại câu chuyện của đồng đội, không rõ ràng. Có người nói người này sau đó cũng tự sát, người thì bảo vị Samurai thứ 47 sau này chết già và cuối cùng cũng được chôn cất gần 46 người còn lại.
Câu chuyện của 47 võ sĩ Samurai giúp người Nhật thắp nên niềm hy vọng rằng, tinh thần võ sĩ đạo vẫn chưa bao giờ bị mai một. Huyền thoại có thật này cũng đã trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều tác phẩm nghệ thuật như múa rối, phim ảnh. Tinh thần võ sĩ đạo của các Samurai có thể được coi là biểu tượng của tinh thần Nhật, 47 võ sĩ huyền thoại không chỉ được dân tộc Nhật ngưỡng mộ, mà còn khiến người dân khắp thế giới nể phục.