Các nhà bản đồ học tại National Geographic Society (Hiệp hội Địa lý quốc gia Mỹ) hôm 8/6 cho biết sẽ chính thức công nhận đại dương thứ 5 trên Trái đất. Thông báo này được đưa ra vào đúng Ngày Đại dương Thế giới.
Các quan chức tại Hiệp hội Địa lý quốc gia Mỹ cho biết dòng chảy xiết bao quanh Nam Cực khiến vùng nước này trở nên khác biệt, do đó nó xứng đáng có một cái tên riêng.
Kể từ khi Hiệp hội Địa lý quốc gia Mỹ bắt đầu tạo bản đồ vào năm 1915, cơ quan này đã công nhận bốn đại dương: Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Bắc Cực. Nam Đại Dương là đại dương duy nhất tiếp xúc với 3 đại dương khác và bao trùm toàn bộ một châu lục, chứ không bị các châu lục khác nằm bao quanh như 4 đại dương còn lại.
“Nam Đại Dương từ lâu đã được các nhà khoa học công nhận, nhưng vì chưa có thỏa thuận quốc tế nào nên chúng tôi chưa chính thức công nhận nó”, nhà địa lý Alex Tait của Hiệp hội Địa lý quốc gia Mỹ cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
Các quan chức Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia cho biết cơ quan liên bang đã công nhận khu vực trên là là đại dương thứ 5 vào năm 1999 khi Ủy ban Địa lý Mỹ phê duyệt tên gọi “Nam Đại Dương”, theo The Washington Post đưa tin.
Tuy nhiên, có nhiều cuộc tranh luận về việc liệu các vùng nước xung quanh Nam Cực có lạnh hơn các phần mở rộng về phía nam của Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương hay không. “Đó là một dạng địa lý khó hiểu theo một số cách nào đó", nhà địa lý Tait nói.
Theo Tait, Nam Đại Dương xứng đáng với danh hiệu của nó. Việc công nhận tên gọi Nam Đại Dương phù hợp với quan điểm của hiệp hội là bảo tồn các đại dương trên thế giới và khiến cộng đồng quan tâm hơn tới một khu vực cần được bảo vệ.
Việc công bố đại dương mới sẽ làm thay đổi không nhỏ đến ngành giáo dục nói riêng và khoa học nghiên cứu địa lý, khí hậu Trái đất nói chung.
“Vì vậy, khi học sinh tìm hiểu về các phần của thế giới đại dương, họ biết rằng đó là một đại dương được kết nối với nhau và có những khu vực được gọi là đại dương thực sự quan trọng và có một khu vực khác biệt trong vùng nước băng giá xung quanh Nam Cực", nhà địa lý Tait cho hay.