Nghiên cứu của Đại học Southampton tập trung vào 15.484 loài chim, thú có vú sống trên cạn và sử dụng các công cụ thống kê hiện đại.
Qua đó, các nhà khoa học tìm ra 5 đặc điểm quyết định tầm quan trọng của mỗi loài động vật trong hệ sinh thái, bao gồm: kích thước cơ thể, số lượng con non, phạm vi sinh sống, khẩu phần ăn và thời gian sống giữa 2 thế hệ.
Nghiên cứu còn tham khảo Sách đỏ các loài động vật bị đe dọa của Liên minh Quốc tế về Bảo tồn để xác định loài động vật nào có nguy cơ tuyệt chủng trong thế kỷ tới.
Theo các nhà khoa học, các loại động vật phát triển chậm như voi, tê giác và đại bàng nâu sẽ dần dần biến mất trong vòng 100 năm nữa nếu con người tiếp tục hủy hoại môi trường sống của chúng.
Trong khi đó, các loài động vật nhỏ hơn như thú gặm nhấm và chim chóc vốn có khả năng thích nghi với nhiều loại môi trường sẽ phát triển mạnh mẽ hơn.
Sự bành trướng của con người, nạn phá rừng, quá trình canh tác nông nghiệp và hiện tượng nóng lên toàn cầu là nguyên nhân chủ yếu đẩy các loài động vật tới bờ vực tuyệt chủng.
Các nhà khoa học ước tính rằng sẽ có hơn 1.000 loài động vật có vú và chim chóc sẽ tuyệt chủng và dẫn tới sự sụp đổ của hệ sinh thái của Trái Đất mà con người là một phần trong đó.
Những loài động vật sinh sản nhiều, ăn côn trùng như chim nhỏ hay các loài gặm nhấm sẽ chiến thắng trong cuộc cạnh tranh sinh tồn này.
“Kẻ thù lớn nhất của các loài chim và thú có vú là con người. Chúng ta đang hủy hoại nghiêm trọng môi trường sống của chúng”, nhà nghiên cứu Rob Cooke kết luận.
Sự tuyệt chủng của các loài động vật quan trọng trong hệ sinh thái toàn cầu sẽ dẫn tới những hệ lụy nghiêm trọng.
“Duy trì sự đa dạng sinh học là cực kỳ cần thiết trong sự hoạt động của hệ sinh thái trên Trái Đất. Điều đáng buồn là sự đa dạng này đang dần mất đi”, ông Cooke nói.
Nghiên cứu cho thấy nhiều loài động vật sắp bị tuyệt chủng là nhân tố quan trọng trong hệ sinh thái trong việc phân phối chất dinh dưỡng, phát tán hạt cây và là cầu nối giữa các loài động vật và môi trường sống.
Các nhà nghiên cứu hi vọng rằng những nghiên cứu sâu có thể được thực hiện để tìm hiểu sâu hơn về tác động của sự tuyệt chủng với môi trường sống và hệ sinh thái.