Giới truyền thông thường khắc họa các fuerdai với hình tượng những người ngồi mát ăn bát vàng, tiêu xài hoang phí…Tuy nhiên, cuộc sống của các fuerdai không chỉ có những cuộc vui thâu đêm suốt sáng và những thú tiêu khiển tốn kém.
Vào cuối tháng 9, trang Bloomberg Business đã đăng tải một bài phóng sự khai thác những góc khuất trong cuộc sống của các fuerdai Trung Quốc do phóng viên Christopher Beam thực hiện. Từ những câu chuyện thực tế mà Christopher Beam chia sẻ trong bài viết này, SaoStar đã mổ xẻ và rút ra được những bí mật mà không phải ai cũng biết về các fuerdai:
1. Các fuerdai thường cảm thấy cô đơn
Jason Zhang (22 tuổi, con trai của giám đốc một công ty nhân sự lớn) chia sẻ: “Có những đêm ngồi ở nhà một mình, tôi định gọi cho một ai đó để tâm sự nhưng kéo danh bạ từ trên xuống dưới cũng không tìm thấy một người nào. Tôi có bạn gái 3 năm nay rồi. Cô ấy đối xử với tôi rất tốt nhưng nói thật là tôi không yêu cô ấy”.
Cha mẹ của các fuerdai là thế hệ những người đã trải qua những giai đoạn khó khăn nhất của cuộc cách mạng văn hóa. Cuộc sống khắc nghiệt thời điểm đó đã để lại cho họ nhiều tổn thương về mặt tâm lý. Họ lạnh lùng, ít thể hiện tình cảm. Điều này cũng đã phần nào ảnh hưởng đến con cái của họ hoặc cách giáo dục con cái của họ.
Đó là lý do khiến hầu hết các fuerdai đều có đời sống nội tâm khép kín. Họ không thể tâm sự với cha mẹ và cũng không dễ dàng cởi mở để nói ra những vấn đề của bản thân với người khác. Họ gặp vấn đề về niềm tin.
Cuộc sống ngập tràn những bữa tiệc tùng, vui chơi thâu đêm suốt sáng của các fuerdai thật ra cũng chỉ là cách để họ quên đi nỗi cô đơn trong lòng mình. Họ cũng cần sự quan tâm, yêu thương, những thứ mà bố mẹ họ không thể đáp ứng đầy đủ cho họ vì quá bận rộn với việc làm giàu.
2. Các fuerdai bị áp lực bởi cái bóng quá lớn của bố mẹ
Hầu hết tất cả các fuerdai đều gặp cùng một vấn đề. Đó là áp lực từ thành công của bố mẹ họ. Những việc họ làm được thường bị gán ghép vào sự hậu thuẫn từ phía gia đình, còn nỗ lực của bản thân họ thì không được ghi nhận. Đi đến đâu, họ cũng bị giới thiệu là “con trai/con gái của ông/bà…” thay vì được giới thiệu bằng chính tên của mình.
Nhiều fuerdai bản lĩnh đã quyết định bước ra khỏi cái bóng của bố mẹ để kinh doanh độc lập. Ví dụ như Wang Da Qi (30 tuổi, con trai của một doanh nhân nổi tiếng). Gần đây, anh đã phát hành một cuốn sách viết về các fuerdai. Tuy nhiên, nhiều lần anh đã phải tự hỏi không biết người ta đồng ý in sách của anh vì anh viết tốt hay vì danh tiếng của bố anh.
Hay như Ping Fan (36 tuổi, phó giám đốc RCEA) đã chuyển đến Thượng Hải để mở công ty riêng thay vì làm việc cho công ty bất động sản của bố anh tại tỉnh Liêu Ninh. Anh chọn Thượng Hải vì… thành phố này xa nhà anh, bố anh sẽ khó can thiệp vào chuyện kinh doanh của anh.
