Càn Long là một ông vua có tài nhưng nổi tiếng đa tình trong lịch sử Trung Hoa nên được hậu thế gọi là “Hoàng đế phong lưu”. Càn Long Đế không chỉ có tam cung lục viện với hàng ngàn mỹ nhân giai lệ mà còn có nhiều mối tình trong dân gian sau khi đi tuần ở Giang Nam 6 lần. Thậm chí, dù hết mực yêu thương người vợ Phú Sát thị (Phú Sát Hoàng hậu) nhưng Càn Long vẫn lén lút tư thông với em dâu vợ.
Tuy nhiên, trong xã hội phong kiến của Trung Quốc ngày xưa, chồng tam thê tứ thiếp, Hoàng đế có tam cung lục viện là điều quá đỗi bình thường. Sở dĩ như vậy là để “khai chi tán diệp”, giúp dòng tộc có thêm nhiều con cháu, nối dõi tông đường. Thế nhưng, trong lịch sử Trung Hoa lại có một ông vua đi ngược lại với “lẽ thường”, bởi ông chỉ son sắt chung tình với một người vợ duy nhất, hậu cung không có bất cứ tỳ thiếp nào. Ông vua này là Minh Hiếu Tông, vị Hoàng đế thứ 10 của triều đại nhà Minh.
Vị Hoàng đế 1 vợ, hậu cung không tỳ thiếp
Minh Hiếu Tông (30/7/1470 - 8/6/1505) tên thật là Chu Hựu Đường, lên ngôi lúc 17 tuổi và ông trị vì 18 năm từ 1488 đến 1505, niên hiệu Hoằng Trị. Hoằng Trị Đế là một người nhân từ, thông minh, kiên định và siêng năng.
Mặc dù nắm quyền cai trị không lâu nhưng Hoằng Trị Đế được xem là một trong những vị Hoàng đế đáng khen nhất của nhà Minh, vì nền kinh tế Đại Minh dưới thời cai trị của ông rất thịnh vượng. Đồng thời, ông cũng thẳng tay bãi chức những quan bất tài và hoạn quan lộng quyền.
Không chỉ vậy, ông vua này còn nổi tiếng là một người chung tình, son sắt với vợ đến kỳ lạ. Bởi dù là thân cửu ngũ chí tôn nhưng Hoằng Trị Đế lại chỉ có duy nhất một người vợ là Hiếu Thành Kính -Hoàng hậu Trương thị. Trương Hoàng hậu trở thành vợ của Hoằng Trị Đế từ năm 1487, khi ông vẫn đang là Hoàng thái tử. Sau khi lên ngôi, Hoằng Trị Đế cũng không lập thêm thê thiếp nào mà chỉ chung tình với Hoàng hậu, mặc kệ cho quan lại dâng tấu khẩn cầu như thế nào đi chăng nữa.
Theo quy định của nhà Minh, Hoàng đế và Hoàng hậu hay bất cứ phi tần nào cũng không được ngủ cùng nhau suốt đêm. Mỗi lần Hoàng đế lâm hạnh xong, các phi tần phải lập tức trở về cung của mình, nhưng chỉ có Hoằng Trị Đế và Hoàng hậu của ông là vẫn ân ái, duy trì những thói quen sinh hoạt hàng ngày như những cặp vợ chồng bình thường.
Theo sử sách ghi lại, có một lần Trương Hoàng hậu bị sưng miệng, Hoằng Trị Đế đã tự tay bưng nước, truyền thuốc cho bà. Thậm chí, ông còn không dám ho vì sợ làm phiền bà nghỉ ngơi. Trong thời phong kiến, dù là một người chồng bình thường thì việc đối xử với vợ như vậy đã là chuyện hiếm có, huống chi là bậc cửu ngũ chí tôn.
Không chỉ vậy, ông vua này còn dành đãi ngộ đặc biệt cho gia đình Trương Hoàng hậu. Khi lập hậu được 4 năm, phụ thân Trương Hoàng hậu là Trương Loan được phong bá, khi chết đi được truy phong là Xương Quốc công. Hai em trai của Hoàng hậu là Trương Hạc Linh được phong là Thọ Ninh Hầu và Trương Diên Linh phong Xương Hầu.
Thậm chí, theo một số sử sách ghi lại, Trương Hoàng hậu trước mặt Hoàng thượng còn tự xưng “ta” rất tự nhiên chứ không nhún nhường xưng “thần thiếp” như các phi tần khác.
Cuộc sống êm ấm, hạnh phúc của Hoằng Trị Đế và Trương Hoàng hậu cứ bình lặng trôi qua. Họ có chung với nhau 2 người con trai và 3 con gái.
Tuổi thơ sóng gió và bài học khắc cốt ghi tâm rời xa lối sống đa thê
Hoằng Trị Đế là con trai thứ 3 của Hoàng đế Thành Hóa (hiệu Minh Hiến Tông) và Hiếu Mục Hoàng hậu (tên húy là Thục Kỷ), vốn là phi tần trong hậu cung.
Theo sử liệu, lúc đó, trong cung có Vạn Quý phi, vốn được vua Thành Hóa hết mực sủng ái. Khi Vạn Quý phi sinh hạ cho vua một vị hoàng tử, bà càng nhận được ân sủng hết mực nhưng vị hoàng tử đó không may đã chết yểu.
Vốn là một người tính tình hiểm độc nên khi mất con, lòng dạ Vạn Quý phi càng trở nên “lang sói” hơn. Lo sợ người khác có thể cướp mất vị trí của mình, Vạn Quý phi lập dã tâm không để cho bất cứ phi tần nào được sinh con. Bà giết tất cả những đứa trẻ là con của Hoàng đế với các phi tần khác. Chỉ cần phát hiện phi tần nào mang thai, bà lập tức bỏ thuốc độc, ép phá thai, thậm chí còn giết chết người đó, thủ đoạn vô cùng thâm độc.
Thế nhưng số trời đã định, chỉ có một đứa trẻ thoát khỏi nanh vuốt của Vạn Quý phi chính là Chu Hựu Đường (Hoằng Trị Đế sau này). Với sự giúp đỡ của một thái giám thân tín và Hoàng hậu Hiếu Trinh Thuần, Kỷ Thục Phi đã khéo léo che giấu sự tồn tại của con trai mình trong suốt 5 năm trời mà không bị phát hiện.
Khi thấy tình thế được cải thiện hơn, Chu Hựu Đường được xuất hiện. Sau khi các con của vua Minh Hiến Tông liên tục chết yểu, ông đã vô cùng đau buồn và hoảng loạn. Sự xuất hiện của Chu Hựu Đường như “nắng sau cơn mưa”, khiến Minh Hiến Tông vui mừng khôn xiết, ngay lập tức chọn Hựu Đường làm người thừa kế ngai vàng.
Đến lúc này, Vạn Quý phi muốn mưu sát Hựu Đường cũng không được nên bèn quay sang giết Kỷ Thục phi. Có lẽ cái chết của mẹ cũng như những cuộc tàn sát, tranh giành quyền lực chốn hậu cung đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực trong tâm trí của Chu Hựu Đường. Vì vậy, ngay sau khi lên ngôi, Hoàng đế Hoằng Trị đã quyết định chỉ chung tình với một người vợ duy nhất.
Trong mắt những người đương thời, ông vua này có vẻ là một “kẻ lập dị, khó hiểu” nhưng rõ ràng cách sống của ông là cách sống “đi trước thời đại”, bởi chỉ có yên bề gia thất thì mới có thể an tâm lo lắng việc triều chính, không bị những thị phi chốn hậu cung làm phiền não.