Jason Zhao, nhân viên một công ty nhà nước tại Bắc Kinh, biết rõ những khó khăn và rào cản nếu lựa chọn về quê đón Tết như phải xin phép cấp trên và có thể chỉ được nhận tiền thưởng Tết thấp hơn mức bình thường.
Cuối cùng, Zhao quyết định ở lại Bắc Kinh. Đây là năm thứ hai liên tiếp Zhao quyết định không về quê nhà ở Tân Cương xa xôi phía tây bắc, đoàn tụ cùng gia đình dịp Tết Nguyên đán.
Lo lắng nhiều
Tuần tới, hàng chục triệu người dân Trung Quốc sẽ bước vào kỳ Xuân Vận khi những người làm việc ở thành phố lớn quay về quê đón Tết. Đây vẫn được coi là cuộc di cư lớn nhất trong lịch sử loài người thời hiện đại. Kỳ Xuân Vận sẽ kéo dài trong 40 ngày, đến ngày 25/2. Năm ngoái, do các hạn chế vì dịch Covid-19, một bộ phận người dân Trung Quốc đã chấp nhận ở lại thành phố đón Tết.
Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc ước tính năm nay sẽ có số lượt di chuyển vượt xa mức 870 triệu của năm ngoái, thậm chí tiệm cận mức 1,5 tỷ lượt di chuyển của năm 2020. Nhưng con số này vẫn thấp hơn nhiều so với mức 3 tỷ lượt di chuyển của năm 2019.
Những hy vọng về việc dịch bệnh được kiểm soát ở Trung Quốc đã tan biến khi các ổ dịch liên tiếp xuất hiện, đặc biệt là tại Tây An, thành phố có 13 triệu dân hiện đang bị phong tỏa. Hai thành phố lớn khác là Thiên Tân, Thâm Quyến và đảo Hải Nam cũng ghi nhận các ca nhiễm biến thể Omicron.
Tuần trước, giới chức Trung Quốc ban hành cảnh báo “nâng cao cảnh giác” trong kỳ nghỉ lễ sắp tới. Nguyên nhân là do dịp Tết Nguyên đán diễn ra một tháng trước sự kiện Olympic Bắc Kinh.
“Mặc dù các công ty chưa chính thức công bố, quy định mới chắc chắn là sẽ gắt gao hơn trước. Về nhà vào thời điểm này không phải là ý hay”, Zhao nói. “Tôi và gia đình rất lo nếu tôi bị mắc kẹt hoặc bị cách ly ở Tân Cương hoặc Bắc Kinh và không thể trở lại làm việc. Ngoài ra, sẽ rất bất tiện cho cả gia đình nếu tôi bị cách ly ở Tân Cương".
Băn khoăn về quê hay ở lại thành phố
Trong khi đó, tại tỉnh Quảng Đông, nhiều người vẫn đang chờ đợi và xem tình hình trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về việc có về quê ăn tết hay không.
Ở tỉnh Quảng Đông, phía nam Trung Quốc, nhiều người dân Trung Quốc vẫn đang chờ đến phút cuối trước khi quyết định. Một quản lý cấp trung ở Quảng Châu, nói công ty đã yêu cầu các nhân viên báo cáo hàng ngày về lịch trình di chuyển, phục vụ truy vết nếu có ca nhiễm.
“Rời Quảng Châu bây giờ là điều không thể, nhưng các chuyến đi ngắn thì có thể vẫn được”, quản lý tên Li nói. “Hàng ngày, chúng tôi phải đo nhiệt độ và thông báo lịch trình với công ty, như một biện pháp đề phòng”.
Zhao Wei, giáo sư y tế công cộng tại một trường y ở Quảng Châu, nói lưu lượng giao thông lớn chắc chắn sẽ có tác động đến việc ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh. “Năm nay có sức ép lớn hơn hai năm trước vì người dân có tâm lý chủ quan trước dịch bệnh”, giáo sư Zhao Wei nói. “Đại dịch đang rất nghiêm trọng ở nước ngoài và do đó Trung Quốc rất khó miễn dịch khỏi nó”, ông Zhao nói khi đề cập tới biến thể Delta và Omicron đang lây lan tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Yang Min, một luật sư 35 tuổi ở Quảng Châu, nói cô có thể không về quê tại một ngôi làng ở tỉnh Hà Bắc trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. “Công ty thậm chí còn phạt nếu chúng tôi về quê. Tôi lo ngại nhiều hơn đến việc cách ly và các hạn chế áp đặt ở quê nhà tại Hà Bắc”, Yang nói.
Yang cho biết bố mẹ cô đã ngoài 70 tuổi và Tết Nguyên đán có ý nghĩa rất lớn khi mà họ luôn muốn được đoàn tụ gia đình vào dịp này.
“Bố mẹ tôi chắc sẽ rất buồn vì chúng tôi không về, đặc biệt là khi hàng xóm sum vầy đón Tết bên con cháu”, nữ luật sư chia sẻ. “Tôi vẫn chưa nói với bố mẹ về quyết định của mình. Họ sẽ hiểu nhưng vẫn rất thất vọng”.