Theo Express, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) mới đây dự báo một tiểu hành tinh tên JF1 có đường kính khoảng 100 mét, gần bằng chiều dài kim tự tháp Giza nổi tiếng của Ai Cập, có thể tiếp xúc với Trái đất của chúng ta vào ngày 6/5/2022. Nếu JF1 di chuyển với quỹ đạo hiện tại, nó có thể tấn công hành tinh của chúng ta với một lực là 230 kilotone - tương đương 230.000 tấn thuốc nổ TNT.
Điều đáng sợ hơn nữa là sức công phá mà nó sẽ tác động lên Trái đất nếu va chạm sẽ lớn gấp hơn 15 lần so với quả bom mà Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản thời Thế chiến thứ hai.
Không chỉ vậy, mà các nhà khoa học còn nói rằng nếu tiểu hành tinh tấn công một khu vực đông dân cư, nó có thể quét sạch ra cả một thành phố và khiến hàng triệu người mất mạng.
NASA cũng cảnh báo ngay cả khi nó tấn công vào khu vực xa xôi nhất của Thái Bình Dương, nó vẫn có thể gây ra các thảm họa tự nhiên như sóng thần và mùa đông hạt nhân. Tuy nhiên, cơ quan này cũng nhấn mạnh xác suất thiên thạch đâm vào Trái đất là rất thấp, chỉ 1/3.800.
Dù vậy, NASA vẫn quyết định để mắt tới tiểu hành tinh JF1 này thông qua Sentry, hệ thống giám sát từ xa, để tránh khả năng nó đâm vào Trái đất. Sentry là hệ thống giám sát va chạm tự động, liên tục quét các tiểu hành tinh để xác định nguy cơ tác động của nó đối với Trái đất trong 100 năm tới.