Hôm 3/4, tờ Zambian Observer của Zambia đăng tải bài báo chấn động về lời sám hối trước khi chết của một nữ y tá nằm trên giường bệnh ung thư. Theo tờ báo, nữ y tá này đã tráo 5.000 đứa trẻ trong 12 năm làm việc tại Khoa sản, Bệnh viện Đại Học Lusaka, Zambia.
Theo Zambian Observer, nữ y tá Elizabeth Mwewa, nhân vật chính của câu chuyện đã quyết định tiết lộ sự thật động trời này trong một bức thư vì cảm thấy ân hận và cho rằng việc mình đang bị ung thư giai đoạn cuối là quả báo sau hành động đã trở thành thói quen và thú vui của mình trong khoảng thời gian từ năm 1983 đến năm 1995.
Tuy nhiên theo tờ Hoax-alert, không có bất cứ thứ gì trong bài báo cho thấy có thể xác minh độ chân thật của câu chuyện. Bức ảnh chụp lại bà Elizabeth Mwewa trong bài báo của Zambian Observer sau đó cũng được xác nhận là đã xuất hiện trên mạng từ tháng 2/2017.
Kỳ lạ là trong bài báo đăng tải sau đó 5 ngày về trường hợp một ca tráo nhầm trẻ vô ý tại Bệnh viện Giảng dạy Ndola, Zambian Observer cũng dùng lại hình ảnh này.
Câu chuyện của Zambian Observer về nữ y tá Zambia đã lan truyền chóng mặt nhưng có nhiều điểm khá bất thường. Bộ Y tế nước này cũng như bệnh viện không hề lên tiếng về vụ việc và không một bà mẹ nào từng sinh con trong thời gian từ năm 1983 đến năm 1995 tại Bệnh viện Đại Học Lusaka lên tiếng thắc mắc liệu con của mình có bị đánh tráo hay không. Trước đó, trong bức thư, Elizabeth Mwewa nói những đứa trẻ bị tráo và bố mẹ của chúng đến bây giờ không hề biết sự thật.
Mới đây nhất, tờ Lusaka Times đưa tin, Hiệp hội điều dưỡng Zambia đã mở một cuộc điều tra và phát hiện ra rằng không có nữ hộ sinh nào tên Elizabeth Mwewa từng làm việc tại phòng hộ sinh tại Bệnh viện Đại học Lusaka.
Từ những chi tiết trên, Hoax-alert khẳng định câu chuyện về nữ y tá Elizabeth Mwewa chỉ là tin giả. Trang tin chuyên vạch trần tin giả này cũng dẫn lại hàng loạt các bài báo với thông tin giật gân tương tự trên Zambian Observer và cho rằng tờ báo Zambia này chỉ là một tờ báo lá cải, chuyên đăng các câu chuyện chấn động nhưng không có thật để câu view.
“Tin giả được lan truyền chóng mặt khi các biện tập viên đã không kiểm tra lại nguồn tin mà sao chép nội dung từ trang này qua trang khác. Ngay cả tờ MSN.com của Mỹ cũng bị qua mặt và dẫn lại câu chuyện này”, Hoax-alert kết luận.