Trong giai đoạn 2020-2030, chu kỳ hoạt động của Mặt trời sẽ yếu đi, giống như những gì xảy ra cách đây hơn 370 năm trước.
Hiện tượng “Maunder minimum” hay còn gọi là tiểu kỷ băng hà xảy ra năm 1645-1715 tạo ra đợt rét kỷ lục, đến mức sông Thames tại London đóng băng, theo Daily Mail.
Giáo sư Valentina Zharkova đến từ Đại học Northumbria, Anh là người đứng đầu nghiên cứu và đưa ra dự đoán này.
Bà cũng là người đã xây dựng hệ thống dự đoán sóng điện từ của Mặt trời trước kia. Đây chính là công cụ giúp bà Zharkova đưa ra dự đoán về kỷ băng hà mini.
Bà Zharkova tự tin nói nhóm nghiên cứu của mình đưa ra kết quả “chính xác tới 97%”. Bà mô tả nghiên cứu là “dự đoán nghiêm túc đầu tiên về sự thay đổi trong chu kỳ của Mặt trời có ảnh hưởng đến sự sống trên Trái đất”.
Bà Zharkova lưu ý rằng, những gì xảy ra trong những năm tới có thể sẽ không thực sự giống như kỷ băng hà, vì hiện tượng Trái đất nóng lên đang ở ngưỡng nghiêm trọng.
Michael Brown, giáo sư thiên văn học tại Đại học Monash, Úc, cho rằng kỷ băng hà mini sẽ không làm thay đổi tình trạng Trái đất nóng lên như hiện tại.
“Lượng khí thải nhà kính tăng thêm 40% so với giai đoạn thế kỷ 17. Nhiệt độ toàn cầu không ngừng lập kỷ lục mới”, ông Brown nói. “Tôi cho rằng Maunder minimum sẽ không làm thay đổi đáng kể khí hậu trên Trái đất”.
Tuy vậy, bà Zharkova tin tưởng rằng, kỷ băng hà mini có thể làm chậm, hoặc đảo ngược hoàn toàn hiện tượng Trái đất ấm lên trong hàng chục năm qua.
“Tôi hy vọng rằng hiện tượng Maunder minimum sẽ góp phần ngăn cản quá trình nóng lên của Trái đất, giúp chúng ta có thêm 30 năm để giải quyết các vấn đề liên quan”, bà Zharkova nói.
Theo nghiên cứu, hoạt động của Mặt trời sẽ giảm tới 60% ngay từ những năm 2030. giống hệt như những gì đã từng xảy ra trong kỷ băng hà mini vào năm 1645.
“Ở chu kỳ số 26 (diễn ra vào năm 2030-2040), sóng Mặt trời sẽ đạt đỉnh ở hai bán cầu đối diện nhau, và chúng sẽ triệt tiêu nhau. Nó sẽ tạo ra hiện tượng kỷ băng hà mini”.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Astronomy & Geophysics.