Tin tức 12 cậu bé bị mắc kẹt trong hang động ở miền bắc Thái Lan được giải cứu tuần này, cùng cuộc hội ngộ cảm động với cha mẹ các em đã thu hút cả thế giới. Nhưng ít người biết rằng, nhiệm vụ giải cứu này gần như đã có lúc đi vào ngõ cụt.
Nhà chức trách vừa tiết lộ những thông tin chi tiết hơn về chiến dịch 17 ngày nhằm giải cứu các cậu bé khỏi hang Tham Luang ở dãy núi Doi Nang Non và gọi đây là cuộc chiến chống lại thiên nhiên.
Khi phát hiện những chiếc xe đạp của các cầu thủ bên ngoài hang, đội cứu hộ ban đầu cho rằng nhiệm vụ này sẽ không có gì khó. Nhưng vài ngày sau đó, họ nhận ra công việc khó khăn hơn họ nghĩ, bởi mưa lớn làm ngập hang nhanh hơn dự kiến, khiến cả quân nhân hải quân cũng phải rút lui.
“Chúng tôi đã chiến đấu và bị đánh bại, thất trận trước dòng nước“, ông Narongsak Osatanakorn, lãnh đạo trung tâm chỉ huy phối hợp chỉ đạo chiến dịch, chia sẻ.
Các quân nhân hải quân SEAL bắt đầu thâm nhập sâu vào trong hang, nhưng bùn đất, lòng hang hẹp và mực nước cao đã cản trở họ. “Cái hang này không giống bất kỳ thứ gì chúng tôi từng trải nghiệm, nó rất tối“, Apakorn Youkongkaew, một chuẩn đô đốc Hải quân Thái Lan, cho hay.
Điều kiện địa hình đầy thách thức đến độ, suốt 23 tiếng đồng hồ, hải quân SEAL đã mất liên lạc với hai đội được cử vào hang.
Suốt một tuần đầu tiên, các nỗ lực bơm nước mưa ra khỏi hang đều không hiệu quả. Cuộc giải cứu phải kêu gọi đến các thiết bị hạng nặng và một đội ngũ thợ lặn hang động chuyên nghiệp từ Anh, Australia, Mỹ và châu Âu.
John Volanthen, một thợ lặn người Anh, đã tìm thấy các cậu bé vào ngày 2/7, chen chúc trên một sườn dốc đầy bùn cách cửa hang gần 2 dặm. Youkongkaew tỏ ra rất khâm phục sự dũng cảm và kiên cường của các em nhỏ vì đã chịu đựng được suốt 10 ngày trong cảnh không có thức ăn giữa bóng tối đen đặc mà không biết liệu có ai đến cứu hay không. “Các cậu bé không tuyệt vời hay sao?”, anh nói.
Thách thức tiếp theo của đội cứu hộ là đưa người ra. Khi nhà chức trách bắt đầu bơm nước từ hang ra - hoạt động này được thực hiện ở mức độ công nghiệp với dự kiến khoảng 10 tỷ mét khối nước được bơm ra - rào cản thứ hai xuất hiện.
Mức oxy trong hang dần giảm xuống đến mức có hại cho con người, giới hạn thời gian còn lại để cứu đội bóng xuống còn chưa đầy một tháng.
Lo sợ các cậu bé sẽ hôn mê vì thiếu oxy, hoạt động giải cứu buộc phải đẩy nhanh tiến độ. “Một yếu tố nữa là nước đang dâng lên”, ông Osatanakorn cho biết. “Không như những nơi khác, mưa ở miền bắc rất lớn. Các cậu bé sẽ không còn chỗ nào để tránh cả. Các em chỉ có một khoảnh đất khoảng 25m2. Và nơi đó cũng sẽ dần bị ngập nước”.
12 cậu bé đã được đeo mặt nạ lặn kín mặt và buộc mình vào các thợ lặn để vượt qua những vùng ngập nước trong hành trình thoát khỏi hang.
