Theo trang thống kê Worldometers, tính đến 6h sáng ngày 10/10, đại dịch Covid-19 đã lây nhiễm virus cho hơn 37 triệu người và cướp đi sinh mạng của khoảng 1,07 triệu bệnh nhân trên thế giới.
Trong danh sách 214 quốc gia và vùng lãnh thổ có sự hiện diện của Covid-19, Mỹ vẫn đứng đầu về số người nhiễm (gần 7,9 triệu ca) và số người tử vong (218.500 ca).
Ấn Độ trải qua ngày bi thảm khi ghi nhận thêm 929 người chết vì Covid-19, nâng danh sách tổng lên hơn 107.000 trường hợp. Số người mắc Covid-19 ở nước này hiện gần chạm mốc 7 triệu, tăng thêm hơn 73.000 ca trong 24 giờ qua.
Covid-19 lan rộng tại Pháp
Chính phủ Pháp thông báo các thành phố Lille, Lyon, Grenoble và Saint-Etienne sẽ áp đặt tình trạng khẩn cấp ở mức tối đa, gia nhập cùng với thành phố Paris, Aix-Marseille và vùng lãnh thổ hải ngoại Guadeloupe bị áp đặt trước đó.
Từ sáng 10/10, các thành phố này sẽ phải áp dụng các giới hạn tương tự tại Paris, như đóng cửa các quán bar, quán cafe, các phòng tập thể thao, hạn chế hoạt động của các nhà hàng và không được tụ tập quá 10 người nơi công cộng.
Ngoài ra có 2 thành phố khác là Toulouse và Montpellier cũng chứng kiến sự lây lan phức tạp của dịch bệnh nên nhiều khả năng sẽ sớm được đặt trong tình trạng báo động tối đa.
Theo quy định về kiểm soát lây nhiễm ở Pháp, mức "báo động tối đa" được áp đặt với một thành phố hay khu vực khi có trên 250 ca nhiễm mới/100 nghìn dân và hơn 30% giường chăm sóc đặc biệt dành cho bệnh nhân Covid-19.
Như vậy chỉ trong 3 tuần đã có tới bảy vùng và thành phố của Pháp bị xếp vào danh sách "báo động tối đa", chứng tỏ dịch bệnh đang lây lan rất nhanh tại quốc gia này.
Trung Quốc gia nhập sáng kiến vắc-xin Covid-19 toàn cầu
Trung Quốc thông báo sẽ tham gia sáng kiến vắc-xin Covid-19 toàn cầu Covax do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đứng đầu dù nước này đang dẫn đầu thế giới về số loại vắc-xin đang trong quá trình nghiên cứu và phát triển.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết, Bắc Kinh thực hiện bước đi cụ thể này nhằm bảo đảm vắc-xin được phân phối công bằng, nhất là với những nước đang phát triển.
Trung Quốc cũng hy vọng sẽ có thêm nhiều quốc gia có tiềm lực tham gia vào Covax, sáng kiến trị giá 18 tỷ USD do WHO, Liên minh toàn cầu về vắc-xin (Gavi), Liên minh đổi mới sáng tạo sẵn sàng phòng chống dịch (CEPI) đồng tài trợ.
Hiện Covax đã có hơn 170 nước tham gia, với 9 mẫu vắc-xin thuộc Covax đang được nghiên cứu phát triển. Mục tiêu của sáng kiến này là cung ứng ra thế giới khoảng 2 tỉ liều vắc-xin ngừa Covid-19 trong năm 2021, bảo đảm khoảng 20% dân số nằm trong diện dễ bị tổn thương được tiêm phòng.
Hàng triệu người di cư mắc kẹt
Theo tổ chức Di cư quốc tế (IOM) của Liên Hợp Quốc, hơn 2,7 triệu người di cư muốn về nước vẫn đang mắc kẹt ở hải ngoại do các biện pháp phong tỏa và đóng cửa biên giới để ngăn chặn Covid-19 lây lan.
Số liệu trên được IOM đưa ra dựa vào các nguồn thống kê chính thức. Danh sách gồm các lao động thời vụ, người tạm trú, du học sinh, người ra nước ngoài để chữa bệnh và các thuyền viên.
IOM cho biết, Trung Đông và Bắc Phi là hai khu vực có nhiều người di cư mắc kẹt nhất, với 1,275 triệu người. Tiếp đến là châu Á với 977.000 người, trong đó riêng tại UAE (Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất) là 648.000 người... Ngoài ra, có khoảng 400.000 thuyền viên kẹt trên biển, với một số người thậm chí phải lưu lại trên tàu 17 tháng.