Hôm 1/1 vừa qua, nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, chính thức có hiệu lực. Theo quy định mới, bất kể người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (ô tô, máy kéo, xe máy, xe máy điện, xe mô tô) và phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (xe đạp, xích lô, xe lăn, xe súc vật kéo…) đều không được phép uống rượu bia khi lưu thông trên đường. Người điều khiển ô tô, xe máy, xe đạp nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn dù chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg /1l khí thở vẫn bị xử phạt.
Các nước trên thế giới cũng có quy định về nồng độ cồn trong máu khi tham gia giao thông. Quy định về nồng độ cồn của các quốc gia không nhất thiết phải giống nhau, mỗi khu vực sẽ áp dụng mức giới hạn cho tài xế tùy theo thực trạng giao thông trong nước. Ví dụ, Mỹ cho phép người lái xe từ 21 tuổi trở lên có nồng độ cồn trong máu (BAC) là 0,08%. Với những tài xế trẻ tuổi hơn ngưỡng này, nồng độ BAC phải duy trì ở mức dưới 0,02% hoặc thậm chí là 0, đồng nghĩa là họ không được uống rượu khi lái xe.
Canada và Mexico cũng áp dụng hạn mức 0,08% đối với nồng độ cồn của tài xế. Con số này giảm xuống còn 0,05% ở Peru, Bolivia và Argentina. Càng xuôi về phía nam, quy định của các nước càng hà khắc. Paraguay, Uruguay và Brazil chỉ cho phép một lượng cồn cực nhỏ xuất hiện trong hơi thở của tài xế, chẳng hạn như cồn từ nước súc miệng hoặc thuốc ho. Nếu trót dùng một ly bia lạnh rồi lái xe về nhà, rất có thể bạn sẽ bị cảnh sát giao thông “tuýt còi”.
Anh, Wales và Bắc Ireland là những quốc gia châu Âu có cùng giới hạn nồng độ cồn với Mỹ và Canada. Scotland và một số vùng lãnh thổ phía nam đặt ra giới hạn thấp hơn một chút là 0,05%, tương đương với Pháp và nhiều nước khác trên lục địa. Cộng hòa Séc, Slovakia, Hungary và Romania có luật lệ nghiêm ngặt hơn, họ tuyệt đối không cho phép tài xế động đến rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông.
Nước Nga chỉ cho phép tài xế lái xe khi nồng độ cồn không quá 0,03%, nếu vi phạm sẽ bị phạt tiền và tước bằng lái, thậm chí ngồi tù. Ở châu Á, quy định về nồng độ BAC có phần nghiêm nghị hơn.
Tại Trung Quốc, tài xế có nồng độ cồn trong máu giữa ngưỡng 0,02 - 0,08% đã bị xem là phạm luật. Nếu vượt qua mức này, họ sẽ bị tạm giữ, tước bằng lái và từ chối cấp lại trong 5 năm. Khu hành chính Hong Kong đặt ra giới hạn tối đa 0,05% cho người điều khiển phương tiện giao thông. Singapore sẽ xử phạt tài xế có lượng cồn trong máu từ 0,08% trở lên, nồng độ càng cao hình phạt càng nặng.
Nhật Bản và Hàn Quốc đồng áp dụng tiêu chuẩn dưới 0,03% đối với các tài xế có nồng độ cồn trong máu. Luật pháp xứ Hàn cho phép cơ quan chức năng đình chỉ hoặc tước bằng lái của người vi phạm, tùy theo mức độ nghiêm trọng của hành vi. Nhật Bản cũng có quy chế xử phạt hà khắc với người lái xe trong tình trạng nồng độ cồn vượt mức quy định, nhất là chủ xe máy.
Tuy nhiên, khoảng chục quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới vẫn áp dụng con số 0 tuyệt đối với chủ phương tiện khi điều khiển xe. Ngoài những nước nêu trên, Iran và Iraq cũng là hai quốc gia kiên quyết không cho phép một tí cồn nào xuất hiện trong máu hoặc hơi thở của tài xế. Song, có nhiều nước chỉ áp dụng quy định này đối với những người mới có bằng lái, tài xế dưới 21 tuổi, người điều khiển những phương tiện công cộng hoặc kích thước lớn (xe bus, xe tải, container…), chẳng hạn như Đức, Croatia, Italy, Slovenia và Thụy Sĩ.