Ngày 31/3, Nhà Trắng tuyên bố dù đã thực hiện cách ly xã hội, song số bệnh nhân tử vong vì COVID-19 trên toàn nước Mỹ vẫn có thể lên đến 100.000 - 240.000 người. Tuy nhiên, với những người đã dõi theo tình hình dịch bệnh ngay từ đầu, con số này vốn dĩ nằm trong dự đoán.
Theo bác sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Bệnh Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ, ước tính sẽ có khoảng 100.000 - 200.000 người dân Mỹ qua đời vì nhiễm virus SARS-CoV-2. Con số mà Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME) thuộc Đại học Washington đưa ra cũng không chênh lệch là bao. Cơ quan này dự đoán tính đến ngày 4/8, số người tử vong vì COVID-19 sẽ lên đến 81.766.
Dù chỉ mới là phỏng đoán, nhưng không thể phủ định trận chiến với kẻ thù nguy hiểm này sẽ gây nên tổn thất trầm trọng về nhân mạng cho nước Mỹ. Thậm chí, số người bỏ mạng trong đại dịch COVID-19 còn nhiều hơn một số cuộc chiến được xem là khốc liệt nhất trong lịch sử xứ cờ hoa.
Nếu đại dịch giết chết 100.000 - 200.000 người Mỹ đúng như dự đoán, có thể nói sức tàn phá của COVID-19 đối với dân số nước này đã vượt xa nhiều thảm họa khủng khiếp trong lịch sử từng khiến cả thế giới bàng hoàng. Số liệu được thống kê theo dữ liệu từ Vụ Khảo cứu Quốc hội, Hệ thống phân tích rủi ro quốc phòng và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ.
Cụ thể, số người chết được tiên đoán trong đại dịch sẽ cao gấp 33 - 66 lần số người tử vong vì thảm họa khủng bố 11/9 (2.997 người), gấp 22 - 45 lần Chiến tranh Cách mạng (4.435 người), gấp 14 - 28 lần chiến tranh chống khủng bố hậu 11/9 (7.024 người), gấp 8 - 16 lần dịch cúm H1N1 (12.469 người), gấp 2,7 - 5,4 lần Chiến tranh Triều Tiên (36.574 người).
Số người thiệt mạng trong những thảm họa mà nước Mỹ từng gánh chịu còn có dịch cúm năm 1968 (100.000 người), dịch cúm 1957-1958 (116.000 người), Chiến tranh thế giới thứ nhất (116.516 người), Chiến tranh thế giới thứ hai (405.399 người), Nội chiến (620.000 người) và dịch cúm 1918 - 1919 (675.000).
Qua đó, có thể thấy số dân Mỹ tử vong trong nội chiến cao hơn tất cả các cuộc xung đột quân sự khác được nêu trong danh sách này, thậm chí có khả năng vượt qua số bệnh nhân qua đời vì đại dịch cúm năm 1918 ở xứ cờ hoa. Một số học giả cho rằng số người tử vong thực tế trong cuộc chiến này có thể lên đến 750.000 - 850.000, bao gồm cả những dân thường bỏ mạng trong và sau khi nội chiến kết thúc do ảnh hưởng của chiến sự.
Bảng thống kê cũng cho thấy hiện tượng tử vong hàng loạt do COVID-19 là một phần trong tiến trình lịch sử, khi bệnh tật tàn phá sức sống của một đất nước chẳng khác nào chiến tranh. Số bệnh nhân chết trong đại dịch cúm năm 1918 cao gấp 6 lần so với số người tử vong trong Thế chiến thứ nhất, và trên thực tế, có đến 2/3 số người thiệt mạng trong Nội chiến được cho là vì mắc bệnh.
Tuy cuộc chiến giữa Mỹ với COVID-19 vẫn chưa đến hồi kết, song kết quả của nó phụ thuộc vào sự nỗ lực của nhân viên y tế, công sức nghiên cứu của các bác sĩ và nhà khoa học, cũng như thái độ nghiêm túc chấp hành lệnh cách ly xã hội của người dân. Fauci kêu gọi toàn dân đừng nản lòng khi nghe con số tử vong dự đoán, bởi các biện pháp phòng chống dịch vẫn đã, đang và sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả.
Tính đến ngày 7/4, toàn nước Mỹ đã ghi nhận 367.629 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 10.941 người không qua khỏi.