Thi thể Waziran Chhachhar được phát hiện cạnh đường cao tốc ở tỉnh Sindh, đông nam Pakistan.
Người ta cho rằng Waziran bị ném đá đến chết sau khi một thỏa thuận trao đổi cô dâu liên quan đến gia đình cô gái và gia đình chồng không diễn ra đúng như ý. Thỏa thuận này được người địa phương gọi là watta satta (cho và nhận).
Vụ việc làm dấy lên sự phẫn nộ trên khắp mạng xã hội Pakistan. Rất nhiều người chia sẻ video ghi cảnh cha của cô gái, ông Gul Mohammad, cầu xin giới chức đưa những kẻ giết người - được cho là thành viên trong gia đình chồng của cô gái - ra công lý.
Thỏa thuận watta satta liên quan đến hôn nhân ghép đôi giữa các thành viên từ hai hộ gia đình. Thông thường nhất, một con trai và một con gái từ một gia đình được ghép với một cặp từ gia đình khác. Đôi khi chú - cháu từ một gia đình này cũng được ghép với một gia đình khác. Thậm chí trẻ em mới chỉ 12 tuổi cũng đã bị đem ra ghép đôi.
Phong tục này được xây dựng dựa trên niềm tin việc trao đổi con cái lẫn nhau sẽ đảm bảo cho các em gái có cuộc hôn nhân tốt hơn. Watta satta thường phổ biến ở Sindh, một tỉnh với khoảng 47 triệu người.
Một phần trong thỏa thuận watta satta có việc trao đổi tài sản giữa hai bên gia đình, loại bỏ gánh nặng phải trả của hồi môn.
Manthar Ali, một người hàng xóm của Waziran, cho biết watta satta chiếm khoảng 80% trong số 40 cuộc hôn nhân diễn ra tại ngôi làng của ông trong 5 năm qua - chủ yếu là giữa các gia đình nông dân và làm nghề chăn nuôi gia súc.
Trong một bài báo viết năm 2015 đăng trên Tạp chí Khoa học xã hội Mở, các nhà nghiên cứu cho rằng watta satta thường kéo theo hệ lụy là phụ nữ bị lạm dụng thể chất và tinh thần.
"Hôn nhân theo watta satta đem tới sự an toàn cho hai gia đình nhưng cũng là con dao hai lưỡi. Một người chồng lạm dụng hoặc ngược đãi vợ mình có thể chấp nhận chuyện anh trai của vợ tấn công em gái mình, theo thỏa thuận", các nhà nghiên cứu cho hay.
Một báo cáo năm 2019 của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền chỉ ra, hãm hiếp, giết người, tấn công bằng axit, bạo lực gia đình và hôn nhân cưỡng ép đối với phụ nữ vẫn là vấn đề nhức nhối ở Pakistan. Đất nước này chứng kiến khoảng 1.000 vụ giết người vì danh dự mỗi năm.