Halloween là lễ hội mừng năm mới có bề dày lịch sử lên đến 2.000 năm của người Celt (một nhóm bộ lạc thời kì đồ sắt và thời kì La Mã ở châu Âu). Sau này, nó trở thành lễ hội hóa trang của người Mỹ từ những năm 1900 và dần dần phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới. Ngày nay, lễ hội Halloween đã được biến tấu và diễn ra dưới nhiều hình thức ở mỗi quốc gia khác nhau.
1. Ireland và Scotland
Người Ireland thường tổ chức trò chơi đớp táo vào ngày Halloween.
Ireland được coi là nơi sinh ra lễ hội Halloween ngày nay, bắt nguồn từ các nghi lễ Celtic và Pagan cổ xưa với cái tên Samhain hay Samhuinn. Mặc dù đã diễn ra hàng nghìn năm, nhưng vào ngày này người dân ở Ireland và Scotland vẫn thường đốt lửa và ngồi quây quần bên nhau.
Bên cạnh đó, họ còn tổ chức trò chơi đớp táo. Khi táo được đưa treo lên khung cửa hoặc trên cây, người chơi sẽ cố gắng cắn cho bằng được. Món ăn truyền thống của người họ trong lễ Halloween là bánh “ barmbrack”, một loại bánh nướng trái cây.
2. Mexico
Cũng giống các nước khác, lễ hội Halloween ở Mexico diễn ra vào ngày 31/10 nhưng họ còn tổ chức ngày lễ chết chóc vào ngày 2/11. Người Mexico tin rằng vào những ngày này, cửa thiên đường sẽ mở ra để linh hồn đã khuất trở về nhà đoàn tụ với người thân.
Khác với nhiều quốc gia, Mexico coi đây là thời điểm để tưởng nhớ người quá cố hơn là việc ăn chơi nhảy múa mặc dù cũng có nhiều cuộc thi, bữa tiệc sôi động diễn ra. Vào ngày Halloween, người Mexico thường đặt trái cây, đậu phộng, gà tây, nước ngọt, bánh mì lên bàn thờ. Nếu trong nhà có trẻ em chết yểu, họ sẽ đặt thêm đồ chơi và kẹo ngọt. Còn nếu người già quá cố, họ sẽ đặt thêm thuốc lá và rượu mezcal - một loại rượu truyền thống của người Mexico.
3. Mỹ
Trẻ em hóa trang và đi xin kẹo trong ngày Halloween.
Halloween là lễ hội được trông đợi nhất của đất nước cờ hoa. Vào đêm Halloween, người dân tại đây thường hóa trang thành những nhân vật kinh dị như ma quỷ, bộ xương, phù thủy… và tham gia các bữa tiệc sôi động, đi tới các gia đình chơi trò “trick - or - treat (cho kẹo hay chọc ghẹo).
4. Áo
Halloween của người Áo diễn ra từ 30/10 - 8/11. Trong dịp này, người Áo thường đến nghĩa trang thăm mộ của người thân, trang trí mộ bằng những vòng hoa, nến, bình nước và tổ chức lễ cầu siêu cho linh hồn đã mất vào ngày cuối cùng. Khác với các nước khác, nước Áo thậm chí không hóa trang kinh dị hay tham gia những bữa tiệc sôi động mà họ chỉ đặt một cốc nước, bánh mỳ, thắp nến trên bàn trước khi ngủ trong ngày này để chào đón các linh hồn trở về.
5. Nhật Bản
Thanh thiếu niên ở Nhật Bản hóa trang trong ngày Halloween.
Cũng giống như Áo, đất nước mặt trời mọc cũng không tổ chức lễ hội Halloween Họ có một lễ hội riêng là “Matsuri” hay còn gọi là Obon, thường được tổ chức vào tháng 7, tháng 8 hàng năm.
Đây là dịp để người Nhật tưởng nhớ người đã khuất. Vào những ngày này, họ thường treo đèn lồng đỏ ở khắp nơi và đồ ăn cũng được chuẩn bị rất chu đáo.
6. Campuchia
Không như lễ hội Halloween ở các nước khác, tại Campuchia thường diễn ra lễ hội Pchum Ben vào thời gian này. Pchum Ben là lễ hội tôn giáo của người Campuchia được tổ chức từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10 và kéo dài 15 ngày để tỏ lòng tôn kính đối với tổ tiên của 7 thế hệ.
Trong lễ hội Pchum Ben, các nhà sư sẽ tụng kinh liên tục để mở cánh cửa của địa ngục, để các linh hồn có thể nhận được thực phẩm và quà tặng của người thân. Người ta còn tổ chức đua trâu trong ngày lễ Pchum Ben.
7. Trung Quốc
Người dân Trung Quốc tin rằng, ngày cuối tháng 10 là lúc cánh cửa địa ngục mở ra và những con ma đói sẽ lang thang ở khắp nơi. Để xoa dịu tinh thần những linh hồn này, họ thường đốt vàng mã cho những linh hồn đã khuất.