Khởi đầu gian khó, tự tạo cơ hội cho bản thân
Lúc đến được Hiệp hội Thanh niên Cơ Đốc (YMCA) để tìm chỗ trọ qua đêm, đế giày của Shahid Khan đã rách bươm. Với cái giá 2 USD/đêm, YMCA là nơi lý tưởng để cậu trai 16 tuổi tá túc cho đến khi ký túc xá Đại học Illinois mở cửa.
Ngày hôm sau, Khan bắt đầu công việc đầu tiên của mình trên đất Mỹ - nhân viên rửa bát với mức lương 1,2 USD/giờ. Cậu rời phòng ở sau trận bão tuyết khắc nghiệt nhất nhì Illinois vào lúc đó, tuyết rơi dày hơn 60 cm suốt 2 ngày. Đối với Khan, cuộc sống ở đây và quê nhà Pakistan cứ như hai thái cực. Nhưng đây không phải là trở ngại, mà là cơ hội.
Nếu Khan của năm 16 tuổi ấy có thể nhìn thấy tương lai, cậu sẽ chứng kiến bản thân mình trở thành doanh nhân nức tiếng, chèo chống doanh nghiệp trị giá hàng tỷ USD, mua lại đội bóng bầu dục Jacksonville Jaguars với giá 760 triệu USD. Và rồi cậu sẽ vui mừng, nhưng không hề kinh ngạc, bởi lẽ nó đích xác là những gì cậu đã, đang và sẽ hướng tới trong thời gian lập nghiệp ở Mỹ.
Trong một môi trường xa lạ, hầu hết mọi người đều tìm kiếm cảm giác an toàn từ những người giống với mình. Tuy nhiên, Khan không đi theo con đường đó. Khan chọn gia nhập hội sinh viên để gặp gỡ nhiều người bạn mới, làm quen với môi trường "không quen thuộc", và rồi tìm thấy Beta Theta Pi.
Tại đó, Khan có cơ hội tìm hiểu về xe mui trần và thị trường chứng khoán, cùng bạn bè đi xem trận đấu hoặc tập luyện các môn thể thao như bóng đá và bóng rổ - vốn rất xa lạ với giới trẻ ở Lahore, Pakistan. Một thời gian sau, Khan phải lòng cô bạn học tên Ann và theo đuổi bà hơn 10 năm trước khi "rước nàng về dinh".
Trong lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, chàng sinh viên trẻ đã bắt đầu làm việc tại một công ty sản xuất phụ tùng ô tô có tên Flex-N-Gate. Năm 1978, Khan đem tất cả 16.000 USD tiền tiết kiệm và 50.000 USD từ một công ty cho vay để thành lập Bumper Works, một doanh nghiệp nhỏ chuyên mảng phụ tùng xe tải. Hai năm sau, ông đã mua lại công ty cũ Flex-N-Gate.
Bước đầu khởi nghiệp bao giờ cũng khó khăn, nhất là khi các doanh nghiệp đều đã có thị phần nhất định. Vì vậy, Khan và đồng sự quyết định bắt đầu với các công ty Nhật Bản, bởi lúc đó họ đang nhập khẩu xe tải nhỏ vào Mỹ, và dòng xe này cần có bộ giảm chấn mới có thể tung ra thị trường.
Đến năm 1987, Flex-N-Gate trở thành nhà phân phối duy nhất của sản phẩm bộ giảm chấn cho xe bán tải Toyota. Tiếp bước thành công đó, công ty được "ông lớn" Toyota nhận đặt phụ tùng cho tất cả các dòng xe của họ. Cuối cùng, các công ty Mỹ cũng bị thuyết phục và lấy Flex-N-Gate làm nơi "chọn mặt gửi vàng".
Chủ sở hữu các đội bóng
Khi tài sản tích luỹ ngày càng lớn, Khan đầu tư cho ngôi trường đã nhận mình vào học từ năm 1966, cũng là nơi khởi nguồn cho con đường làm giàu của ông. Tỷ phú gốc Pakistan đã chi hàng chục triệu USD cho các tòa nhà dạy học.
Để tri ân YMCA và nhớ về những ngày đầu khốn khó, Khan và vợ đã trao hơn 1 triệu USD cho tổ chức này. Ông cũng mua lại câu lạc bộ Urbana Golf và Country Club dù bản thân không mấy khi chơi golf, chỉ để giúp họ tồn tại trong thời kỳ khó khăn về tài chính.
