Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

Sống kề cạnh mộ người chết trong khu ổ chuột không điện nước, nhà vệ sinh giữa lòng nghĩa trang

Ngay giữa lòng thành phố Manila của Philippines, những người thuộc tầng lớp nghèo nhất phải sống cạnh người chết ở nghĩa trang.

Thủ đô Manila của Philippines là một trong những thành phố đông dân nhất thế giới do lượng người di cư từ nông thôn lên thành phố tìm kiếm cơ hội việc làm. Khi người dân ngoại tỉnh đổ về đây, phần lớn họ tự tìm nơi xây dựng thành cộng đồng riêng. Và nghĩa trang Navotas là một trong những “khu ổ chuột” trú chân của những người nghèo ở thành phố này.

Tôi đã sống ở đây 51 năm. Bây giờ chính phủ muốn chúng tôi rời đi, tôi cũng muốn chuyển chỗ ở lắm nhưng chưa biết phải đi đâu“, bà Elvira Miranda, 68 tuổi, nói. Bà cùng chồng và các con sống ở nghĩa trang Navotas từ năm 1996.

Nghĩa trang Navotas là nơi nương náu của rất nhiều người nghèo và không có việc làm ổn định. Các khu ổ chuột tại thành phố Manila được hình thành từ thập niên 1950. Chúng được xây dựng bên trên đỉnh mộ hoặc bên trong lăng mộ. Người dân ở đây không phải trả tiền nhà và khu ổ chuột này cũng không có những dịch vụ cơ bản như nơi vệ sinh, điện, nước sạch để sử dụng.

Nhiều thế hệ gia đình đã sinh sống tại Manila North, nghĩa trang lớn nhất và lâu đời nhất ở Manila. Theo thống kê, có khoảng 6.000 người của 800 gia đình đang sống trong nghĩa trang rộng 54 hecta cùng một triệu người đã khuất được chôn cất ở đây.

Chia sẻ về cuộc sống khốn khó ở đây, bà Miranda cho biết, gia đình bà đã phải làm đủ nghề để kiếm sống qua ngày. “Hầu hết những người sinh sống ở đây đều có thu nhập bấp bênh, nhưng chúng tôi đang cố gắng làm những việc lặt vặt để duy trì cuộc sống. Chúng tôi bán hoa cúng cho người tới viếng mộ, nhận làm bia đá hay đóng quan tài“, bà Miranda nói.

Ông Ricardo Medina, 70 tuổi, sống ở khu ổ chuột tại nghĩa trang Pasay từ năm 1967. Oong nói: “Hồi trước không ai sống ở đây nhưng bây giờ có 50 gia đình khác trú ngụ tại nghĩa trang này. Trong khi đó, chỗ chúng tôi chỉ có 2 giếng nước và đó là nhu cầu thiết yếu không thể thiếu được”. Con trai ông Medina bị cảnh sát bắn chết vào ngày 16/11/2016 do bị cáo buộc tham gia vào một đường dây buôn ma tuý. Medina cũng nói, ông thích sống ở đây bởi như vậy ông có thể sống gần con, có thể nhìn thấy con trai mỗi sáng thức dậy.

Ông Medina sống ở đây bằng nghề khai quật quan tài. Tại Manila, phần lớn các ngôi mộ ở nghĩa trang đều được cho thuê theo kỳ hạn 5 năm. Nếu gia đình không tiếp tục trả tiền thuê, quan tài sẽ bị khai quật, phần xương cốt sẽ được hỏa táng hoặc trả về cho gia đình. “Tôi thích sống ở đây. Nơi này rất yên tĩnh và tôi cũng có một công việc tốt. Tôi có thể kiếm được 50 pesos (khoảng 22 nghìn đồng) nếu khai quật mộ trẻ em và gấp 3 lần đối với mộ người lớn. Công việc đó giúp tôi nuôi sống gia đình và giúp đỡ được mọi người“, ông Medina chia sẻ.

Hơn một năm gần đây, diện tích đất đai ở các khu mộ ngày càng bị thu hẹp. Nguyên nhân là do số người chết tăng lên đáng kể vì cuộc chiến chống ma túy do Tổng thống Duterte phát động. Kể từ tháng 6/2016, hơn 12.000 người đã chết khi lực lượng an ninh Philippines mạnh tay trấn áp tội phạm ma túy. Bên cạnh đó, nhiều vụ bắt bớ còn diễn ra ở các nghĩa trang vì cảnh sát cho rằng, đây là nơi trú ngụ quen thuộc của các đối tượng hút chích. Ảnh: Một đám tang diễn ra ở nghĩa trang Navotas.

Bahacan, 57 tuổi, chuyển đến nghĩa trang Manila North vào năm 1992, hiện đang sống trong một khu ổ chuột trên đỉnh mộ của con trai, nói: “Những người hút chích từng tập trung tới đây nhưng bây giờ thì không. Tuy nhiên, những cuộc càn quét ma túy vẫn xảy ra mỗi ngày vào buổi tối hoặc buổi sáng, khi trời nhá nhem tối. Họ bắn giết những người sống trong nghĩa trang“.

Trải qua nhiều thập kỷ, điều kiện sống ở các khu ổ chuột trong nghĩa trang vẫn rất thiếu thốn. Không có các dịch vụ cơ bản nhất như trường học, nhà vệ sinh, nhà thờ tại đây. Trẻ em không được đi học, chúng ở nhà rồi đi làm phụ hồ hoặc trông coi lăng mộ. “Chính phủ chỉ muốn chúng tôi rời đi, nhưng chúng tôi là một phần của cộng đồng này. Chúng tôi đang làm công việc mà không ai muốn, đó chính là chăm sóc cho người thân đã mất của họ”, ông Ricardo Medina nói.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Phương An

Được quan tâm

Tin mới nhất