Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

Tìm thấy thẻ điệp viên Stasi của Tổng thống Putin tại Đức

Theo Người lao động Theo dõi Saostar trên google news

Một thẻ Stasi được Tổng thống Nga Vladimir Putin sử dụng khi ông còn là điệp viên của Liên Xô ở Đông Đức (cũ) đã được tìm thấy trong một kho lưu trữ ở TP Dresden – Đức.

Theo đài Sputnik, Stasi (Bộ An ninh Quốc gia) là Cơ quan tình báo nội vụ và hải ngoại của Cộng hoà Dân chủ Đức (hay còn gọi là Đông Đức), viết tắt là MfS.

Trong những năm 1980, ông Putin hoạt động với vai trò sĩ quan KGB ở TP Dresden - Đức. Thẻ Stasi nói trên của nhà lãnh đạo Nga được tìm thấy trong quá trình nghiên cứu về sự hợp tác chặt chẽ giữa Cơ quan Tình báo Nga (KGB) và Stasi.

Ông Putin - khi đó là thiếu tá KGB - đã nhận nó vào năm 1985. Chiếc thẻ giúp ông ra vào các cơ sở của Stasi nhưng đài BBC cho biết có thể ông không làm điệp viên cho tổ chức này.

Thẻ điệp viên Stasi của Tổng thống Putin được tìm thấy ở Đức. Ảnh: BStU

Trong một tuyên bố hôm 11-12, Cơ quan Lưu trữ Hồ sơ Stasi (BStU) nói rằng ông Putin “đã nhận được chiếc thẻ để ông thực hiện công việc mà KGB giao cho khi hợp tác với Stasi”.

“Nghiên cứu hiện tại không có dấu hiệu nào cho thấy ông Vladimir Putin làm việc cho MfS” - BstU khẳng định.

Theo đài BBC, ông Putin sinh ra ở Leningrad (nay là St Petersburg) và được gửi đến Đông Đức từ năm 1985 ở tuổi 33. Hai cô con gái của ông cũng được sinh ra trong quãng thời gian đó. Hiện tại, nhà lãnh đạo Nga đã bước sang tuổi 66.

Quãng thời gian ông Putin hoạt động tại TP Dresde. Ảnh: BStU

Chữ ký của ông Putin. Ảnh: BStU

Ông Putin làm việc cho KGB ở TP Dresden cho đến tháng 12-1989, khi Đông Đức sụp đổ. Thẻ Stasi của ông được gia hạn 3 tháng một lần. Không rõ lý do ông để lại chiếc thẻ trong kho lưu trữ ở TP Dresden.

Thời điểm đó, ông Putin thông thạo tiếng Đức và xác nhận mình đích thân trấn an đám đông ở TP Dresden khi họ bao vây tòa nhà Stasi. Trong thời gian phục vụ KGB tại TP Dresden, ông Putin được thăng lên cấp bậc trung tá.

Năm 1989, ông Putin được Cộng hòa Dân chủ Đức (GDR) trao tặng huy chương đồng “vì sự phục vụ trung thành dành cho Quân đội Nhân dân Quốc gia”, trang web Điện Kremlin viết.

Sau khi trở về Nga, ông Putin vươn lên vị trí người đứng đầu Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB - kế thừa của KGB) và trở thành tổng thống vào năm 2000.

Tháng 6-2017, phát biểu trên truyền hình nhà nước Nga, ông Putin mô tả các điệp viên KGB là những người có “phẩm chất, niềm tin và tính cách đặc biệt”.

Ông Putin (trái) dự đám tang hôm 11-12. Ảnh: EPA

Phát ngôn viên Điện Kremlin, Dmitry Peskov, từ chối đề cập chi tiết về sự xuất hiện của chiếc thẻ Stasi của ông Putin. “KGB và Stasi là các cơ quan tình báo đối tác nên không loại trừ việc trao đổi những chiếc thẻ như vậy” - ông Peskov nói.

Trong một diễn biến khác, hôm 11-12, đám tang của nhà hoạt động nhân quyền Lyudmila Alexeyeva được tổ chức sau khi bà qua đời hôm 8-12 ở tuổi 91. Tham dự buỗi lễ tiễn đưa bà Alexeyeva về nơi yên nghỉ cuối cùng có cả Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Người lao động

Được quan tâm

Tin mới nhất