Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

Sau thiên tai kép, hai ngôi làng ở Indonesia bị xóa sổ khỏi hành tinh

Dailymail, Reuters Theo dõi Saostar trên google news

Do hệ lụy của hiện tượng đất hóa lỏng và trượt đi sau thảm họa kép động đất, sóng thần nên hai ngôi làng ở Indonesia dường như bị xóa sổ trên bản đồ.

Video: Hình ảnh từ vệ tinh cho thấy một ngôi làng ở Indonesia bị xóa sổ

Đoạn video trên được quay từ vệ tinh cho thấy một ngôi làng ở Indonesia bị xóa sổ như thế nào sau thiên tai kép động đất và sóng thần vừa qua. Balaroa và Petobo ở Palu là hai ngôi làng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất và bị xóa sổ hoàn toàn khỏi vệ tinh sau thảm họa 28/9, khi hiện tượng đất hóa lỏng gần như nuốt chửng cả hai ngôi làng.

Xét về vị trí địa lý, cả hai ngôi làng này đều nằm xa hướng biển nên không bị tác động bởi sóng thần. Thế nhưng, do nằm ở vùng trũng nên khi động đất xảy ra, bề mặt địa chất ở hai ngôi làng bị dịch chuyển mạnh, mặt đất dợn sóng, bóp nát, xáo trộn và nuốt chửng nhà cửa, ruộng đất và các công trình.

Những con đường nhựa bị nứt gãy, trồi lên khoảng 8 m và ô tô trở thành những nóc nhà. Do hệ lụy của hiện tượng đất hóa lỏng và trượt đi nên hai ngôi làng này dường như bị xóa sổ trên bản đồ.

Tính tới thời điểm hiện tại, Cơ quan giảm nhẹ thiên tai Indonesia cho biết số người chết sau thảm họa kép đã tăng lên 1.649 người và hàng trăm người vẫn còn mất tích. Trận động đất mạnh 7,5 độ richter và sóng thần cao 6 m cũng phá hủy hơn 66.000 nhà cửa.

Hiện tại, Balaroa là một mảnh đất rộng lớn với đầy các mảnh vụn. Cả ngôi làng chỉ còn sót lại vài mái nhà, các nhà thờ Hồi giáo hầu hết đều bị nghiêng về một phía hoặc chỉ còn lại phần đỉnh tháp.

Trong khu vực bị tàn phá, các tòa nhà bị phá hủy được bao phủ trong các lớp gạch đá, sắt thép và mái lợp.

Sau 8 ngày kể từ khi thảm họa kép xảy ra, chính quyền Indonesia chưa chính thức dừng cuộc tìm kiếm người sống sót, dù hy vọng hiện nay là rất mong manh.

Các nhân viên cứu hộ đang cố gắng tìm kiếm những người còn mất tích dưới đống đổ nát.

Một quan chức địa phương cho biết: “Từ khi thảm họa kép xảy ra, không ngày nào là chúng tôi không ngừng công tác tìm kiếm các nạn nhân. Mùi thi thể nồng nặc khắp nơi“.

Phần còn lại của một nhà thờ Hồi giáo tại Palu sau khi bị động đất và sóng thần nhấn chìm.

Hiện tại, người dân được yêu cầu tránh xa Petobo và Balaroa vì đây là khu vực có nhiều người chết nhất. Việc tránh xa hai khu vực này không chỉ giúp tránh việc lan truyền dịch bệnh mà còn đề phòng cảnh tượng đáng sợ có thể làm nhiều người bị chấn thương tâm lý.

Trước đó, chính quyền đã chôn tập thể những nạn nhân trong thảm họa kép này để tránh bệnh dịch. Đối với các nhân viên cứu hộ, họ được tiêm phòng để tránh mắc phải một số bệnh như thương hàn, dịch tả.

Ông Yusuf Latif, phát ngôn viên của lực lượng tìm kiếm và giải cứu Indonesia chia sẻ: “Phần lớn các thi thể được tìm thấy không còn trong tình trạng nguyên vẹn và điều này quả thật là một thử thách không hề đơn giản với đội cứu hộ. Chúng tôi phải rất cẩn thận để không mắc bệnh truyền nhiễm“.

Hơn một tuần sau thảm họa kép, hàng ngàn người ở Palu vẫn rơi vào tình trạng “màn trời chiếu đất”. Có người vẫn nơm nớp lo sợ thiên tai sẽ tiếp tục xảy ra nhưng có người lại tất tả đào bới đống đổ nát để tìm người thân trong vô vọng. Ông Munif Umayar, 50 tuổi, chia sẻ: “Sợ rằng anh trai tôi vẫn còn mắc kẹt trong nhà, nên sau thảm họa kép xảy ra, tôi liền chạy về nhà. Tôi phải đào xuống rất sâu mới biết đây là nhà mình. Khi tìm thấy nó, tôi cắm một lá cờ lên đó như làm dấu“.

Những người sống sau thảm họa đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực và nhu yếu phẩm cần thiết. Một vài người dân đã cướp hàng hóa từ các cửa hàng, hàng chục người đã bị bắt giữ và cảnh sát đe dọa sẽ nổ súng vào những người cố tình vi phạm pháp luật.

Khi trực thăng tiếp tế đến, như một phản xạ tự nhiên, người dân liền lao ra để tranh giành đồ ăn.

Hàng trăm người đổ xô vào một chiếc xe tải tiếp tế thực phẩm vào ngày 6/10. Bên cạnh đó, nhiều siêu thị không cho phép người dân vào bên trong mà chuyển đồ qua cửa chính trong lúc lực lượng vũ trang canh phòng cẩn thận.

Dự án HOPE, một tổ chức y tế phi chính phủ tại Indonesia, cho biết chỉ có 2 trong số 82 nhân viên của họ nhận nhiệm vụ ở Palu. Tổ chức HOPE nói: “Chúng tôi không biết số phận của những bác sĩ, y tá và nhân viên y tế còn lại, những người đang làm việc tại Palu trước khi thảm họa kép xảy ra hiện như thế nào“.

Ngày 6/10, Liên Hợp Quốc cho biết, tổ chức đang huy động 50,5 triệu USD để trợ giúp “ngay lập tức” cho các nạn nhân tại Indonesia. Các chuyên gia Pháp vào sáng 6/10 đã bắt đầu công cuộc tìm kiếm các nạn nhân còn bị chôn vùi trong đống đổ nát, trong khi đó, lực lượng không quân Nhật Bản lại dỡ hàng hóa cứu trợ từ máy bay quân sự xuống.

Các chuyên gia quân sự Anh và một máy bay RAF A400M đóng quân ở Trung Đông cũng được điều đến để phục vụ công tác cứu trợ. Nữ hoàng Anh cũng quyên góp riêng cho Ủy ban thiên tai khẩn cấp để giúp đỡ những người còn sống sót sau thảm họa kép.

Dù vậy, việc tiếp nhận viện trợ của Indonesia cũng gặp nhiều khó khăn do sân bay tại thành phố Palu có công suất nhỏ, số chuyến bay tiếp cận được khu vực còn hạn chế. Cho nên, hàng hóa cứu trợ buộc phải vận chuyển bằng đường bộ, mất nhiều thời gian để đến tay các nạn nhân.

Người dân xếp hàng nhận đồ cứu trợ.

Nguồn nước sạch cũng trở nên khan hiếm sau thảm họa kép xảy ra.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Dailymail, Reuters

Được quan tâm

Tin mới nhất