Công viên giải trí Thorpe Park ở nước Anh vừa mới cho ra mắt trò chơi tàu lượn kiểu mới. Vẫn là những đường ray uốn lượn chỉ cần nhìn thôi cũng đã khiến nhiều người đau tim. Nhưng lần này, Thorpe Park khiến cơn đau tim của người chơi trở nên nhức nhối hơn, đó là sẽ bố trí các nhân viên đóng giả làm zombie, bất thình lình nhảy ra hù dọa mọi người. Trò chơi này được đặt theo tên của series truyền hình nổi tiếng “The Walking Dead”.
Tuy nhiên, từng có nghiên cứu chỉ ra rằng, nỗi sợ hãi lớn nhất của những người trẻ từ 18 đến 24 tuổi là nỗi sợ điện thoại hết pin, chứ không phải sợ zombie hay sợ chơi tàu lượn.
Hiểu rõ điều này, Thorpe Park đã rất có tâm giúp những vị khách đến đây có thể yên tâm chơi “The Walking Dead” bằng cách sạc điện thoại cho mọi người, bằng chính tiếng hét của mình.
Cụ thể, từng toa tàu của “The Walking Dead” được lắp đặt một thiết bị đặc biệt. Thiết bị này là một chiếc hộp nhỏ có ánh đèn màu đỏ. Những hành khách trên tàu lượn la hét càng to, thì chiếc hộp này sẽ càng sáng đèn. Thực tế, chiếc hộp này là một chiếc máy có khả năng tiếp nhận những tiếng hét và rung động để tạo ra điện năng.
Mỗi khi hết một chuyến, các nhân viên của “The Walking Dead” sẽ lại thu gom những chiếc hộp, lúc này đã có đủ điện, rồi đem lắp những chiếc hộp này vào một “trạm” sạc điện thoại. Như vậy những hành khách đứng đợi đến lượt chơi có thể tranh thủ sạc điện thoại của mình.
Tuy nhiên, người chơi cũng không dễ dàng nhận ra thiết bị đặc biệt đó trong toa của mình. Vì chiếc hộp khác nhỏ, kích cỡ 188mm x 188mm x 67mm, lại có màu đen thuyền, ánh đèn đỏ nhấp nháy cũng khá nhỏ. Hơn nữa, khi chơi thì thường mọi người sẽ nhắm chặt mắt lại.
“The Walking Dead” bắt đầu nhận người vào chơi từ hôm 1/4, công nghệ sạc điện thoại bằng tiếng thét này cũng chỉ là một thử nghiệm. Nếu được mọi người yêu thích thì sẽ tiếp tục duy trì đến hết năm 2018.
Giám đốc của Thorpe Park, ông Dominic Jones, hy vọng rằng, khách hàng của mình có thể có được những trải nghiệm không giống với bất cứ nơi nào khác.
Tiến sĩ Joe Briscoe thuộc Đại học Queen Mary (London, Anh) cho rằng, đây là một ý tưởng vô cùng hấp dẫn và chắc chắn sẽ được áp dụng thường xuyên trong tương lai.
Quay trở lại với nghiên cứu về nỗi sợ hãi lớn nhất của giới trẻ, bên cạnh nỗi sợ điện thoại hết pin, thì thanh niên ngày nay còn sợ bị coi là “ngớ ngẩn” ở nơi làm việc hoặc trường học, sợ không có “like” cho các post của mình trên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), sợ rút quá nhiều tiền trong thẻ ghi nợ, sợ có tóc bạc.