Sau đó, các em được chuyển lên cáng và bọc chăn mỗi khi đến được những vùng đất khô. Các dấu hiệu sinh tồn của các em được kiểm tra nhiều lần trong suốt hành trình.
Lãnh đạo hải quân SEAL dường như đã xác nhận việc các cậu bé được gây mê cho cuộc hành trình khi phát biểu trong buổi họp báo: “Dọc đường, một số em có thể đã ngủ”.
Ngày 11/7, Wang Yingjie, lãnh đạo đội cứu hộ từ Trung Quốc, cho biết khi mới bắt đầu cuộc giải cứu, ông không chắc những nỗ lực của họ có mang lại kết quả hay không.
“Nhưng chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác”, ông phát biểu tại bữa trưa mừng công ở Mae Sai. “Khi tôi nhìn thấy cậu bé đầu tiên (được đưa ra), tôi cảm thấy như chúng tôi đã tiến được một bước đến thành công. Chúng tôi đã rất hạnh phúc. Rồi khi thấy cậu bé thứ hai, tôi nghĩ kế hoạch của chúng tôi có hiệu quả rồi”.
Ông cho biết thợ lặn các nước đã phối hợp rất ăn ý với nhau. “Ngôn ngữ không phải là rào cản, và chúng tôi nhận thấy rằng ngôn ngữ trong các ngành kỹ thuật, như lặn hay hệ thống dây, được sử dụng phổ quát”, ông chia sẻ.
Yingjie và đội thợ lặn đã gửi lời xin lỗi vì đi dép lê đến buổi mừng công. Ông nói rằng da chân của họ đã mỏng đi trông thấy sau suốt hàng chục giờ lặn ngụp trong nước bùn.
Trả lời phỏng vấn của tờ Guardian hôm 11/7, các thợ lặn Australia tham gia cuộc giải cứu cho biết có những khoảnh khắc suýt chút nữa đã trở thành thảm họa. Vài giờ sau khi thành viên cuối cùng của đội bóng Lợn rừng được giải cứu, bơm chính trong hang bị hỏng, và mực nước bắt đầu dâng lên.
Một thợ lặn cho biết anh nghe thấy tiếng thét từ sâu bên trong hang động. “Tất cả đèn pha rọi hết lên đồi, và chúng tôi nhìn thấy nước dồn đến”, anh nói. “Mực nước tăng rõ rệt”.
100 nhân viên còn lại trong hang đã phải cuống cuồng chạy đến lối ra, và an toàn thoát ra ngoài chưa đến một tiếng đồng hồ sau đó.
Osatanakorn, người đã trở thành anh hùng quốc gia sau sự thành công của nhiệm vụ giải cứu, gọi các cậu bé là “một biểu tượng cho sự đoàn kết của nhân loại.”
Ông nói thêm: “Tất cả mọi người đã hợp tác cùng nhau, bất kể chủng tộc và tôn giáo, vì mục tiêu giải cứu đội bóng trẻ và đưa các em về nhà an toàn”.
Ông nói rằng các cậu bé không có lỗi khi bị mắc kẹt trong hang, và các em có thể xuất hiện trước truyền thông khi sức khỏe tốt lên nếu các bác sỹ và cha mẹ các em cho phép.
Người chỉ huy cuộc giải cứu cũng đã trút bỏ được vẻ nghiêm nghị sau mấy tuần qua. Trong cuộc họp báo, ông còn cười và tỏ ra hơi bồn chồn. Ông chia sẻ với tờ Guardian rằng ông muốn đóng vai chính mình trong một bộ phim về cuộc giải cứu.
Bên ngoài phòng họp báo, đám đông tình nguyện viên đã vây quanh đứng đợi. Khi được hỏi xin chụp một bức ảnh selfie, vị chỉ huy trả lời: “Tại sao lại không? Các cậu bé đã được đưa ra ngoài rồi”.