Aldi, Coles, IGA và Woolworths là những chuỗi siêu thị nổi tiếng tại Úc đã dính líu đến một vụ scandal đình đám về lạm dụng lao động trẻ em sau khi phát hiện số hàng hóa nhập từ một công ty Thái Lan được chế biến từ những “nô lệ” bất hợp pháp.
Theo AP đưa tin, những người nhập cư nghèo và trẻ em đã bị bán cho các nhà máy ở Thái Lan. Họ trở thành nguồn lao động dồi dào trong dây chuyền sản xuất và xuất khẩu tôm đi khắp thế giới.
Hàng trăm lều nuôi tôm đang nằm ẩn núp trong ngôi làng Samut Sakhon, cách Bangkok một tiếng chạy xe, trong đó những nô lệ vẫn bị nhốt bên trong. Báo cáo mới nhất thu được hồi tháng trước sau khi các phóng viên AP lén theo dõi và quay phim những xe tải chất đầy tôm tươi từ nhà máy Gig đến các công ty xuất khẩu Thái Lan có tiếng. Các phóng viên đã lần theo dấu vết mối liên hệ với một nhà máy khác từ 6 tháng trước và phỏng vấn hơn 20 nhân công từng làm việc ở hai nhà máy này.
Các phóng viên AP đã phát hiện tại nhà máy Gig Peeling, gần 100 lao động người Myanmar đã làm việc không công trông suốt nhiều tháng trời, thậm chí là mấy năm. Mỗi ngày họ phải làm việc 16 tiếng, ngâm tay trực tiếp với đá lạnh, lột vỏ tôm và sơ chế hoàn toàn thủ công. Một bé gái nhỏ thó còn phải đứng trên một chiếc ghế để với tay lên bàn.
Aldi, Coles và Woolworths cũng xác nhận với The Age rằng họ đang tiến hành cuộc điều tra dây chuyền cung ứng trong suốt thời gian qua. Trả lời phỏng vấn, người đại diện công ty cho biết “Liên đoàn Thái Lan là một trong những nhà cung cấp của chúng tôi chuyên xuất khẩu đến những nhãn hiệu bán lẻ phương Tây lớn nhất thế giới. Chúng tôi sẽ điều tra các nhà cung cấp và xin ý kiến từ những đối tác NGO về vấn đề này”.
Các công ty Úc cũng lo lắng vụ scandal này có thể gây ảnh hưởng sụt giảm lượng tôm bóc vỏ làm đẩy giá lên cao vào mùa hè tới, bởi khách hàng sẽ chuyển sang mua hàng từ các nhà sản xuất trong nước hơn là hàng nhập khẩu.
Nhóm hoạt động vì môi trường Greenpeace cũng cho biết đây chính là hồi chuông cảnh tỉnh đối với người tiêu dùng Châu Úc: “Không còn nghi ngờ gì nữa, người Úc đang mua hải sản, bao gồm tôm bóc vỏ từ liên đoàn Thái Lan, và không may đã tiếp tay vào thực tế đáng buồn về sử dụng lao động bất hợp pháp tại Châu Á “.
Báo cáo của AP cũng đưa tin lao động trẻ em bị đe dọa dùng đòn roi, vũ lực nếu không làm việc. Eae Hpaw, 16 tuổi, kể lại “Họ không cho chúng em nghỉ ngơi, tay em đầy vết sẹo từ tôm chích và dị ứng”. Mỗi ngày các em hết ca làm lúc 7h sáng, rồi được đi tắm và chợp mắt nghỉ ngơi. Sau đó một ngày làm việc lại bắt đầu lúc 3h sáng.
Hơn 2000 ngư dân đã được thả tự do năm nay sau một loạt điều tra của AP về vấn đề nô lệ trong ngành công nghiệp hải sản Thái Lan. Báo cáo cũng giúp cảnh sát tiến hành hàng chục cuộc bắt giữ, cứu được hàng triệu đô la Mỹ và đề xuất bộ luật mới về vấn đề lao động.
Nạn buôn người làm lao động bất hợp pháp đã giúp Thái Lan trở thành một trong những nhà cung cấp tôm lớn nhất thế giới. Dù các doanh nghiệp và chính phủ đã liên tục hứa hẹn sẽ xử lý ngành công nghiệp xuất khẩu hải sản trị giá 7 triệu đô la Mỹ tại nước này, việc lạm dụng lao động vẫn xảy ra, một phần là do nạn tham nhũng trong giới cảnh sát và các quan chức địa phương.