Còn Even Jiang (28 tuổi) sau khi tốt nghiệp đại học Columbia đã nghĩ đến việc về làm cho công ty nhập khẩu kim cương của mẹ nhưng cô lại không thích định hướng phát triển của công ty. Thế là Even quyết định đi làm cho công ty Merrill Lynch và sau đó quay về Thượng Hải mở một công ty chuyển phát nhanh.
Không may mắn như những fuerdai tìm thấy con đường riêng, Jason Zhang lại không tìm thấy mục đích sống của mình. Anh đang làm việc cho một công ty sản xuất chương trình truyền hình nhưng đó không phải là công việc mơ ước của anh. Jason tâm sự: “Khi còn nhỏ, tôi cũng có nhiều ước mơ lắm. Có lúc tôi mơ làm một tay chơi gôn, một tay đua xe, có lúc lại mơ làm bác sĩ… Nhưng càng lớn, càng hiểu biết nhiều, tôi càng thấy có những mục tiêu cuối cùng chỉ là mơ. Bây giờ tôi thực sự không có một kế hoạch nào ra hồn cho cuộc đời mình”.
3. Các fuerdai bị xã hội ghét bỏ
Người dân Trung Quốc thường không có cái nhìn thiện cảm về các fuerdai bởi lối sống trụy lạc, hoang phí của nhiều người trong số họ. Nhiều scandal liên quan đến các fuerdai đã liên tục làm dậy sóng dư luận những năm qua. Gần đây nhất là trường hợp con trai của Wang Jian Lin - ông trùm bất động sản số 1 Trung Quốc và cũng là người giàu nhất Trung Quốc đã mua cho chú chó cưng của mình 2 chiếc đồng hồ vàng của Apple, mỗi chiếc trị giá 12.000 đô-la Mỹ.
Không chỉ người dân thường mà ngay cả chính phủ Trung Quốc cũng cho rằng các fuerdai là mối đe dọa cho nền kinh tế và chính trị quốc gia. Đầu năm nay, chủ tịch nước Tập Cận Bình đã phải lên tiếng nhắc nhở về những hành xử không hay của các fuerdai thời gian qua. Ông cũng kêu gọi các fuerdai nên “suy nghĩ về nguồn gốc sự giàu có và chú ý lối ứng xử sau khi giàu có”.
Nhiều fuerdai cũng đã bắt đầu nhận thức được rằng họ phải thay đổi cái nhìn tiêu cực của xã hội về họ. Relay China Elite Association (RCEA), một tổ chức phi lợi nhuận chuyên kết nối các fuerdai với nhau đã ra đời nhằm mục đích đó. Đáng chú ý là điều kiện để một người gia nhập RCEA là cha mẹ của thành viên đó phải là những người trả mức thuế 7,86 triệu đô-la Mỹ trở lên hàng năm và phí đăng ký gia nhập là khoảng 31.450 đô-la Mỹ.
Tổ chức này khuyến khích các fuerdai thay thế hoặc hỗ trợ cha mẹ họ điều hành công ty, biến “fuerdai - thế hệ thứ hai giàu có” trở thành “chuangerdai - thế hệ doanh nhân thứ hai” và chăm chỉ làm từ thiện để hòa nhập cũng như thay đổi cái nhìn của xã hội đối với họ.
Lời kết
Lối sống phô trương, hoang phí của một bộ phận không nhỏ các fuerdai đã khiến xã hội có cái nhìn không mấy thiện cảm về họ. Nhưng qua một số trường hợp nêu trong bài viết này, chúng ta có thể thấy rằng các fuerdai cũng gặp nhiều áp lực từ chính sự thành công và giàu có của bố mẹ họ. Thậm chí, nhiều fuerdai còn biết tự lập, đi tìm mục đích cuộc sống và theo đuổi ước mơ của bản thân mà không ỷ lại vào bố mẹ.
Suy cho cùng, để được mọi người tôn trọng thì không quan trọng là bạn có bao nhiêu tiền mà quan trọng là thái độ sống, cách sống của bạn đối với xã hội này.