Một buổi tối lạnh giá vào tháng trước, một người đàn ông Trung Quốc đang đi bộ về nhà gần khu phố Tàu ở Manhattan (Mỹ) thì một người lạ mặt bất ngờ chạy tới từ phía sau và dùng dao đâm vào lưng anh ta.
Vụ tấn công được nhiều người xem là ví dụ điển hình về nạn bạo lực xuất phát từ thái độ phân biệt chủng tộc đối với người châu Á trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Nhưng trước khi đâm nạn nhân, nam thanh niên 23 tuổi ở Yemen không hề nói một lời nào. Công tố viên không đủ bằng chứng để cáo buộc nghi phạm tấn công vì phân biệt chủng tộc, chỉ có thể xác định là hắn cố ý giết người.
Thông báo trên đã khiến các nhà lãnh đạo người Mỹ gốc Á ở thành phố New York phẫn nộ. Nhiều người trong số họ biểu tình bên ngoài văn phòng luật sư quận Manhattan, yêu cầu truy tố vụ án này với cáo buộc tội ác do thù ghét. Họ đã quá mệt mỏi khi thấy vấn nạn trên bị chính quyền xem thường.
Ngày càng có nhiều người gốc Á bị công kích, nhưng nghi phạm hoặc không hề bị bắt, hoặc không bị buộc tội là tấn công do thù ghét. Thực trạng trên khiến việc thu thập dữ liệu về mức độ nguy hiểm mà người Mỹ gốc Á đang gặp phải trở nên khó khăn.
Tối 16/3, Robert Aaron Long, một người đàn ông da trắng, đã bắn chết 8 người tại các spa ở khu vực Atlanta, trong đó có 6 phụ nữ gốc Á. Nhưng hắn phủ nhận mình có động cơ phân biệt chủng tộc và đổ lỗi cho chứng nghiện tình dục.
Cảnh sát vẫn đang truy lùng một gã đàn ông đã gọi một bà mẹ người Mỹ gốc Á là “virus Trung Quốc” và nhổ vào mặt con cô ở quận Queens vào tuần trước. Song, các tội ác nhắm vào người gốc Á rất khó xác định vì chúng không có "biểu tượng" hay dấu hiệu cụ thể.
Một số người đã kêu gọi nới lỏng tiêu chuẩn xác định tội ác do thù hận, , tăng cường hình phạt và thêm nguồn lực tài trợ cho Sở cảnh sát New York để điều tra các vụ tấn công nhằm vào người gốc Á. Tuy nhiên, đề xuất này bị phản đối vì lo ngại việc này sẽ khiến người Mỹ gốc Á rơi vào thế đối đầu với cộng đồng người da màu và La tinh, làm gia tăng căng thẳng chủng tộc.
Một dự luật dự kiến sẽ được thông qua vào tháng 6 sẽ thiết lập hệ thống tiêu chuẩn hóa cho các tòa án, cảnh sát và công tố viên ở New York để xác định các vụ án xuất phát từ phân biệt chủng tộc.
Theo thanh tra Stewart Loo thuộc Lực lượng đặc nhiệm chống thù địch với người gốc Á, họ thường ngại việc khai báo với cơ quan chức năng về các vụ tấn công vì rào cản ngôn ngữ hoặc lo lắng về tình trạng nhập cư, sợ thủ phạm trả thù hoặc đơn giản là không muốn gây rắc rối.