Ngay khi Georgia Frontiere, chủ sở hữu đội bóng bầu dục St. Louis Rams qua đời vào năm 2010, con trai bà lập tức nhận được vô số cuộc gọi thương lượng việc sang tay. Duy chỉ có Khan là kiên nhẫn đợi 2 tháng mới liên hệ để tránh gia đình Frontiere phải bối rối vì phải giải quyết công việc trong lúc chưa nguôi nỗi đau mất người thân.
Dù thương vụ không thành công do người đồng sở hữu của đội bóng đã quyết định mua trọn, nhưng thái độ lịch thiệp và ý nhị của Khan đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng gia đình Frontiere.
Năm 2011, Khan trở thành chủ sở hữu của đội bóng Jacksonville Jaguars với giá 760 triệu USD. Ngoài ra, ông còn từng kiêm chức quản lý câu lạc bộ bóng đá Fullham của Anh, sang tay từ ông trùm kinh doanh Ai Cập Mohamed Al Fayed vào tháng 7/2013 với giá khoảng 400 triệu USD.
Không chỉ đam mê thể thao, Shahid Khan còn nổi tiếng nhờ tấm lòng thiện nguyện. Tổ chức Jaguars Foundation do ông điều hành đã tài trợ 1 triệu USD cho các chương trình liên quan tới trẻ em và gia đình vào năm 2012.
Năm 2020, Khan được Forbes vinh danh ở vị trí thứ 66 trong số 400 người giàu nhất nước Mỹ, và ông cũng là người gốc Pakistan duy nhất góp mặt trong danh sách này.
Năm 2006, vợ chồng ông mua căn penthouse rộng hơn 835 m² ở Chicago với giá 8,3 triệu USD. Đây là căn hộ đắt đỏ nằm trên tầng thứ 61 của toà Park Tower cao chọc trời, chỉ cách Tháp nước Chicago và Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Chicago vài bước chân.
Bí quyết
Vậy bí quyết của tỷ phú người Mỹ gốc Pakistan là gì? Đây là 4 chiếc "chìa khoá" vươn tới thành công của Shahid Khan.
Thứ nhất, hãy luôn dành trọn đam mê cho công việc của mình và phấn đấu để vươn đến mục tiêu cụ thể, đừng xem công việc là gánh nặng để rồi hoàn thành qua loa, đối phó cho xong.
Thứ hai, nghèo khó chưa bao giờ là vấn đề. Shahid Khan sinh ra trong một gia đình trung lưu, đến Mỹ với chỉ 500 USD trong túi nhưng ông vẫn trở thành tỷ phú, bởi vì ông ôm ấp giấc mơ Mỹ vô cùng to lớn và táo bạo. Nếu nghèo khổ, bạn sẽ phải phấn đấu nhiều hơn. Lúc ấy, thành công không chỉ là niềm vui mà còn là mục tiêu, là nhu cầu trong cuộc sống.
Thứ ba, hãy dám ước mơ. Nhiều người trong số chúng ta chỉ ôm ấp giấc mộng về một cuộc sống bình dị qua ngày với hàng tá thứ vụn vặt. Nhưng qua câu chuyện của Khan, có thể thấy nếu muốn làm "người khổng lồ", chúng ta phải thực sự "khổng lồ" từ trong suy nghĩ và mơ ước. Đừng sợ hãi, hãy tin tưởng bản thân và cho phép chúng ta bước theo con đường mà giấc mơ đưa lối.
Cuối cùng, hãy luôn tích cực. Tất cả chúng ta đều cảm thấy khó chịu khi gặp thất bại, khi năng lực của bản thân không được công nhận, hay cảm thấy thua kém so với người khác. Nhưng hãy nhớ rằng ngay cả những tỷ phú, những vĩ nhân nổi tiếng thế giới cũng từng rơi vào hoàn cảnh đó.
Vào lúc ấy, họ có thấy buồn không, có thất vọng không? Khi sống trong căn phòng trọ 2 USD/đêm, làm việc rửa bát với lương 1,2 USD/giờ, Khan chỉ thấy hứng khởi vì đã làm chủ được cuộc sống của bản thân! Thái độ tích cực có thể xoa dịu cảm xúc, giúp ta bình tĩnh khi đối mặt với khó khăn, thậm chí đưa ra quyết định sáng suốt trong cơn bĩ cực.